Những thực phẩm này ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. Mẹ cần tuyệt đối loại ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày của con.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, dậy thì sớm hiện nay không còn là một hiện tượng quá xa lạ. Có thể nhiều người chưa từng để tâm đến việc các bé có những biểu hiện dậy thì quá sớm như vậy có bình thường hay không, nguyên nhân và hệ lụy của việc dậy thì sớm, nhưng có một điều mà ai cũng nhận thấy là độ tuổi dậy thì của trẻ em đang càng ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Một nghiên cứu trên tạp chí Pediatrics đã chỉ ra 10% trẻ em gái da trắng, 23% da đen, 15% Tây Ban Nha, và 2% trẻ em gái châu Á có dấu hiện phát triển ngực trước 7 tuổi. Trong khi ở thời các bà, các mẹ, tuổi dậy thì trung bình là khoảng 15 tuổi.
Ảnh minh họa
Điển hình là trường hợp của chị Bình (ở Hà Nam) có con là N.T.N. dậy thì sớm từ khi chưa được 8 tuổi. Vợ chồng chị Bình cho rằng nguyên nhân con dậy thì sớm là do ông bà quá chiều chuộng, thường xuyên cho cháu ăn đồ ăn vặt.
Hay trường hợp bé L.C (7 tuổi) nghi bị thừa cân nên dậy thì sớm hơn các bạn bình thường. “Ngoài bị thừa cân, cháu rất ít vận động, ngày đi học về, tối lại ngồi xem tivi và ăn vặt rất nhiều. Dù tôi đã ngăn cấm nhưng chỉ vài ngày là đâu lại vào đó”, mẹ cháu L.C chia sẻ.
Tuy chế độ dinh dưỡng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc dậy thì sớm ở trẻ, nhưng đây cũng là một trong những nguyên nhân mà các bậc cha mẹ có thể can thiệp được để phòng tránh.
Do vậy, để giúp bé có sự phát triển tốt nhất, hãy lưu ý giữ con mình tránh xa các loại thực phẩm sau đây hoặc sử dụng hạn chế nhất có thể:
1. Caffein
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, tiêu thụ nhiều đồ uống có chứa caffein là thủ phạm gây ra dậy thì sớm ở trẻ em gái.
Một số loại thức uống chứa caffein quen thuộc mà nhiều gia đình sử dụng như cà phê, chè, nước uống tăng lực...
2. Phụ gia tạo ngọt Aspartame
Aspartame (có mã số là E951) là một loại đường hóa học chứa ít calo được dùng thay cho đường tự nhiên trong rất nhiều sản phẩm thực phẩm và dược phẩm. Nó còn được biết đến dưới tên thương mại là Equal và Nutrasweet…
Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, Aspartame được sử dụng trong nhiều mặt hàng khác nhau: nước mắm, nước tương, đường ăn kiêng, bánh ăn kiêng, kẹo cao su, nước giải khát… Các bà mẹ nên lưu ý kiểm tra thành phần của các sản phẩm có sử dụng phụ gia trong căn bếp nhà mình. Bên cạnh đó cũng hạn chế có bé ăn các loại bánh kẹo, kẹo cao su, nước ngọt ăn kiêng, sữa ăn kiêng...
3. Thức uống đóng chai chứa nhiều đường
Một nghiên cứu khác trên tạp chí Human Reproduction đã cho thấy các đồ uống có hàm lượng đường cao có liên quan đến việc bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt quá sớm ở các bé gái.
Do đó các bậc cha mẹ nên hạn chế cho con sử dụng các đồ uống có nhiều đường, đặc biệt là các đồ uống đóng chai như nước trái cây, nước có ga, trà sữa… Thay vào đó có thể tự chế biến các đồ uống lành mạnh tại nhà cho các bé với hàm lượng đường vừa phải.
Ảnh minh họa
4. Đồ ăn có chứa hàm lượng muối quá cao
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã giả định rằng chế độ ăn với hàm lượng muối quá cao có liên quan đến việc dậy thì sớm qua 1 trong 3 cơ chế sau:
- Muối cao kích hoạt một hoóc môn (neurokinin B) có liên quan đến trục sinh sản.
- Muối cao tiết ra một loại hoocmon (vasopressin) kích thích các hormon phóng thích gonadotropin và sau đó là tiết ra hormon lutein hoá - gây ra sự rụng trứng và thể vàng.
- Muối gây ra những thay đổi về chuyển hóa ảnh hưởng đến trục sinh sản.
Các bà mẹ nên lưu ý khi chế biến các món ăn nên cho lượng gia vị vừa phải, đồng thời nên tăng cường các món ăn thanh đạm trong bữa cơm hằng ngày.
5. Đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh, món chiên xào nhiều dầu mỡ
Trẻ em đặc biệt thích ăn các món đồ ăn vặt, snack, các đồ chiên rán như nem chua, xúc xích, khoai tây chiên… Chưa bàn đến vấn đề vệ sinh thực phẩm nếu các mẹ mua những món này ngoài hàng quán cho con ăn, ngay cả chế biến tại nhà thì cũng nên hạn chế bởi đây là thủ phạm dẫn đến vấn đề béo phì sớm ở trẻ em ngày nay.
Ảnh minh họa
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết mối quan hệ giữa béo phì và dậy thì sớm có thể liên quan đến hoocmon leptin.
Các mô mỡ sản sinh ra leptin – một chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh khẩu vị, hình dáng cơ thể cũng như cơ quan sinh sản.
Tuy bản thân leptin không kích hoạt quá trình dậy thì nhưng có bằng chứng chứng minh rằng để bắt đầu những dấu hiệu dậy thì, cơ thể cần có đủ leptin.
Do vậy các bậc cha mẹ nên khuyến khích con cái ăn các món ăn lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế đồ ăn nhanh cũng như tích cực tham gia các hoạt động thể chất.
Theo Bác sĩ Phạm Thị Thục - Nguyên trưởng phòng khám nhi và tư vấn dinh dưỡng BV Bạch Mai cho biết thức ăn nhanh là thực phẩm dễ ăn, đa số là chiên rán, nướng thơm ngon nên trẻ mê. Nhưng nó lại là nguyên nhân gây thừa cân béo phì, dư năng lượng. Trên thực tế, bác sĩ nhận thấy, ngoài những cháu bé bị dậy thì sớm do nội tiết, bệnh lý u não, thì vấn đề dinh dưỡng, béo phì ảnh hưởng tới dậy thì sớm là có. Để hạn chế dậy thì sớm, cách tốt nhất cha mẹ nên theo dõi chiều cao và cân nặng của con theo chuẩn của WHO đã khuyến nghị để có chế độ ăn cho con phù hợp. Theo P.Thúy (Infonet) |