Tôi muốn về quê đón con lên lại phố ngay lập tức.
Con nghỉ hè là thời điểm mà nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng và bận rộn nhất, vì không biết phải gửi con cho ai chăm khi công việc vẫn bộn bề. Có gia đình bắt đầu thuê bảo mẫu, có gia đình trả tiền nhờ ông bà chăm và cũng có phụ huynh đăng ký các lớp học thêm cho con ngay khi đứa trẻ bắt đầu kỳ nghỉ hè. Tôi thì không ép con học nhiều, muốn đứa trẻ được nghỉ ngơi nhưng dĩ nhiên đi làm thì thời gian đâu mà chơi với con suốt ngày.
Mọi năm tôi thường sẽ thuê bảo mẫu hỗ trợ, nhưng năm nay làm ăn khó khăn nên tôi buộc phải tằn tiện hơn trước. Hết cách tôi đành gửi con gái tiểu học về dưới quê, nhờ bố mẹ chồng chăm hộ và định bụng cũng sẽ gửi về cho ông bà đôi ba triệu để nuôi cháu.
Ảnh minh hoạ
Được về quê con gái tôi thích lắm, tôi nghĩ con sẽ ở lại tầm nửa tháng nên soạn hẳn một chiếc vali lớn. Tôi nào có ngờ mới chỉ qua ngày thứ 2, tôi đã muốn về đón con lên lại phố chỉ vì thấy thứ đồ bố chồng mua cho cháu. Lần đầu về quê với ông bà lâu như thế, tôi sợ con chưa thích nghi nên ngày nào cũng gọi điện về hỏi thăm.
Ngày đầu tiên không vấn đề gì cả, nhưng sang đến ngày thứ 2, lúc tôi gọi video gặp con gái thì bất ngờ thấy đứa trẻ hào hứng khi được ông nội tặng cho một món quà. Và khi nhìn rõ đó là thứ gì, tôi điếng cả người bởi nó là thứ tôi ghét nhất, cũng là cấm kỵ mà tôi chưa bao giờ cho con gái đụng đến, đó là việc để đứa trẻ uống những thứ nước có hại cho sức khoẻ, điển hình như trà sữa.
Ảnh minh hoạ
Mặc dù tôi biết đa phần trẻ em nào cũng "nghiện" đồ uống này, nhưng tôi biết nó có tốt lành gì đâu. Chính vì thế mà trong quá trình nuôi con, tôi cực kỳ khó tánh trong chuyện ăn uống, chưa bao giờ cho con có cơ hội hình thành thói quen ăn uống linh tinh, bậy bạ.
Ấy thế mà gửi con về cho ông bà chăm, vì để chiều lòng đứa cháu mà bố chồng tôi đã không do dự đáp ứng mọi nhu cầu của đứa trẻ. Thực ra cũng không phải tự nhiên mà con gái tôi lại đòi uống trà sữa đâu, là do nó thấy bọn trẻ trong xóm xin tiền bố mẹ mua 1 ly rồi hút lấy hút để uống ngon lành, nên đứa trẻ cũng muốn có một ly. Đó là đầu đuôi câu chuyện tôi được nghe mẹ chồng kể lại.
Điều này càng khiến tôi hoang mang, tôi sợ môi trường ở quê sẽ tác động đến những quy tắc mà tôi đã xây dựng bấy lâu nay để nuôi dạy con gái cẩn thận đến bây giờ. Càng lo ông bà vì thương nên chiều cháu, không đủ "cứng" như mẹ thì cháu nó sớm ngày cũng sẽ do được cưng quá mà thành hư. Mới gửi con về quê mà giờ tôi đã muốn đón con lên lại phố, không biết nếu tôi làm vậy thì bố mẹ chồng sẽ phản ứng ra sao, giờ tôi nên làm gì mới phải...
Tâm sự từ độc giả mykim...@gmail.com
Nghỉ hè con trẻ được nghỉ học, nhưng bố mẹ thì vẫn miệt mài kiếm tiền. Chính vì thế mà họ sẽ không có nhiều thời gian để dành cho con. Thông thường trong giai đoạn này, bố mẹ hoặc sẽ bỏ tiền thuê người, hoặc sẽ gửi con đến các lớp học thêm. Nhưng việc gửi con cho ông bà vẫn là lựa chọn phổ biến nhất.
Với tình hình kinh tế khó khăn ngày nay thì "kế sách" này càng được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, để tránh những sai sót không mong muốn xảy ra trong quá trình bố mẹ gửi con cho ông bà chăm sóc, khiến bố mẹ lo lắng, làm ảnh hưởng xấu đến con trẻ và đôi khi còn phá vỡ mối quan hệ giữa ông bà và bố mẹ, thì cần lưu ý những điểm sau đây trước khi gửi con cho ông bà:
- Thảo luận và thống nhất: Trước khi quyết định gửi con cho ông bà, hãy thảo luận và thống nhất với ông bà về các quy tắc, phương pháp giáo dục, thói quen và yêu cầu đặc biệt của con. Điều này giúp đảm bảo sự nhất quán trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ.
- Chia sẻ thông tin: Cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe, lịch trình, thói quen ăn uống, giấc ngủ và mọi yêu cầu đặc biệt khác của con. Giải thích cho ông bà về các quy tắc và hướng dẫn cụ thể để ông bà có thể chăm sóc con một cách tốt nhất.
- Chuẩn bị vật dụng và nguồn tài nguyên: Đảm bảo rằng ông bà có đủ vật dụng và nguồn tài nguyên cần thiết để chăm sóc con. Bao gồm thức ăn, đồ chơi, sách truyện, quần áo dự phòng và mọi vật dụng cần thiết khác.
- Hướng dẫn về an toàn: Đảm bảo rằng ông bà hiểu về các nguy hiểm tiềm ẩn, và biện pháp an toàn cần thiết khi chăm sóc con. Hướng dẫn về việc giữ an toàn trong việc ăn uống, ngủ, tắm, chơi và di chuyển.
- Kiểm tra môi trường chăm sóc: Kiểm tra môi trường chăm sóc của ông bà để đảm bảo rằng nó an toàn và phù hợp cho con. Loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn, đảm bảo sự sạch sẽ và sẵn sàng cho việc chăm sóc trẻ.
- Liên lạc thường xuyên: Thỏa thuận với ông bà về việc giữ liên lạc thường xuyên để cập nhật tình hình chăm sóc và trao đổi thông tin về con. Điều này giúp bố mẹ và ông bà cùng nhau hỗ trợ, chăm sóc trẻ tốt nhất. Đồng thời cho trẻ cảm giác an toàn và yên tâm khi luôn có bố mẹ quan tâm.