Được chồng Tây quan tâm, gợi ý cách chăm con chị Hường C nuôi con chưa bao giờ phải khổ như mẹ Việt.
Trẻ trung, quyến rũ và đầy tự tin, ít ai ngờ chị Hường C – một cái tên đã rất nổi tiếng trong lĩnh vực make up đã có tới 3 con nhỏ. Ngoài hai bé đầu với người chồng cũ, Thiên Ân và Minh Quân hiện đang học tiểu học, chị Hường C còn mới chào đón thêm một thiên thần nhỏ nữa: cậu con trai thứ 3, bé Sam hiện mới được 7 tháng. Những tưởng, một người mẹ tự tay chăm 3 con nhỏ hẳn sẽ vô cùng vất vả, vậy nhưng chị Hường C cho biết, ngoài chăm con, chị còn điều hành một cửa hàng make up, đi dạy trang điểm cho các công ty và nhận lịch làm đẹp cho các cô dâu. Bà mẹ 3 con nở nụ cười vô cùng hạnh phúc và cho biết “tất cả là nhờ chồng”.
Được biết, người chồng hiện tại của chị Hường C người Bắc Ailen, hiện là phi công đang làm việc cho một hãng hàng không Nhật Bản. Tuy tính chất công việc khiến anh thường xuyên phải xa nhà, vậy nhưng không bao giờ chị Hường C phải cảm thấy vất vả khi một mình nuôi dạy 3 đứa con.
Nếp sinh hoạt đứa trẻ phải theo bố mẹ chứ không phải bố mẹ theo con
Là người phụ nữ có 2 đời chồng, chị có cảm nhận gì khác biệt về cách nuôi dạy con cái của đàn ông châu Á và châu Âu?
Chồng trước của tôi là người Singapore, anh hầu như không để ý gì đến chuyện nuôi con. Chính vì vậy, khi sinh Thiên Ân và Minh Quân, tôi nuôi con hoàn toàn theo kiểu Việt Nam và đương nhiên, tôi bị “xoay” như chóng chóng bởi hai đứa trẻ. Tuy nhiên, đến người chồng thứ 2, anh can thiệp và tư vấn rất nhiều cho tôi về chuyện nuôi con. Đó là nét tính cách đặc trưng của đàn ông châu Âu nhưng đồng thời cũng do anh muốn tôi làm mẹ được nhàn, không phải khổ vì con cái. Bản thân là người có trải nghiệm giữa hai cách nuôi với hai người chồng châu Á và châu Âu, tôi thấy kết quả mình đạt được với đứa trẻ thứ 3 – bé Sam hoàn toàn khác so với 2 bé đầu. Con ăn ngoan, ngủ ngoan, rất tự lập và tôi cũng rất “nhàn”.
Chị Hường C và chồng người Bắc Ailen.
Là người phụ nữ đã có 3 con nhưng chị Hường C vẫn giữ được vẻ trẻ trung, tươi tắn nhờ những bí quyết nuôi con cực nhàn của chồng Tây.
Chị nói mình nuôi con rất nhàn từ khi lấy chồng Anh, cụ thể là ở điểm nào?
Tôi nuôi bé Sam chưa phải thức đêm chăm con một ngày nào. Theo lời chồng tôi, đứa trẻ phải theo bố mẹ chứ không phải bố mẹ theo con, chính vì vậy ngay từ đầu anh đã không bao giờ cho con có chuyện ngủ ngày thức đêm. Hồi đầu khi luyện cho con ngủ, thấy con khóc tôi cũng rất xót. Vậy nhưng chồng tôi bảo trẻ con không khóc mới là bất thường. 2 tuần đầu sau sinh, cứ để cho con được khóc thoái mái, có như vậy, hệ hô hấp và tiêu hoá của con mới phát triển. Thêm vào đó, anh cũng nói với tôi rằng tiếng khóc chỉ là cách để bọn trẻ thu hút sự chú ý. Lần đầu tiên luyện con ngủ, chúng tôi đã để mặc Sam khóc 15 phút. Sau đó, tôi vào bế con lên, vỗ nhẹ vài cái là con ngủ luôn. Tuần thứ hai, tôi để con khóc 20 phút, sau đó mẹ chỉ cần bế lên con đã ngủ. Từ tuần thứ 3, tôi chỉ cần đặt con vào nôi là bé ngủ luôn không khóc.
Cách luyện con ngủ tự ngủ của chồng chị nghe rất khoa học, vậy nhưng đối với những bé sơ sinh, giờ giấc ngủ ngắn, lại hay đòi ăn đêm, chị làm thế nào để con có thể ngủ sâu, ngủ một mạch đến sáng?
Đương nhiên, một đứa trẻ có thể buồn ngủ bất cứ lúc nào, vậy nhưng riêng với Sam, cứ khoảng thời gian 5 giờ chiều là không bao giờ chúng tôi cho ngủ. Nếu con buồn ngủ, tôi bật nhạc lên, bật đèn lên, tôi nói chuyện với con, lau mặt cho con, tôi nhỏ nước muối sinh lý vào mắt con. Cái này không phải bà mẹ nào cũng dám làm. Nhưng thực ra nhỏ nước muối sinh lý vào mắt cũng chỉ là một cách để vệ sinh mắt trẻ sơ sinh, đồng thời để con tỉnh qua giấc. Đến 8,9 giờ tối Sam buồn ngủ lại, sau khi bú sữa xong tôi chỉ cần đặt nằm vào nôi, vỗ nhẹ là con ngủ luôn được 2,3 tiếng. Tầm 11 giờ con trở mình, tôi cho bú tiếp khoảng 60ml sữa và lúc 4 giờ một ca nữa. Cứ ăn xong là con lại ngủ tiếp một mạch cho đến 7 giờ sáng.
Bé Sam, con trai của chị Hường C và chồng Anh.
Thiên Ân, con gái lớn của chị Hường C với chồng cũ người Singapore.
Một người đàn ông lại biết cách tư vấn cho chị cách chăm con, luyện con ngủ, hẳn chồng chị rất khéo léo và nghiêm khắc?
Bản thân chồng tôi trước khi cưới tôi cũng đã có con riêng, vì vậy anh cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc con cái. Tuy nhiên theo tôi, phần lớn không phải vì anh khéo léo mà thực ra tất cả đàn ông Anh đều vậy. Người phương Tây sinh con ra đều tự tay chăm con, nuôi con, chẳng gia đình nào có bà nội bà ngoại đến trông cho hay thuê giúp việc chăm con hộ như người Việt mình. Chính điều kiện cuộc sống rất bận rộn và còn quá nhiều việc phải làm nên họ không thể cứ xoay quanh đứa trẻ như ta được. Như tôi đã nói, với chồng tôi và với người phương Tây, đứa trẻ phải theo bố mẹ chứ không phải bố mẹ theo con.
Chồng Tây rất quan tâm tới cách chị Hường C chăm con. Anh cũng khiến chị vô cùng ngạc nhiên khi có thể ngồi nói chuyện cả tiếng đồng hồ với một đứa trẻ 6 tháng "như hai người đàn ông thực thụ".
Chồng Tây từng hỏi tôi "Con không thích ăn vì sao em lại ép?"
Chuyện ăn uống của bé Sam thì sao? Có gì khác biệt so với cách nuôi con thường của mẹ Việt?
2 tháng tôi đã cho con ăn dặm. Nói ra sẽ khiến nhiều mẹ Việt rất “choáng” nhưng thực sự đúng là như vậy. Sam nhà tôi là một cậu bé rất háu ăn, con đòi ăn liên tục và tôi thấy con bú không đủ no. Khi ấy, chồng tôi đã nói với tôi rằng “Nếu em thấy con ăn nhiều sữa mà vẫn đói, em lại không đủ sức thức đêm cho con ăn thì em cho con ăn dặm đi”. Vậy là 2 tháng 7 ngày, tôi cho con ăn dặm. Tuy nhiên không như mẹ Việt cho con ăn cơm gạo tẻ, tôi cho Sam ăn yến mạch. Yến mạch rất tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ, lại khiến con no lâu hơn sữa. Một ngày, Sam 2 tháng ăn 400ml sữa và 2 bát con yến mạch.
Cho con ăn dặm sớm như vậy, chị có sợ trẻ nhanh chán, trở nên lười ăn, biếng ăn?
Tôi không nghĩ thế. Trẻ sơ sinh mới vài tháng tuổi chưa thể biết chán ăn. Các bé không ăn, biếng ăn chủ yếu là do người mẹ thích nhồi nhét, bắt ép khiến trẻ khó tiêu, đầy bụng.
Tôi nhớ có lần khi Sam mọc răng, biếng ăn, chồng đã nói với tôi “Con không thích ăn sao em lại ép?”. Đối với người phương Tây nếp sinh hoạt con phải theo nhu cầu của bố mẹ, vậy nhưng chuyện ăn thì bố mẹ phải theo nhu cầu của con. Trước đây, tôi nuôi Thiên Ân và Minh Quân theo kiểu Việt Nam, tức là nhồi ăn, ép ăn, thuê hẳn taxi đưa con đi vòng vòng để ăn. Kết quả 2 đứa trẻ rất biếng ăn cho đến tận giờ phút này. Nhưng Sam thì không như thế.
Như Sam, tôi cho con ăn dặm từ rất sớm nhưng ăn chỉ đúng theo nhu cầu của con, không bắt ép. Các mẹ Việt hay thích so cân nặng của con với các bạn khác để chạy đua nhưng tôi không thế. Tôi nuôi con không nhìn con hàng xóm, tôi cũng rất ít khi cân con. Tôi chỉ đảm bảo cân nặng của Sam luôn ở trong mức tiêu chuẩn là được. Hiện nay Sam 7 tháng hơn 8kg, so với các bé Việt, Sam là con lai nhưng lại không hề to béo hơn. Đó là vì tôi nuôi con phát triển xương chứ không phát triển thịt. Theo tôi, béo phì còn khó chữa hơn suy dinh dưỡng.
Bé Sam bên 2 anh chị lớn: Thiên Ân và Minh Quân.
Người Tây không bao giờ cho con dùng kháng sinh. Trẻ con là phải tự ốm tự khỏi
Cha mẹ Tây thường cho con tiếp xúc với môi trường bên ngoài và thiên nhiên từ rất sớm. Ông xã chị có phải là người như vậy?
Có chứ (cười!). Khi Sam được 6 tháng tuổi, vợ chồng tôi đã cho con đi du lịch Đà Nẵng cùng bố mẹ. Tôi nhớ hôm đấy thời tiết Đà Nẵng rất đẹp. Khi đến nơi, 11 giờ trưa chồng tôi đã cho con xuống bể bơi, thậm chí còn cho con thử nhúng chân xuống biển. Bé rất thích và không hề sợ hãi gì hết, thậm chí bơi ở bể bơi một lúc sau còn không muốn lên. Nhiều mẹ Việt sợ nắng, sợ gió và không dám cho con ra đường. Nhưng người Tây cho con tiếp xúc và làm quen với nhiều môi trường từ bé, có như vậy trẻ mới thích nghi, sau mới không sợ.
Để con ra đường sớm vậy, chị có xót con, có sợ bé bị ốm?
Đương nhiên lúc đầu tôi có xót chứ. Nhưng nhờ sự khuyến khích của chồng nên tôi đã mạnh dạn hơn rất nhiều. Về chuyện con sốt, các mẹ Việt hay có thói quen thấy con ốm sốt là đưa đi bác sỹ. Vậy nhưng tôi hạn chế điều đó. Tôi nhớ có lần Sam ốm, chồng đã nói với tôi “Tại sao em lại cho con đi bác sỹ? Trẻ con là phải tự ốm tự khỏi. Con sốt tức là hệ miễn dịch đang hoạt động, con ho tức là cơ thể đang tìm cách đẩy virus ra ngoài.” Và tôi nghĩ chồng mình nói đúng. Cha mẹ Tây không bao giờ cho con uống kháng sinh, trong khi mẹ Việt rất hay dùng kháng sinh để kích thích đề kháng. Như thế là không tốt. Tôi đã từng thấy rất nhiều đứa trẻ con nước ngoài nghịch bẩn, vậy nhưng bọn trẻ không hề ốm đau gì. Đó là do các bé được thích nghi với môi trường từ sớm. Thêm vào đó, điều kiện nuôi con của họ không thể cứ tập trung mãi vào đứa trẻ được, chính vì vậy, họ dạy con làm quen với nhiều môi trường, đứa trẻ càng khoẻ mạnh, dễ thích nghi và tự lập hơn.
Sam được bố cho đi bơi và xuống biển ngay từ khi mới 6 tháng tuổi
Kinh nghiệm đưa con đi du lịch của bà mẹ "ham chơi"
Đưa Sam đi du lịch bằng máy bay suốt một quãng đường dài ngay từ khi mới 6 tháng, hẳn chị có rất nhiều kinh nghiệm cho con nhỏ đi chơi xa. Chị có thể chia sẻ một số ‘bí kíp’ bỏ túi cho các bà mẹ đang có dự định đưa con đi chơi dịp 30/4 này?
Không chỉ hay đưa các con đi chơi mà vì đã từng sống ở nước ngoài một thời gian nên tôi cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đưa con đi máy bay và đi du lịch. Tôi có vài kinh nghiệm sau muốn chia sẻ:
Thứ nhất về vấn đề đi máy bay: các mẹ nên cố gắng giữ cho con tỉnh táo hoặc hơi đói một chút cũng được trước khi lên máy bay. Như vậy khi lên, con chỉ cần ti mẹ hoặc bú một bình sữa là có thể ngủ ngon lành trong suốt chuyến bay. Thêm vào đó, khi đi du lịch có trẻ con, nên hạn chế chọn giờ bay tối hoặc bay đêm. Những khung giờ đấy máy bay tắt hết đèn nên nếu đứa trẻ nào khó ngủ, con sẽ rất quấy và bố mẹ sẽ vô cùng mệt mỏi. Lần đi Đà Nãng vừa rồi, cũng vì không để ý giờ bay nên trong chuyến trở lại Hà Nội, Sam đã khóc liên tục trên máy bay suốt từ Đà Nẵng về tới Hà Nội. Phải có 3 cô tiếp viên thay nhau bế con giúp tôi thì bé mới chịu nín khóc. Một mẹo nhỏ nữa, đó là để tránh ù tai khi máy bay cất, hạ cánh, mẹ nên cho bé ngậm ti giả hoặc ti bình. Đồng tác nhai bú sẽ khiến con không bị ù tai.
Thứ hai về vấn đề nước: Đây tưởng là vấn đề đơn giản nhưng hoá ra lại vô cùng quan trọng. Trẻ sơ sinh, nhất là những bé ăn sữa công thức, nếu không hợp nguồn nước ở từng vùng có thể dẫn đến rối loạn tiêu hoá. Như vậy có thể khiến kỳ nghỉ của cả nhà phút chốc “tan thành mây khói”. Giải pháp của tôi, đó là khi đi du lịch đến đâu, tôi đều mua nước khoáng đóng chai đúng hãng con hay dùng, đun sôi lên rồi mới pha sữa cho con như bình thường.
Thứ ba về vấn đề ăn uống: Nếu trẻ đã ăn dặm, đang ăn cháo, đương nhiên khi đi du lịch, không bà mẹ nào lại muốn lích kích đun nấu. Cách hay được các mẹ áp dụng, đó là mua ngũ cốc, bột ăn liền quấy cho con. Với những bé đã quen ăn kiểu này thì không sao nhưng nếu với những bé chưa quen, mẹ không thể đột nhiên đổi khẩu vị cho con. Cần phải cho bé tập ăn 1 tuần đến 5 ngày trước khi đi du lịch để con làm quen và không bỡ ngỡ.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!