“Khi bị mắc bệnh về đường hô hấp hoặc những bệnh về đường tiêu hóa, người lớn có thể lây cho trẻ nhỏ qua hành động ôm hôn” - PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra với trẻ nhỏ, thậm chí là tử vong chỉ vì một nụ hôn của người khác. Gần đây, một người mẹ nước ngoài có tên Abigail cho rằng, có khả năng con gái cô đã một loại nhiễm vi rút chết người từ một nụ hôn của người nhiễm bệnh.
Theo người mẹ, bé gái Aliza ra đời hoàn toàn khỏe mạnh, nặng 4 kg. Trong 36 giờ đầu tiên, bé không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Rồi đột nhiên cô bé bị sốt, trở nên đờ đẫn và không thiết tha bú sữa nữa, những cơn co giật, khó khăn trong khi thở xuất hiện.
Nhiều đứa trẻ đã ra đi mãi mãi do được người lạ hôn.
Ban đầu, các bác sĩ đã hi vọng em bé sẽ sống. Tuy nhiên, đứa bé đã không thể qua khỏi. Sau đó, bác sĩ thông báo với người mẹ rằng em bé có khả năng bị nhiễm vi rút herpes tuýp 1 – gây lở loét xung quanh miệng và môi (đôi khi được gọi là mụn nước hoặc vết loét lạnh), sau khi bị một người nhiễm vi rút hoặc chạm vào. Việc xác định ai là “thủ phạm” truyền bệnh là bất khả kháng vì có rất nhiều người đã đến thăm bé Aliza.
Tương tự với trường hợp trên, bé Emerson - con gái chị Presley Trejo (người Mỹ), chào đời được 12 ngày thì qua đời do được xác định nhiễm virus Herpes Simplex, hoặc virus HSV-1. Siêu vi khuẩn này thường được biết đến như là loại virus rất nhiều người mắc phải. Nó có thể điều trị dễ dàng cho người lớn, nhưng lại dễ dàng gây tử vong ở trẻ sơ sinh vì hệ miễn dịch của các bé còn rất non yếu.
Bà mẹ trẻ cho biết, virus lây lan nhanh chóng trong cơ thể con gái cô chỉ sau một nụ hôn. Nguyên do là bé bị lây từ một người lớn nào đó tới thăm, chạm vào bé hay thơm nựng bé. Sự nhiễm trùng bắt đầu trong não của em bé và dường như là một dạng của bệnh viêm màng não trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Cả hai trường hợp thực tế kể trên đều là minh chứng cụ thể cho hành động những tưởng là “yêu thương” ai ngờ lại giết chết các thiên thần. Đây cũng là câu chuyện đau lòng để cảnh báo những bậc cha mẹ khác sau khi có con nhỏ, cần thận trọng với những hành động hôn hít, ôm ấp trẻ nhỏ của người ngoài.
Vậy thực tế, việc hôn hít trẻ nhỏ có thực sự đem lại hệ lụy khủng khiếp đến như vậy không? Hãy cùng lắng nghe những phân tích của bác sĩ nhi khoa ngay dưới đây.
PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bênh viện Bạch Mai cho biết, người lớn thường có hành động âu yếm trẻ sơ sinh như hôn, bẹo má trẻ sơ sinh. Thế nhưng, những hành động âu yếm vô thức này sẽ có hại cho trẻ nếu bạn là người mang một số bệnh mạn tính.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng |
Bs Dũng phân tích: "Tôi thấy ôm hôn trẻ là một điều nên làm, nhất là với những trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì trẻ còn quá bé nên sức đề kháng miễn dịch còn kém, dễ bị lây bệnh từ người lớn sang. Như vậy người lớn bị bệnh lây nhiễm, bệnh đường hô hấp tuyệt đối không nên hôn hít trẻ nhỏ, tránh trường hợp truyền bệnh cho chúng".
Cũng theo ý kiến bác sỹ, khi mắc bệnh về đường hô hấp hoặc những bệnh về đường tiêu hóa người lớn có thể lây cho trẻ nhỏ qua ôm hôn: Ví dụ như cảm cúm, ho, lao, viêm phổi, đau bụng tiêu chảy, kiết lị, tay chân miệng…
Trong quá trình ôm hôn trẻ, có thể đúng lúc người lớn lên cơn ho, các chất tiết từ miệng có thế dây ra trán, má của trẻ. Sau đó trẻ sờ phải và cho vào mồm.
Ngoài ra những đối tượng mắc bệnh mãn tính như lao có thể chữa bệnh và giảm một số triệu chứng nhưng bệnh không dễ tiêu diệt triệt để và dễ tái phát. Đối tượng này cũng tuyệt đối không được hôn hít trẻ.
Ngoài hôn, người lớn còn hay bẹo má trẻ sơ sinh, gọi là bẹo má yêu. Người lớn bẹo má trẻ sơ sinh là thể hiện một sự yêu mến, nhưng chúng ta phải hiểu rằng, da trẻ sơ sinh còn rất mỏng, chúng ta nên yêu thương sao cho nhẹ nhàng, tránh thô bạo dẫn đế xây xước da em bé.
Bác sỹ Dũng khuyến cáo, việc thể hiện tình cảm với trẻ là việc làm đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh cấp tính hô hấp, tiêu hóa cần lưu ý chữa khỏi bệnh sau đó mới được âu yếm, hôn hít thể hiện yêu mến với trẻ nhỏ.