Nựng con cũng là 'bạo hành'

Ngày 04/04/2013 11:18 AM (GMT+7)

Đôi khi yêu con quá nên cha mẹ quên rằng, các bé còn rất mỏng manh và yếu ớt.

Đôi khi vì yêu trẻ quá, nựng trẻ quá, mà người lớn chúng ta quên mất rằng, các bé còn rất mỏng manh, yếu ớt và dễ bị tổn thương.

Sẩy tay ân hận cả đời

Những ngày gần đây, nhiều bậc phụ huynh phải giật mình lo ngại khi báo chí đưa tin về vụ việc một ông bố trẻ chơi trò tung hứng khiến con gái bị quạt trần chém vào đầu. Hậu quả là bé bị nứt sọ với chiều dài 12 cm, chảy máu rất nhiều và dập não.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên ông bố trẻ này chơi trò dại dột với con. Tuy nhiên, những lần trước không hề có chút sơ sẩy gì, thậm chí bé luôn tỏ ra thích thú khi được bố tung hứng như vậy. Nhưng lần này, do nền nhà vừa được nâng để chống triều cường nên độ cao so với quạt trần bị giảm xuống khiến tai nạn thương tâm xảy ra.

Theo các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trẻ gặp nạn do người lớn đùa giỡn. Một bé trai 13 tháng tuổi từng bị chấn thương đốt sống do bố mẹ chơi trò ném bắt con. Một trường hợp khác, bé gái chấn thương đầu bởi mẹ tung lên rồi chụp nhưng lại trượt tay khiến con rơi xuống nền xi măng.

Cũng về đề tài này, chị Thanh Mai (Quận 3, TP. HCM) kể: “Trong một lần đón con tại trường mầm non Hoa Mai, chính mắt tôi đã chứng kiến tai nạn hãi hùng. Một ông bố đến đón cậu con trai. Thằng bé chạy ra, ông bố bế xốc con tung lên, đứa trẻ bị tung quá đà, lộn người ra phía sau lưng mà bố không giữ lại kịp. Ngay lập tức, cháu bé được đưa đi cấp cứu liền. Về sau tôi nghe nói cháu bị chấn thương cổ và đầu khá nặng”.

Trên các diễn đàn mạng, đề tài này cũng được các bậc phụ huynh rất quan tâm ngay sau khi vụ việc được đăng tải. Một thành viên có nickname Bongbebe chia sẻ câu chuyện thương tâm của một gia đình trẻ, mới sinh bé trai đầu lòng rất kháu khỉnh.

Bố yêu con quá tung con lên cho nó cười, không may đứa bé ngã đập người vào thành giường, gây chấn thương cột sống. Kể từ đó cậu bé vĩnh viễn bị tàn phế, phải nằm một chỗ suốt đời.

Mexuka 2010 cũng cho biết: “Thằng em con cậu mình lúc 4 tháng tuổi được chị bế xốc lên vai, do chị xốc mạnh quá nên bé ngã chúc đầu xuống đất. Sau đó mình thấy bé suy dinh dưỡng, đầu thì to ra, một thời gian bì bé mất”.

Một trường hợp khác gặp tai nạn trong hoàn cảnh tương tự, được mẹ Rùa kể lại. Đó là câu chuyện đáng thương về một cậu bé tâm thần. Ngày bé, cậu được người nhà bế xốc lên vai đùa, nhưng trượt tay lao qua vai.

Lúc đó, sự việc xảy ra ở gần ngay lan can gác xép nên bé lao thẳng xuống, cắm đầu xuống nền tầng 1. Về mặt sinh lý không sao, nhưng thần kinh bị ảnh hưởng. Khi lớn lên, cha mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, cậu sống với người thân nhưng suốt ngày bỏ đi lang thang…

Nựng con cũng là #039;bạo hành#039; - 1
Đôi khi yêu con quá nên cha mẹ quên rằng, các bé còn rất mỏng manh và yếu ớt. (Ảnh minh họa).

Không thể chủ quan

Con số đáng giật mình

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật (Center for Disease Control and Prevention), mỗi năm ở Mỹ có khoảng 2.000 trẻ bị tử vong do hội chứng tung lắc.

Bởi vậy, trang Preventchildabuse (phòng ngừa lạm dụng trẻ em) đã phải đăng tải poster lên tuyên truyền với hình ảnh những em bé dễ thương cùng lời kêu gọi khẩn thiết: Babies are fragile. Please don’t shake a child (Trẻ em rất yếu ớt. Làm ơn đừng rung lắc bé).

Dường như, chuyện người lớn chơi đùa, nựng trẻ con là chuyện rất bình thường. Vì hầu như đứa trẻ nào cũng thích chơi những trò bay nhảy, tung hứng như vậy. Hơn nữa, những tai nạn xảy ra cũng chỉ là hy hữu, bởi vậy, rất nhiều phụ huynh còn khá chủ quan khi chơi đùa với con.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh có đầu lớn và nặng, chiếm 25% trọng lượng cơ thể, cổ rất yếu chưa chịu được sức nặng của đầu, trong khi xương sọ mềm, màng não mỏng, có khoảng trống giữa não và xương sọ nên khi bị rung lắc, lực rung sẽ chuyển tới não và làm tổn thương não.

Bởi vậy, dù có thể không làm bé ngã, nhưng đôi khi, những cái bế ẵm, rung đưa cũng khiến trẻ gặp rủi ro. Tùy theo mức độ tổn thương có thể làm trẻ chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, rối loạn kỹ năng định hướng, giảm khả năng nhận thức, giảm thị lực… trong đó nhiều tổn thương kéo dài chỉ phát hiện được khi trẻ đã lớn.

Nguy hiểm nhất là các trường hợp: Bế xốc trẻ trong tư thế đứng vì cổ bé yếu, dễ di chuyển theo hướng trước sau; Lắc mạnh và dừng đột ngột; Đưa võng, lắc nôi; Nhồi xốc, bồng bé đưa lên đưa xuống nhanh; Ắm bé lên cao, đu đưa làm máy bay, tàu lửa…

Những vấn đề này thường xuyên được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài. Các bác sĩ đặt tên cho những đứa trẻ bị tổn thương do những trường hợp như vậy là Hội chứng trẻ bị rung lắc (Shaken baby Syndrome) hay còn gọi là “Tổn thương não lạm dụng” (Abusive Head Trauma).

Trên một số trang web, diễn đàn chia sẻ của các bà mẹ phương Tây như babycenter.com, Girlmom.com, braininjurymn.org … đều khuyên mọi người hãy dừng ngay việc rung lắc trẻ, họ cũng chia sẻ nhiều câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ là nạn nhân của hội chứng này.

Ở Việt Nam, hội chứng này chưa được biết đến nhiều, thế nên tình trạng người lớn lắc, đưa võng để dỗ dành hoặc nựng các bé còn rất phổ biến. Nhiều trường hợp cấp cứu đã được ghi nhận tại các bệnh viện như bé N.T.T, hai tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn với những dấu hiệu suy hô hấp, nôn ói, lơ mơ, chân tay yếu…

Các bác sĩ phát hiện một ổ nang dịch ở khoang dưới nhện của bán cầu đại não. Theo lời kể của mẹ bé T, trong lúc chơi đùa với con, thấy bé khóc nên ba bé đã để bé nằm úp lên hai tay rồi đưa lên cao, hạ xuống thấp chơi trò “máy bay” để chọc bé cười. Khi ấy không hề có sơ sẩy gì, nhưng đến tối thì bé khóc dữ dội, nôn ói, co giật… phải đưa đi cấp cứu.

Bé N.T.K, 10 tháng tuổi (Thái Bình) được đưa vào cấp cứu với chẩn đoán xuất huyết não. Người nhà cho biết buổi trưa bé nằm võng do anh trai đưa, sau đó thì xảy ra tình trạng nôn ói, tím tái… Kết quả chẩn đoán cho thấy bé K bị chảy máu não.

Theo Sinh Phạm (Mẹ yêu bé)

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé