Theo chị Thu Phương, việc đóng bỉm cho trẻ 24/24 không khiến bé bị hăm da, chân vòng kiềng hay hại bộ phận sinh dục như nhiều mẹ vẫn nghĩ.
Lo ngại ảnh hưởng của việc đóng bỉm đến sức khỏe, làn da của trẻ hoặc để dễ dàng hơn khi chăm con, nhiều mẹ Việt thường có quan niệm bỏ dùng bỉm cho trẻ càng sớm càng tốt. Thậm chí, có bé mới khoảng 1 tuổi, các mẹ đã tập cho con dùng bô, xi để con đi tiểu vào bô chứ không phải đóng bỉm nữa.
Với 17 năm sinh sống và làm việc tại Hungary, được tiếp xúc với bác sĩ và tham dự nhiều khóa học, hội thảo về vấn đề chăm và nuôi dạy trẻ, chị Hoàng Thu Phương (SN 1989 ở Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến vấn đề sử dụng bỉm đúng cách cho con. Và chị không đồng ý với quan điểm của một số mẹ Việt khi bỏ dùng bỉm cho con quá sớm, theo chị việc này cần phải thực hiện đến khi các bé được 3 tuổi. Hiện nay nhiều bác sĩ, chuyên gia trên thế giới đều đưa ra lời khuyên như thế.
Bé Hippy - con trai chị Thu Phương, luôn được đóng bỉm từ lúc sinh.
“Từ sơ sinh cho đến khi trẻ đủ 3 tuổi thì bộ phận bàng quang và thận của trẻ mới hoàn thiện hoàn chỉnh được. Cũng như từ 2 tuổi trở đi não của trẻ mới phát triển hoàn thiện để trẻ điều khiển việc đi tiểu/ đại tiện theo ý mình.
Việc tiểu/đại tiện là do não chỉ huy nên các mẹ đừng nhầm lẫn việc xi thì trẻ sẽ tiểu còn không xi thì không tiểu, lí thuyết và thực tế không liên quan.”, chị Phương nhận định.
Dưới đây là những lý do mà chị Thu Phương đưa ra giải thích vì sao các mẹ trên thế giới thường cho trẻ dùng bỉm đến 3 tuổi:
1/ Đóng bỉm 24/24 không làm trẻ bị hăm
Trẻ bị hăm da hay không không phải do bỉm đắt tiền hay bỉm rẻ tiền. Ngay như Hippy – con trai chị Phương, đến giờ đã sử dụng qua 5 loại bỉm, có 3 loại đắt tiền, có loại thấm hút tốt, mỏng và mềm nhưng cũng chưa bao giờ bị hăm tã mặc dù cũng đóng bỉm thường xuyên.
Chị Thu Phương cho rằng việc cha mẹ vệ sinh không đúng cách khi thay bỉm mới là nguyên nhân khiến các bé dễ bị hăm da.
Theo chị, lí do trẻ bị hăm phụ thuộc vào yếu tố: các mẹ không thay bỉm thường xuyên 4-5 tiếng/ lần cho con. Bên cạnh đó, khi thay bỉm không vệ sinh hoặc rửa cho bé sạch sẽ, không lau khô cho trẻ trước khi mặc bỉm, cũng như là dùng bỉm sai kích cỡ so với chỉ số cân nặng tiêu chuẩn của trẻ dẫn đến bị hăm.
2/ Đóng bỉm không khiến trẻ bị vòng kiềng
Theo chị Thu Phương, trẻ bị chân vòng kiềng hay không có thể là do: thứ nhất là gen di truyền, thứ 2 là do các mẹ không chịu nắn và bóp chân khi con còn nhỏ. Xương của trẻ thời điểm 6 tháng đầu mềm như sụn nên chúng ta có thể nhẹ nhàng nắn và định hình chân trẻ thẳng hơn như mong muốn, tất nhiên là với những trẻ vòng kiềng theo gen di truyền thì chỉ cải thiện được 1 phần.
Vì thế không nên đổ tội cho bỉm vì bỉm mềm khi mặc chuẩn vị trí trẻ đi lại hay đứng lên hay co chân thì bỉm cũng co vào.
Bé Hippy được chị đóng bỉm 24/24 từ lúc mới chào đời và hiện tại chân vẫn thẳng và đẹp.
3/ Đóng bỉm không làm hẹp bao quy đầu
Việc trẻ bị hẹp bao quy đầu là do cơ thể theo gen di truyền hoặc do cấu tạo của chính cơ thể bé.
Không ít ông bố bà mẹ vẫn băn khoăn việc đeo bỉm thường xuyên có làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng của hai “hạt lạc” của bé trai sau này hay không? Lý lẽ được đưa ra là đeo bỉm thường bị kín hơi, lại bó sát vào cơ thể trẻ dễ làm cho nhiệt độ cục bộ tăng lên, trong khi đó nhiệt độ thích hợp nhất cho hai “hạt lạc” là vào khoảng 34 độ C. Khi nhiệt độ tăng lên, để lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng sau này.
Thực tế thì các bé chỉ đeo bỉm tối đa đến 3 tuổi, trong quãng thời gian đó, dù có đeo bỉm cả ngày cũng không ảnh hưởng đến việc làm hẹp bao quy đầu hay chức năng sinh sản của bé. Tất nhiên về mặt nguyên lý, tinh hoàn cần một môi trường nhiệt độ thấp hơn, nhưng đó là môi trường điều kiện để sản xuất tinh trùng. Còn từ lúc sinh ra đến 3 tuổi thì tinh hoàn bé trai không sản xuất tinh trùng. Nam giới sản xuất tinh trùng khi tới tuổi dậy thì (khoảng từ 12 tuổi trở lên). Do đó, các bậc phụ huynh không nên lo lắng việc đeo bỉm làm “hỏng” “hạt lạc” của con.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu bố mẹ “lạm dụng” việc đóng bỉm cho trẻ quá lâu, không thay ngay khi trẻ đại tiện sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị viêm nhiễm, nhất là vùng da ở bẹn hoặc bộ phận sinh dục. Nước tiểu tích tụ ở bỉm lâu không được thay thế sẽ có thể gây viêm nhiễm bàng quang. Trên thực tế, tại các khoa nhi, bệnh viện nhi, không ít trẻ được mang tới khám vì bị viêm da, nhiễm khuẩn đường tiểu do đóng bỉm mà bố mẹ lười thay cho bé hoặc do vệ sinh không sạch sẽ.
Trên đây là đúc kết từ kinh nghiệm và tìm tòi của mẹ Hippy trong việc sử dụng bỉm cho con, hy vọng sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về những lợi ích thật sự của việc đóng bỉm và độ tuổi thích hợp để "cai" bỉm cho bé.