Từng mất cha mẹ từ nhỏ, Huyền Trân giờ đã có tổ ấm hạnh phúc bên con và ông xã chuyên gia cao cấp cùng gia đình chồng danh giá tại Pháp.
Cô gái Huế mồ côi và nỗi niềm "mong rằng đừng có Tết"
Là con cả trong gia đình có 4 chị em ở Huế, bố mẹ mất sớm, từ năm 19 tuổi, cô gái trẻ Huyền Trân đã phải một mình xa quê ra Hà Nội kiếm việc làm. Sáng làm mẫu cho học viên trang điểm, đêm phụ giúp người quen trông coi quán bar, những vất vả mặc cảm với cuộc sống cơm áo gạo tiền khiến Trân khép mình, những ngày Tết bỗng trở thành nỗi sợ hãi.
Huyền Trân - cô gái Huế mồ côi từng có những cái Tết đau buồn cô đơn trước khi gặp được ông xã người Pháp.
Nhớ lại ký ức những cái Tết tuổi thơ bên gia đình, Trân kể:
"Mình được sinh ra và lớn lên tai đất cố đô Huế, nên mọi thứ xung quanh mình được trôi qua chậm rãi so với mấy thành phố lớn, tấp nập và luôn luôn nhộn nhịp.
Những cái Tết của ngày xưa còn bé, cứ tầm 23-30 cận Tết là nhà nhà dọn dẹp và sắm sửa để chuẩn bị cho năm mới. Nhà nghèo thì sắm đơn sơ, nhà giàu thì sắm sửa khang trang nhưng không có ai là không được đón Tết hết.
Ngày còn bé, mình rất sợ tiếng pháo nổ. Cứ mỗi lẫn ba châm lửa để đốt pháo, mình luôn nhắm chặt 2 mắt lại, đưa hai bàn tay lên để bịt tai để cho bớt sợ tiếng pháo. Vẫn nhớ như in cái mùi pháo chạy sộc thẳng vào mũi làm cay đến chảy cả nước mắt. Tim đập mạnh thình thịch tưởng như sắp văng khỏi lồng ngực."
Với Huyền Trân, những cái Tết ngắn ngủi ngày bé tại Huế trước khi bố mẹ qua đời là những cái Tết mãi đọng lại trong ký ức.
Tuổi thơ được đón những cái tết êm ấm bên ba, mẹ cũng không được lâu. Năm Huyền Trân lên 10, mẹ cô bệnh nặng nên đột ngột qua đời. 10 năm sau bố Huyền Trân cũng bệnh và mất.
"Kể từ ngày đó Tết trong mình không còn được vui vẻ và êm ấm nữa. Mọi thứ trong nhà cùng mấy đứa em thơ dại từ bây giờ đều do mình gánh vác trên 2 đôi vai.
Nghĩ lại lúc đó, vì mọi thứ quá khó khăn nên mỗi lần nghe Tết gần đến là lòng đau thắt gấp trăm ngàn lần vì cái cảnh mấy chị em gái chẳng bao giờ được đoàn tụ sum vầy đón Tết."
Đã nhiều lần, Huyền Trân còn mong sao đừng có Tết. Nói đúng hơn, là cô sợ Tết.
Cuộc hôn nhân định mệnh với chàng trai "Tây ba lô" hoá ra lại là chuyên gia cao cấp
Những ngày sinh sống và làm việc tại Hà Nội, năm 2013, Huyền Trân đã yêu Kermarrec Alexis - một chàng trai đến từ nước Pháp. Một năm yêu thương và tìm hiểu với nhiều chông gai, thử thách, cô gái từng không tin vào tình yêu đích thực, từng nhiều lần vì mặc cảm mà nói lời chia tay cuối cùng cũng đã chấp nhận lời cầu hôn của Alexis.
Điều đặc biệt nữa, đó là đến khi đặt chân đến Pháp, Huyền Trân sững sờ khi thấy nhà cao cửa rộng, vị thế nhà Alex danh giá. Còn bản thân Alex chàng Tây quần bò áo phông, sẵn sàng ôm lợn gà mà Huyền Trân quen hoá ra là chuyên gia thẩm định cao cấp.
"May mắn lớn nhất của cuộc đời mình là đã cưới được một người chồng hết lòng yêu thương và thấu hiểu mình".
Chỉ đến khi sang Pháp, cô gái Huế mồ côi mới phát hiện ra sự thật về gia thế nhà chồng.
Năm 2014, trong lúc ở Hà Nội chờ đợi để qua Pháp định cư. Alex đã bí mật lên kế hoạch cho Huyền Trân về Huế để cùng các em nhỏ xum vầy và đoàn tụ để đón Tết.
"Cái Tết năm đó đối mấy chị em mình rất nhiều cảm xúc và ấm áp vô cùng nên có lẽ chúng mình không bao giờ có thể quên được. Và đó cũng là cái Tết cuối cùng của mình với các em nhỏ tại Việt Nam, vì sau Tết là mình phải theo chồng về nước Pháp để định cư..."
Năm 2017, Huyền Trân mang bầu con gái đầu lòng và chính thức vượt cạn tại Pháp đầu năm 2018.
Bà mẹ Huế ở Pháp và nỗ lực mang truyền thống Tết Việt vào tổ ấm gia đình nhỏ
Cái Tết đầu xa quê với Huyền Trân quả thật lạ lẫm. Chưa có bạn bè, chưa biết phong tục. Vậy nhưng Huyền Trân cùng chồng vẫn ngồi lại với nhau để bàn bạc, cố gắng hoà nhập 2 nền văn hoá.
"May mắn và hạnh phúc thay vì chồng mình là một người rất thích gìn giữ những văn hoá và truyền thống. Anh ấy nói rằng: “Vì những cái gì cũ, thì luôn luôn là những cái đẹp nhất và nó có nhiều ý nghĩa nhất.!”
Cái Tết đầu tiên của Huyền Trân năm đó, cô gái xứ Huế đã vào bếp nấu một mâm cỗ cúng giao thừa và sau đó mời gia đình và bạn bè chồng đến để giao lưu văn hoá Việt và ăn những món ăn truyền thống trong dịp năm mới của người Việt Nam.
"Vẫn nhớ như in là các bạn đã hỏi rất nhiều về những món mình đã nấu và những thứ mình bày trên bàn cúng có ý nghĩa gì... Khi ăn họ đã khen rất nhiều nên mình thấy vô cùng vui và tự hào."
Cô gái Việt nỗ lực mang ngày Tết truyền thống đến với cộng đồng nhỏ người Việt tại vùng mình sinh sống.
Huyền Trân luôn tự tay vào bếp nấu những đặc sản quê hương ngày Tết để mời bạn bè.
Đến khi có con gái nhỏ chào đời, Huyền Trân càng quan trọng hơn trong việc tổ chức ngày Tết Việt tại Pháp. So với cái Tết đầu tiên tại nước Pháp, mọi thứ lúc đó còn quá mới mẻ, đơn sơ và thiếu thốn. Thì mấy năm gần đây, cứ mỗi lần sắp đến ngày Tết là Huyền Trân chủ động liên lạc với vài gia đình cả Tây lẫn Ta cùng nhau lên kế hoạch ăn Tết, đi chợ sắm sửa, nấu cỗ.
"May mắn nhất tại thành phố mình đang sống có đến 2 khu chợ Việt Nam, Vậy nên để tìm kiếm những món đồ ăn hay đồ uống hay là vật dụng, đồ dùng không mấy khó khăn lắm. Chỉ là giá thành của nó mà quy ra bằng tiền Việt thì không dám mua thôi. Tiếc ruột, tiếc gan là vậy, nhưng cũng quyết phải chịu. Mấy chợ này, cứ dịp Tết gần đến là họ bày bán những món đồ cũng gần giống như ở Việt Nam vậy, tuy không giống 100% nhưng cũng được 70-80%.
Nếu mình muốn đặt mua bánh chưng hay bánh tét, hoặc là gà nguyên con để thắp hương thì chỉ cần mình báo họ và đặt trước từ 7-10 ngày là mình có thể đến lấy. Còn những món có sẵn như mứt, đồ vàng mã, hương đèn, hoa quả luôn có sẵn ở chợ."
Huyền Trân cùng con gái đi sắm sửa cho ngày Tết Việt tại Pháp.
Mâm cỗ giao thừa tươm tất của bà mẹ Huế bên trời Tây
Con gái Huyền Trân được mẹ dạy về Tết từ nhỏ
Cũng như mọi năm qua, lại một dịp Tết nữa sắp đến. Huyền Trân cho biết cô và chồng con sẽ cùng nhau đi chọn những cây cảnh đẹp, những nhánh hoa đào tươi hoặc những nụ tầm xuân thơm ngát, và những vật dụng cần thiết để trang trí trong nhà.
Sau đó cả nhà sẽ đợi đến ngày 30 âm lịch nấu cỗ to với đầy đủ các món truyền thống, chọn những món mứt ngon với bình trà thơm, mặc quần áo đẹp và rồi quây quần lại bên nhau để đợi Tết đến, sẽ chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, để mong cho 1 năm mới đến được ấm no, đầy đủ, an nhiên và hạnh phúc. Sáng mồng 1 Tết, cả nhà sẽ mặc áo dài truyền thống để đi chùa cầu an cho ngày đầu năm mới.
Không khí Tết ngập tràn trong căn nhà nhỏ của bà mẹ xứ Huế ở Pháp.
Huyền Trân cùng bạn bè sum họp đón một cái Tết mới sang.
5 năm qua, Huyền Trân đã cố gắng mang theo truyền thống Việt vào tổ ấm nhỏ của mình. Từ gia đình nhà chồng, và chồng rất lấy làm trân trọng và cùng Huyền Trân chỉ dẫn cho cô con gái nhỏ là sau này không được quên nguồn gốc, văn hoá quê hương của Mẹ đẻ.