Trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm nên rất dễ bị khô, đặc biệt vào mùa đông. Mặc dù không nguy hiểm nhưng việc khô da có thể khiến con khó chịu.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị khô da
Vì trẻ sơ sinh có làn da rất nhạy cảm nên dễ bị khô da so với người lớn. Chỉ cần một vài thay đổi thời tiết hay tác động của môi trường bên ngoài cũng khiến con bị khô da, nẻ.
Vào mùa đông, thời tiết lạnh, không khí khô và các máy sưởi trong nhà có thể làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da trẻ sơ sinh. Khi bị khô da trẻ có thể bị căng rát, những vẩy da khô, chết sẽ bong ra khiến bé khó chịu.
Còn vào mùa hè, ánh nắng, điều hòa không khí, nước muối rửa mặt và clo trong nước hồ bơi cũng có thể khiến trẻ sơ sinh bị khô da.
Làm gì khi trẻ sơ sinh bị khô da?
Giảm thời gian tắm
Tắm rửa quá nhiều sẽ khiến da bị mất đi lớp dầu tự nhiên, giữ ẩm cho da. Vào mùa đông, thay vì tắm cho trẻ quá lâu, mẹ nên giảm thời gian tắm cho con. Đặc biệt việc tắm ít thời gian còn giúp trẻ tránh khỏi việc bị cảm lạnh.
Tắm rửa quá nhiều sẽ khiến da bị mất đi lớp dầu tự nhiên, giữ ẩm cho da. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, mẹ có thể thay loại sữa tắm cho con. Những loại dầu tắm tự nhiên không chỉ dưỡng ẩm cho trẻ mà còn không có hóa chất, tốt cho làn da non nớt của bé.
Bôi kem dưỡng ẩm cho con
Ngay sau khi tắm xong, mẹ lau khô người và nhanh chóng bôi kem dưỡng ẩm lên toàn bộ da trẻ. Kem dưỡng ẩm sẽ giúp giữ nước trên da, giảm khô nẻ cho trẻ sơ sinh.
Nếu kem dưỡng ẩm thông thường không đủ giữ ẩm da trẻ, mẹ có thể sử dụng các loại thuốc mỡ. Mẹ không cần phải bôi một lượng quá dày mà chỉ cần một lớp mỏng, vừa đủ. Bạn có thể bôi kem dưỡng ẩm cho con 2 lần mỗi ngày, một lần ngay sau khi tắm và một lần vào sáng hoặc tối.
Không sử dụng nước muối, nước có clo trên da trẻ
Nước muối và nước chứa clo sẽ khiến da bị khô trầm trọng hơn. Nếu lỡ để da con tiếp xúc với nước muối, mẹ nên tắm lại cho con bằng nước tinh khiết và nhanh chóng bôi kem dưỡng ẩm cho trẻ.
Mẹ đừng quên bôi kem dưỡng ẩm cho con 2 lần mỗi ngày. (Ảnh minh họa)
Chạy máy làm ẩm
Máy làm ẩm sẽ giúp không khí trong nhà đỡ khô, giảm bí bách, ngột ngạt. Đặc biệt nếu phòng sử dụng máy sưởi, mẹ càng nên sử dụng máy làm ẩm để không khí dễ chịu hơn.
Cho trẻ uống đủ nước
Da khô vì thiếu độ ẩm và mẹ phải cung cấp bù chỗ nước đã mất đề con không bị khô da.
Bảo vệ con khỏi các yếu tố nguy hại
Ánh nắng mặt trời, khói bụi, gió hanh cũng là những yếu tố khiến da trẻ bị khô. Bạn không nên để trẻ ra ngoài quá lâu mà không có đồ bảo vệ. Bên cạnh đó, quần áo quá cứng, quá khô cũng khiến trẻ khó chịu, bong da. Mẹ nên lựa chọn những loại vải mềm mại, chất liệu tự nhiên để làm giảm khó chịu cho con.
Theo bác sĩ Hồng Hải cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, cách phòng ngừa và chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị khô da là: - Bú sữa thường xuyên - Làm sạch da bé sau mỗi lần ăn uống. Nước tắm cho bé phải là nước ấm vừa phải, không nên tắm nước nóng hơn bình thường khiến da bé mất nước nhiều hơn. Khi tắm cho bé không nên lạm dụng xà phòng, vì hoạt chất tẩy rửa của chúng càng tẩy mất chất nhờn trên da nhanh hơn, càng làm da thêm khô. Thời gian tắm cho bé cũng nên rút ngắn, không để bé ngâm nước lâu. Tắm cho bé xong, bạn lấy một chiếc khăn bông sạch, mềm lau khô da cho bé rồi vừa bôi kem dưỡng thể vừa mát-xa nhẹ nhàng cho bé. - Trời lạnh vẫn phải mặc đồ thông thoáng cho bé. - Chọn kem dưỡng ẩm thích hợp cho da |