Vừa qua, bé P.K.N (3 tuổi, tại TPHCM) được mẹ phát hiện ra máu vùng âm hộ, kéo dài gần một tháng. Qua siêu âm và chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong âm đạo của bé.
Thấy vùng kín của con gái mới 2-3 tuổi bỗng nhiên có “mùi”, chảy dịch, thậm chí ra máu, nhiều bậc phụ huynh mới tá hỏa đưa con đi khám phụ khoa. Và họ giật mình phát hiện, vùng kín của con chứa vật thể lạ.
Bé gái nhét kẹp tóc vào… vùng kín vì nghịch
Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) thường tiếp nhận, cấp cứu nhiều trường hợp trẻ em gái tò mò, chơi nghịch nhét dị vật vào vùng kín của mình. Điển hình như vừa qua, bé P.K.N (3 tuổi, tại TPHCM) được mẹ phát hiện ra máu vùng âm hộ, kéo dài gần một tháng. Theo lời của mẹ bệnh nhi, bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường, không có biểu hiện sốt hay ngứa. Bé cũng không có bất thường tâm lý hay bị xâm hại trước đó. Qua siêu âm và chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong âm đạo của bé. Bé được nội soi và dị vật được lấy ra là một kẹp tóc màu hồng, dài khoảng 5cm, đã gỉ sét.
Một trường hợp khác, bé gái N.T.T.T (8 tuổi) nhập viện gấp vì xuất huyết âm đạo. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã siêu âm bụng thì phát hiện có dị vật trong âm đạo của bé. Và thủ phạm gây xuất huyết chính là một búi dạng sợi len dính chặt trong thành âm đạo của bé.
Cách đây gần một tháng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhi 18 tháng tuổi bị rơi hạt thóc vào trong âm đạo. Trước đó, bé M (18 tháng tuổi, ở Lào Cai) nhập viện tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng âm đạo bị sưng, chảy nhiều dịch và khóc thét mỗi khi có người chạm vào. Được biết, gia đình cho bé chơi trên đống lúa mới gặt và những hạt thóc vô tình lọt vào âm đạo của bé. Sau đó, bằng các biện pháp, gia đình đã cố gắng lấy hạt thóc ra nhưng vô tình lại đẩy hạt thóc vào sâu trong âm đạo của bé hơn. Bé cũng được đưa đến bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nhưng việc lấy dị vật ra không thành công.
Theo nhiều bác sĩ tại các bệnh viện Sản - Nhi, họ thường xuyên gặp những ca “khó đỡ” khi gắp các “vật thể lạ” như kẹp tóc nhỏ, búi len, bút chì sáp, mút xốp hay bông lưới… ra khỏi vùng kín các bé gái chỉ mới 2 - 5 tuổi. Thậm chí, BS Phan Tấn Đức, Phó Trưởng khoa Ngoại Niệu (Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM) cho biết, nhiều trẻ bị viêm nhiễm âm đạo vì giun kim, để đỡ ngứa đã nhét dị vật vào vùng kín. Thường giun kim làm tổ ở hậu môn, chui qua âm đạo gây ngứa, viêm nhiễm.
Phải dặn dò trẻ không nên nghịch dại
Thông thường, với những trường hợp bé gái bị “dị vật du lịch” vào vùng kín, các bé sẽ bị tiết dịch âm đạo (thường là máu, mủ), có mùi hôi hoặc cảm giác khó đi tiểu. Trong khi đó, nhiều nơi vì chẩn đoán sai, điều trị viêm nhiễm âm đạo, âm hộ cho bé thậm chí bằng kháng sinh, chỉ giải quyết được tình trạng viêm nhiễm trước mắt nhưng vì không xác định rõ nguyên nhân gốc nên điều trị kéo dài, không hiệu quả.
Theo BS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, chảy dịch âm đạo bất thường chiếm 8% các trường hợp trẻ đến khám phụ khoa. Nguyên nhân có thể do viêm nhiễm, niệu quản cắm lạc chỗ hoặc dị vật. Nếu viêm nhiễm lâu ngày, có thể gây thủng vách giữa bàng quang và âm đạo, hậu quả là em bé tiểu từ bàng quang xuống âm đạo. Mổ cho những trường hợp đã biến chứng là cực kỳ phức tạp.
Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em ở tầm 3 - 5 tuổi đang ở giai đoạn tò mò khám phá thế giới xung quanh và đặc biệt thích khám phá bản thân, cơ thể mình. Các bé nhỏ thường nghịch phá nhét dị vật vào chỗ kín, hoặc nhét vào mũi, vào hốc tai một cách không có chủ ý, còn đối với trẻ lớn hơn thì do tò mò muốn khám phá bản thân. Nhiều trường hợp trẻ hay táy máy nhét vật này vật nọ vào cơ thể mình. Hơn nữa, nhiều trẻ sau khi “nghịch dại”, dù có đau hay khó chịu cũng không dám mách bố mẹ mình vì sợ bị đánh hay la mắng.
Các bác sĩ cũng lưu ý, đối với các bé gái dưới 5 tuổi, các cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện, nên việc phẫu thuật để lấy các dị vật trong âm đạo ra là cực kỳ khó và để lại nhiều biến chứng cho trẻ. Vì vậy, phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần chú ý khi chăm sóc, trông coi bé, đồng thời chỉ dạy, dặn dò trẻ không nên nghịch dại nhét dị vật vào cơ thể mình để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi thấy các bé có tình trạng chảy dịch có mùi ở “vùng kín” thì phụ huynh nên nghĩ đến dị vật và đưa đi khám chuyên khoa. Trẻ cũng cần được khám tâm lý sau phẫu thuật nhằm tránh tái phát.
Đặc biệt, khi phát hiện con nhét dị vật vào âm đạo hay đường tiểu, cha mẹ tuyệt đối đừng cố gắng lấy dị vật ra. Đó là bởi càng cố lấy ra, vô tình lại đẩy dị vật vào sâu hơn và làm nề tổ chức, khiến việc lấy dị vật càng khó. Bố mẹ nên đưa bé đến các bác sĩ chuyên khoa Sản – Nhi càng sớm, càng tốt. Ngoài ra, để tránh trường hợp con bị giun kim, giun đũa “quấy rầy”, đi lạc từ hậu môn ra vùng kín, cha mẹ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần cho trẻ và cả nhà để ngăn ngừa. Liệu trình điều trị giun kim phải theo phác đồ của bác sĩ với 2 lần/năm. Dùng thuốc kháng giun ít nhất 7 ngày, sau đó khoảng 20 ngày phải điều trị lặp lại để ngăn ngừa trứng giun nở ra chu kỳ mới. |