Khi nuôi con, cha mẹ dễ mắc phải thói quen xấu ảnh hưởng sự phát triển của trẻ.
Ai cũng mong cho con của mình có được chế độ chăm sóc tốt nhất, tuy nhiên, trong quá trình chăm chút, nuôi dưỡng con cái, nhiều bậc cha mẹ lại hay mắc phải những thói quen rất xấu làm ảnh hưởng đến sự phát triển, cũng như quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng của trẻ.
Ths, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Thế Thanh, Trung tâm dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Một trong những thói quen rất xấu phải kể đến đầu tiên của các bậc cha mẹ, đặc biệt là các cha mẹ thành phố, đó là thói quen cho trẻ ăn quá nhiều các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như gà rán, pizza... Đây là những thức ăn có năng lượng rất lớn nhưng lại thiếu các vi chất dinh dưỡng nên nguy cơ béo phì ở trẻ em các thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn, như Hà Nội, TP.HCM tăng rất nhanh.
Ngoài ra, một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ béo phì ở trẻ thành phố ngày càng tăng đó là do môi trường sống không có nhiều sân chơi cho trẻ, nên khi trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, nhưng lại ít vẫn động thì việc tiêu hao năng lượng ở trẻ là rất ít.
Thức ăn nào cũng cho vào ninh và xay dễ mất chất dinh dưỡng. (Ảnh minh họa).
Hay một thói quen xấu khiến trẻ bị béo phì nhưng vẫn thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng đó là khi nuôi con, nhiều cha mẹ thường có quan niệm, con mập mới tốt, nên cứ ép cho trẻ ăn nhiều hoặc thấy con thích món ăn nào là cho ăn nhiều món ăn đó mà không chú ý đến việc cân đối các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của trẻ, không cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả.
Khâu chế biến thức ăn cho trẻ không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng.
“Các bà mẹ thành phố thường có thói quen đó là, thức ăn nào cũng cho ninh và cho xay (hội chứng máy say sinh tố) rất kỹ. Thói quen này, không chỉ làm mất đi rất nhiều các vi chất dinh dưỡng có trong thức ăn mà còn hình thành ở trẻ thói quen, cái gì cũng phải xay, nạo thì trẻ mới ăn. Điều đó cũng giải thích vì sao, nhiều trẻ em thành phố, 2 tuổi vẫn không biết cắn một miếng chuối...”- Ths Thế Thanh nói.
Đó là chưa kể đến việc, nhiều bà mẹ thành phố quan niệm, cho trẻ ăn thịt thì chỉ cần ninh thịt thật kỹ để lấy nước là đã đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, mà không biết rằng, protein chỉ có từ cái chứ không phải là nước.
Ngoài ra, một thói quen tai hại mà rất nhiều các bà mẹ thường mắc phải đó là, khi cho con ăn, các mẹ thường nựng con bằng cách, vừa cho trẻ ăn vừa xem tivi, vừa chơi iPpad...
“Cách nựng con như vậy sẽ khiến cho các bà mẹ nhận được cái lợi trước mắt là thấy trẻ ngồi ăn yên, không uốn éo, không nghịch ngợm, lại ăn được nhiều” - Ths Thế Thanh nói.
“Tuy nhiên những hậu quả của nó thì không phải bà mẹ nào cũng nhận thức được”.
Theo Ths Thế Thanh, về mặt y học, cho trẻ xem tivi khi đang ăn có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ. Trẻ ăn nhiều hơn nhưng không hề tập trung vào việc ăn, mà chỉ tiếp nhận thức ăn một cách thụ động. Và vì quá tập trung vào màn hình, nên bé không hề cảm hận được mùi, được vị của thức ăn.
Cứ như vậy sẽ dần dần hình thành ở trẻ một thói quen ăn thụ động, cứ xem tivi mới ăn, mất cảm giác thèm ăn, không biết ngon miệng là gì. Việc cho trẻ ăn giống như là việc nạp năng lượng cơ học. Trẻ có thể cảm thấy hưng phấn và ăn nhiều hơn nhưng không phải là do trẻ thích ăn, hoặc ăn thấy ngon mà là do những hình trên tivi làm cho trẻ thấy thích mắt.
“Bên cạnh đó, việc cho bé xem tivi nhiều cũng là nguyên nhân làm hạn chế sự giao tiếp của trẻ. Bởi xem tivi là thực hiện hình thức giao tiếp không lời, chỉ giao tiếp bằng mắt, không phải giữa người với người mà chỉ có mắt trẻ với tivi. Cho nên, trẻ không học được cách nói, cách thể hiện cảm xúc, cũng không có sự phản hồi”- Ths Thế Thanh nhấn mạnh.
Chính vì vậy, Ths Thế Thanh khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên coi việc cho con xem quảng cáo khi ăn là một phương tiện, một công cụ kích thích trẻ ăn. Muốn bé ăn, mẹ nên vừa cho ăn, vừa phải nựng, nói chuyện với trẻ như kiểu, “Con nói A nào”, hay “Miệng cá trê nào”...
Như thế sẽ giúp cho sự phát triển ngôn ngữ của con. Hơn nữa lại có thể giúp con cảm nhận được sự yêu thương của mẹ. Có thể sắp xếp cho trẻ một chỗ ngồi ăn cố định, người cho ăn ngồi đối diện với trẻ để trẻ có thể giao tiếp bằng mắt, bằng lời.
Còn tiếp...