Khi ngã phải tự đứng dậy, đi học về tự giác để dép lên kệ, trước khi đi học tự cho sữa vào cặp, chỉ được dùng thẻ học, không được phép động đến điện thoại... đó là cách rèn con ngay từ nhỏ của chị Tuyết.
Video: Bé Đậu Đậu khi còn nhỏ
Nếu như với những đứa trẻ 2 tuổi được bố mẹ cưng chiều, không cho con động chân động tay vào bất cứ việc gì thì chị Lê Thị Tuyết (29 tuổi) ở Đồng Nai lại làm ngược lại. Với phương pháp rèn con tự lập ngay từ nhỏ, giờ đây bé Lê Vinh Thanh Tòng (tên ở nhà là Đậu Đậu) dù còn rất bé nhưng đã ý thức được những việc nên và không nên làm trong cuộc sống.
Chỉ bú sữa mẹ, 6 tháng tuổi đã nặng 13kg
Sự ra đời của bé Đậu Đậu vào ngày 26/9/2017 là bước ngoặt lớn thay đổi cuộc đời của cặp vợ chồng mưu sinh xa quê như chị Tuyết. Chia sẻ hành trình làm mẹ sau suốt 2 năm em bé đến với gia đình, mẹ 9X thừa nhận “từ ngày bé Đậu xuất hiện mình mới thấy hết được ý nghĩa của hai chữ gia đình”.
Chị Tuyết chia sẻ, hai vợ chồng chị kết hôn năm 2015 nhưng mãi không có con, chạy chữa khắp nơi mới mang bầu bé Đậu. Có trải qua khó khăn như vậy, anh chị mới thấy trân trọng sinh linh bé bỏng đang ngày một lớn dần trong bụng mẹ. Vất vả mới có được con nên chị Tuyết cùng chồng xác định sẽ hy sinh tất cả để rặn dạy con nên người.
Đậu Đậu là con trai duy nhất của chị Lê Thị Tuyết và anh Lê Văn Lưu.
Nói về việc chăm sóc bé Đậu, chị Tuyết cho biết, do vợ chồng đi làm ăn xa nên mọi sinh hoạt chăm sóc con cái là do hai vợ chồng chủ động mà không có ông bà nội ngoại hỗ trợ. Ngay từ sau khi sinh con, chị Tuyết đã xác định nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn vì muốn mang lại nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con. Trong tháng đầu tiên, bé tăng 1,7kg, đầy tháng bé nặng 5kg, đến khi tròn 2 tháng bé nặng 7kg, 3 tháng bé nặng 9kg và 6 tháng bé nặng 13kg tương đương với nhiều bé khác độ khoảng 3 tuổi.
Đậu Đậu từ nhỏ đã rất bụ bẫm
Nhờ được mẹ tập cho cữ ăn ngủ và sinh hoạt, hằng ngày con được mẹ cho tắm nắng và massage đều đặn nên bé Đậu phát triển rất ổn định. Mẹ Đậu có một nguyên tắc riêng là sẽ cho bé ăn theo nhu cầu, không ép buộc con phải ăn theo kiểu 2 tiếng đồng hồ 1 cữ ăn như nhiều mẹ vẫn áp dụng. Tuyệt đối mẹ không bế rong đi ăn, lúc nhỏ có thể cho ngồi dựa vào lòng mẹ, khi lớn con sẽ được cho ngồi bàn ăn và tự xúc đồ ăn, bé phải tập trung ăn hết sau đó mới được đứng dậy.
Vào khoảng thời gian xế chiều là lúc con hay buồn ngủ, mẹ cố gắng tạo niềm vui, hứng khởi cho con chơi và đợi bố đi làm về. Vì nếu con ngủ giờ đó, đến đêm con sẽ thức rất muộn. Đến 19h mẹ sẽ tắt hết đèn trong phòng, chỉ để một bóng đèn ngủ, lúc đó bé biết đã đến giờ đi ngủ, chỉ cần con bú no và tự giác nhắm mắt mà không cần phải ẵm ru.
Chị Tuyết chia sẻ: “Phương pháp tập ngủ là mình tìm hiểu trên google và làm theo. Rất may mắn là bé Đậu khá hợp tác, vài ngày đầu con chưa quen nên hay quấy chút. Về sau con hình thành thói quen, cứ thấy tối là đến giờ đi ngủ, con tự nằm nhìn ngang dọc đông tây, tự nói chuyện một mình và thiếp đi luôn”.
Dù nuôi con mũm mĩm nhưng chị Tuyết cho rằng “không nên đặt nặng vấn đề cân nặng của con lên hàng đầu. Vì ngoài cân nặng con cần phát triển trí tuệ, chiều cao và kỹ năng sống, sức đề kháng nữa”.
Nhìn lại thời kỳ nuôi con nhỏ bắt đầu với sữa, đồ ăn dặm và rèn cữ ngủ nghỉ của con, chị Tuyết cảm thấy vô cùng hạnh phúc và may mắn khi đã rất thuận lợi cùng con đi qua chặng đường đầu đời.
Tuyệt đối không cho con xem điện thoại hay ti vi trước 2 tuổi
Hai vợ chồng chị Tuyết đề cao tính tự lập ở con trai nên ngay từ lúc lọt lòng, bé Đậu đã được bố mẹ rèn ý thức tự lập từ rất sớm. “Trong quá trình dạy con, ông xã mình rất nghiêm khắc, khi con té là phải tự đứng dậy, đi học về tự để dép lên kệ và mang cặp vào nhà. Trước khi đi học con phải tự cho sữa vào cặp, bố mẹ tập cho con tư làm những việc vừa sức của mình” – mẹ 9X bộc bạch.
Giờ đây khi bé Đậu đã đi nhà trẻ, thời gian phần lớn là trên lớp cùng cô giáo. Chỉ buổi tối con được ở bên bố mẹ, đây là lúc bố mẹ dành nhiều thời gian để chơi cùng con. Vốn từng làm giáo viên mầm non nên chị Tuyết có rất nhiều kinh nghiệm trong việc dạy con học, mỗi tối chị cho con học thông qua xem hình ảnh từ các thẻ học theo chủ đề, tuyệt đối không cho con xem bằng điện thoại hay ti vi trước 2 tuổi.
Ở bất cứ đâu con cũng hay làm trò cho bố mẹ cười.
Cũng giống như rất nhiều bà mẹ bỉm sữa hiện đại, khi gặp bất cứ rắc rối gì trong việc dạy con chị Tuyết đều lên Google và các hội nhóm dạy con để tìm tham khảo phương pháp từ các bà mẹ. Tuy nhiên, sau quá nhiều luồng thông tin trên mạng chị vẫn có những quan điểm riêng của mình.
Những khi thay đổi thời tiết, con khó ở hoặc ốm sốt, chị Tuyết đều bình tĩnh giải quyết. Thời kỳ bước vào tuổi lên 2 lên 3 con thường hay bị khủng hoảng, có lúc con ăn vạ một cách vô lý, mẹ sẽ ngồi xuống giải thích cho con hiểu những việc con nên và không nên làm, đồng thời dành cho con một cái ôm ấm áp.
Chị Tuyết từng chia sẻ, dù có bất cứ điều gì xả ra từ nuôi dạy đến chăm sóc bé Đậu, bố mẹ đều cần phải bình tình để xử lý.
Bé Đậu đam mê bóng đá, dù bận đến mấy chị Tuyết cũng cùng chồng sắp xếp thời gian chơi cùng con. Dạy con chơi những trò chơi vận động để rèn luyện sức khỏe, tập cho chân tay khéo léo, trí tuệ phát triển. Cả hai vợ chồng chị đều coi trọng và đề cao phát triển tự nhiên dưới sự định hướng của bố mẹ và người lớn trong gia đình.
Mẹ Đồng Nai cho biết: “Con là một cá thể độc lập vì thế cha mẹ đừng bao bọc con quá. Hãy để con tìm tòi khám phá thế giới xung quanh dưới sự giám sát và hướng dẫn của người lớn. Ở mỗi mốc phát triển của con, mình đều tìm hiểu xem mẹ có thể làm những gì để hỗ trợ bé phát huy khả năng”.
Bé Đậu 2 tuổi đã được làm quen với những bài học sinh tồn do mẹ dạy. Mẹ luôn hướng con đam mê khám phá môi trường xung quanh, tập cho con thường xuyên giao tiếp với mọi người xung quanh để con mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống.