Ông bố giật mình khi nghe những lời đứa trẻ nói.
Đối với bố mẹ, con cái là tình yêu lớn nhất cuộc đời thì với những đứa trẻ, bố mẹ cũng là người ảnh hưởng và có vị trí cực kỳ quan trọng trong lòng. Với sự ngây thơ, đơn giản ở độ tuổi trẻ thơ, có những khoảnh khắc con thể hiện tình cảm với bố mẹ một cách vô cùng đáng yêu, thậm chí còn khiến các bậc phụ huynh “dở khóc dở cười”.
Giống như câu chuyện của một bé gái tiểu học (Trung Quốc), sau khi người bố chia sẻ và đăng tải đoạn video của nhóc tỳ lên mạng xã hội đã thu hút lượng tương tác khủng từ nhiều người. Theo đó ông bố cho biết, vợ chồng anh có 2 người con, các bé đều đang ở độ tuổi tiểu học và mẫu giáo.
Một buổi tối nọ khi đang ngủ, bất ngờ nửa đêm con gái anh bỗng tỉnh giấc rồi khóc thét. Kiểm tra camera thì người bố nhìn thấy trước khi hoảng loạn, đứa trẻ đã có biểu hiện nhìn ngó xung quanh như đang tìm kiếm thứ gì đó. Đến lúc nghe thấy con vừa khóc vừa gọi bố, anh mới nhận ra con gái của mình có lẽ vừa gặp ác mộng.
Thậm chí “dở khóc dở cười” hơn là nhóc tỳ còn tưởng bố đã biến thành con gấu ôm ở bên cạnh, thế nên cô bé đã ôm chặt lấy chiếc gối khóc nức nở. Vợ chồng anh sau đó đã vội qua phòng và dỗ dành, trấn an con gái.
Tình huống vừa hài hước, vừa thấy thương này của cô nhóc tiểu học khiến dân tình thích thú. Nhiều người dành lời khen cho sự đáng yêu của đứa trẻ, và hơn hết là tình cảm chân thật, lớn lao mà bé dành cho bố, nó được thể hiện một cách rất rõ ràng từ những hành động, cử chỉ và lời nói trong vô thức.
Mặc dù vậy, khi đối diện với trường hợp con gặp ác mộng và rơi vào nỗi sợ hãi giống như bé gái ở trên, bố mẹ cũng cần biết cách xoa dịu cảm xúc, tâm lý của con để tránh khiến đứa trẻ tổn thương về mặt tinh thần.
Vậy bố mẹ nên làm gì khi con sợ hãi?
Chúng ta đều biết mỗi người luôn có những nỗi sợ hãi của riêng mình. Thế nhưng, khi nghe trẻ nói về sự sợ hãi mà con đang trải qua thì có một vài ông bố bà mẹ lại cười phá lên, thậm chí trêu chọc hoặc gạt đi “Có gì mà phải sợ". Điều này sẽ khiến trẻ càng thêm sợ hãi vì không có ai ở bên cạnh bảo vệ, đồng thời cảm thấy bản thân thật tệ vì "có thế mà cũng sợ". Sự tổn thương về tâm lý này sẽ khiến con ngày càng khép kín và xa cách với cha mẹ. Do đó, thay vì cười nhạo con, các cha mẹ nên:
1. Đồng cảm với nỗi sợ hãi của trẻ
Con người có cảm xúc sợ hãi là điều hết sức bình thường, bởi thực tế không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cảm thấy sợ hãi trước những điều mình chưa biết. Vì vậy, khi trẻ tỏ ra sợ sệt, muốn được cha mẹ bảo vệ thì bạn hãy kiên nhẫn xoa dịu cảm xúc của con, và từ từ hướng dẫn con nói về nguyên nhân gây nên nỗi sợ này.
Và cho dù nỗi sợ của trẻ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt, vớ vẫn, viễn vông thì bạn vẫn không nên chê bai con là đứa rụt rè, nhút nhát. Vì nếu bạn nói như thế, trẻ sẽ bất an hơn và sợ hãi hơn.
2. Không hù dọa trẻ
Hù dọa cho con sợ như "không ăn là sẽ gọi chú công an" hay "không ngủ là ông kẹ bắt”... là "đặc sản chung" của các cha mẹ. Song, ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ vẫn chưa phân biệt được đâu là thực tế, đâu là mộng ảo nên bé sẽ xem tất cả những lời nói đó là sự thật. Từ đó, trong tâm trí của con sẽ hình thành nên nỗi sợ hãi. Thế nên, cha mẹ tuyệt đối không nên hù dọa con.
3. Cha mẹ có thể cho con khám phá điều khiến con sợ hãi
Một số trẻ sợ côn trùng, một số trẻ sợ bóng tối,... Điều này chứng tỏ nỗi sợ của mỗi người là khác nhau. Và để có thể đánh tan được sự lo lắng sợ hãi này, cha mẹ có thể cùng con khám phá thứ làm con sợ.
Ví dụ như cả nhà đi ngắm đàn kiến tha mồi về tổ, ngắm ốc sên chậm rãi bò lên cây, chơi trò tắt đèn, hay chơi trò bóng tối để trẻ từng bước từng bước chế ngự được nỗi sợ của bản thân. Vì suy cho cùng, khi đi biết sự vật sự việc đó là gì, hay biết mình hoàn toàn có thể làm chủ được nó thì trẻ sẽ không còn sợ hãi nữa.