Vì ông xã đang làm việc tại Canada, chị Trang một mình nuôi 4 con nơi đất khách quê người.
Học xong lớp 12, chị Trang (sinh năm 1987) ở nhà một năm rồi quyết định sang Kobe, Nhật Bản làm việc. Tại đây, chị yêu và quen ông xã người Nhật (sinh năm 1973). Thời gian cùng nhau sinh sống nơi đất Nhật, chị Trang và ông xã đã lần lượt có với nhau 4 cô công chúa mang hai dòng máu Việt - Nhật. Đó là các bé Yuna ( SN 2011), Yuka (SN 2013), Kana (SN 2014) và Mina (SN 2017).
3 cô con gái lai Nhật đáng yêu của chị Trang.
Cô con gái thứ 4 vừa mới chào đời năm 2017.
Vì ông xã đang làm quản lý cho một chuỗi nhà hàng tại Canada và chỉ có thể thỉnh thoảng về Nhật thăm gia đình, một tay chị Trang quán xuyến việc nhà, chăm sóc 4 cô công chúa nhỏ và đồng thời còn làm tuyển dụng, quản lý nhân sự cho một công ty ở Nhật.
Bà mẹ Việt Nam sống nơi đất Nhật khiến nhiều người ngưỡng mộ vì tài khéo léo đảm đang cùng việc sở hữu 4 cô con gái xinh xắn "cứ ra đường là người Nhật khen nức nở".
Chị Trang một mình nuôi 4 cô con gái tại đất Nhật Bản.
Sinh 4 cô con gái đều do "vỡ kế hoạch"
Cảm xúc của hai vợ chồng chị như thế nào khi chỉ trong vòng 5 năm, có tận 4 cô công chúa lần lượt ra đời?
Mỗi lần mang thai là tôi nghén từ 2 tuần đến hết thai kỳ, ói mửa, không ăn được, thậm chí có những lần bầu ngày nào cũng đi cấp cứu, bước chân xuống giường là xỉu. Vậy nhưng không vì thế mà tôi bỏ con.
Cơ địa tôi khá yếu, chỉ nặng 33-35kg, lại bị huyết áp thấp và thiếu máu nghiêm trọng, tuần nào cũng tiêm 2-3 lần và truyền nước nên chồng tôi không khuyến khích vợ sinh em bé. Tuy nhiên vì bản thân tôi rất thích có con, nên vẫn quyết tâm sinh bằng được.Bé đầu tiên tôi sinh thường, 3 bé sau sinh mổ và đều là do "vỡ kế hoạch".
Gia đình tôi khuyên không nên sinh nữa nhưng vì mỗi đứa con là một sinh mạng nên tôi bất chấp khuyên can để có con. Bé đầu được 3 tháng thì có bầu em thứ 2. Đứa thứ 2 được 8 tháng thì có đứa thứ 3 và sau 5 năm mình sinh tiếp em bé thứ tư. Khi sinh con, tôi chỉ thấy hạnh phúc, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa thật nhiều.
Chị có thể chia sẻ về từng bé không?
Bé lớn nhà mình là Yuna (sinh năm 2011). Vì là con cả nên Yuna luôn ra dáng làm chị. Tự giác học, biết đọc viết từ năm 3 tuổi. Yêu thích sách, có thể nhớ hết 1 quyển sách sau vài lần đọc . Ngoài ra bé có tính cách mạnh mẽ, khéo tay, chỉ một lán là biết làm.
Bé thứ hai là Yuka (sinh năm 2013). Yuka thì biết nghe lời mẹ , cũng rất biết cách làm hài lòng mẹ. Tuy còn nhỏ mà bé cũng cố gắng phụ mẹ gấp đồ, phơi đô và dọn đồ chơi. Rất hay hát, gặp người lạ lần đầu cũng ôm ấp, như đã thân quen.
Bé thứ 3 là Kana (sinh năm 2014). Bé hay cười, hay hỏi, thích mẹ ôm ấp, thích làm nũng, nhưng cũng vô cùng đáng yêu.
Bé thứ 4 là Mina (sinh năm 2017). Mina ngoan, hay cười. Vì còn bé, mẹ bận việc nên thỉnh thoảng tôi phải gửi Mina để đi làm.
Các bé Yuna ( SN 2011), Yuka (SN 2013), Kana (SN 2014).
Nuôi dạy cùng lúc 4 cô con gái có vất vả, nhất là khi chồng lại ở xa, một mình chị nơi đất khách quê người?
Nuôi con gái vất vả nhưng cũng tình cảm lắm. Khi tôi ốm, Yuka đút từng thìa cháo, Yuna lấy chăn đắp cho mẹ, Kana cố chơi thật khẽ cho mẹ ngủ....
Nếu nói nuôi con không vất vả, không cáu gắt là nói dối. Nuôi con vất vả lắm! Vì chồng đi làm xa, vài tháng mới về một lần, ở Nhật lại khó tìm người giúp việc nên mọi chuyện trong nhà, từ lớn tới nhỏ tôi đều phải tự túc. Có những lúc con ốm đau thì cả 4 đứa đều ốm. Chăm con xong lại đến lượt mẹ ốm. Không phải lúc nào con cũng khoẻ mạnh, đoàn kết. Không phải lúc nào con cũng nghe lời mẹ.
Là con gái nhưng các bé cũng rất hiếu động, luôn nghĩ ra những trò chơi chẳng giống ai: elo trèo, chui vào máy giặt đánh răng, vẽ bút lên tường, đánh đu trên giường đôi, đổ đầy sữa ra nhà.... Đã bao nhiêu lần tôi phát khóc vì sự nghịch ngợm của con. Vậy nhưng nếu xa con tôi lại buồn, lại khóc.
Sau những giờ phút mệt, cáu là giây phút tôi hạnh phúc khi nhìn các con khôn lớn trưởng thành. Cũng may mắn nữa, nhờ sự động viên của chồng nơi phương xa nên tôi luôn thấy như được tiếp sức.
Chị Trang và 3 cô công chúa lớn.
Phương pháp dạy con tự lập giúp bà mẹ Việt một mình chăm 4 con vẫn có thể đi làm
Một mình xoay sở với 4 cô con gái, hẳn chị rất chú trọng việc dạy con tự lập?
Đúng vậy. Một ngày của tôi thường bắt đầu từ 6 giờ sáng, dậy cho con ái út ăn sữa và chuẩn bị đồ ăn sáng cho các con lớn. Đến 7 giờ thì 3 bé lớn dậy, tự giác ăn uống, chuẩn bị quần áo rồi tự đến trường. Ở Nhật, các bé bắt đầu từ lớp 1 là sẽ tự giác đi học. Các anh chị và thầy cô lớp lớn tới nhà, mọi người tập chung đi rồi lại tập chung về.
Từ 8h20, tôi bắt đầu làm việc và đến 15h thì các con về. Vì biết mẹ bận, các bé luôn tự chơi với nhau và có thể đến thư viên hay công viên gần nhà.
17 giờ, các bé sẽ tự tắm rửa, xem tivi. Buổi tối, tôi nấu cơm cho các con ăn rồi các bé sẽ tự dọn dẹp phần của mình để mẹ rửa bát.
Từ 6 tháng tuổi, tôi đã để các con tự xúc ăn mỗi ngày bằng cách chia 3 thức ăn ra 3 bát nhỏ để con tự lấy tay bốc. Lớn một chút, các con ăn cơm mềm và bắt đầu học dùng thìa. Uống sữa cùng tự cầm bình uống nên không có cảnh một mẹ loay hoay đút cơm đút sữa cho 4 con. Đến 20:30, các bé sẽ tự đánh răng và 21 giờ là tự ngủ riêng.
Các bé được chị Trang hướng dẫn tự ăn từ 6 tháng nên không có chuyện mẹ phải đút, xúc cho từng con khi đến bữa.
Cách dạy con tự lập này có phải là sự áp dụng theo phương pháp của mẹ Nhật?
Cũng không hẳn. Về cách dạy con của người Nhật, tôi chỉ áp dụng một phần. Khi các con hư vẫn bị mẹ phạt, bị hỏi là hư ở điểm gì, phạt úp mặt vào tường bao nhiêu lâu...như mẹ Việt.
Các con cứ ra đường là được người Nhật khen xinh
Sinh con gái, hẳn chị cũng rất chú trọng chuyện làm điệu cho các con?
Tôi thường xuyên cho con đi sắm đồ để mặc đẹp hơn. Khi ra ngoài nhiều người nhìn vào mấy mẹ con là xuýt xoa, khen ngợi. Các bé lại hòa đồng thân thiện nên được chiều lắm. Ngày trước khi tôi mở quán ăn, nhiều khách hàng vì con mà tới ăn, họ còn mang sách vở cho các cháu nữa. Khi được ai khen xinh, các bé đều khoe có mẹ là người Việt Nam, hát bài Bà ơi bà cho mọi người nghe.
Chi phí nuôi con ở Nhật của chị thì sao?
Cũng như ở Việt Nam, tôi chi tiêu tiết kiệm, tiêu nhiều nhất cho các con là tiền học, tiền ăn và ngoài ra thêm nhiều thứ tiền phát sinh khác. Tuy nhiên vì có tận 4 bé nên trung bình một tháng tôi cũng phải tốn hết khoảng 35-40 man (tương đương 70-80 triệu VNĐ). Tuy nhiên vì không muốn các con thua thiệt nên hai vợ chồng cũng cố gắng rất nhiều.
Tết này chị có dự định về Việt Nam? Chị dạy con thế nào về ngày Tết quê hương?
Năm kia, cả gia đình tôi cũng đã về Việt Nam chơi dịp hè. Các cháu đều rất thích về thăm ông bà, thưởng thức bún chả, bánh cuốn Việt Nam.
Ngày Tết năm nay cận kề, ở Nhật Bản, trong lòng tôi cũng rất muốn được về Việt Nam. Nhưng giờ kinh tế còn khó khăn, hơn nữa các cháu lại nhỏ nên đành đợi thời gian tới, khi ông xã nghỉ phép dài ngày sẽ đưa cả nhà về Việt Nam chơi.
Ở Nhật Bản, tuy con còn nhỏ nhưng ngày Tết cổ truyền nguời Việt, tôi vẫn nấu rất nhiều món ăn Việt Nam ngon cho các con và mời mọi người tới chơi. Khoảng mùng 1 - 2 Tết, bố cháu về thì cả nhà sẽ lên kế hoạch đi du lịch ngắn ngày.
Dù ở Nhật Bản, chị Trang vẫn làm mâm cơm Tết với các món ăn Việt Nam để các con nhớ về truyền thống quê mẹ.
Xin cám ơn chị đã chia sẻ! Chúc chị và gia đình một năm mới mạnh khoẻ và thật nhiều hạnh phúc!