Tâm sự nặng trĩu lòng gửi con của ông bố làm bác sĩ: "Hãy tha thứ cho bố mẹ"

Ngày 18/01/2018 19:06 PM (GMT+7)

"Khi những đứa trẻ khác vẫn còn đang ngon giấc trên giường, con bé 5 tuổi nhà tôi lại bị bố giục dậy lúc 2h sáng chỉ vì mẹ đang trực trong viện, bố cũng bị gọi vì có ca cấp cứu”, ông bố viết.

Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc đang chia sẻ rầm rộ bức tâm thư của một ông bố làm bác sĩ gửi đến con gái 5 tuổi của mình. Trong bức thư dài hàng ngàn chữ, anh trải lòng về những thiếu sót của bản thân khi chăm sóc con cái, chia sẻ về những thiệt thòi của con gái khi có bố mẹ đều làm nghề y.

Đa số mọi người sau khi đọc được bức thư này đều rơi nước mắt vì xúc động trước tình cảm cũng như sự trăn trở của người cha dành cho con gái. Đồng thời thông qua nó, chúng ta hiểu thêm nhiều hơn về nỗi niềm của một người bác sĩ khi phải làm tốt trách nhiệm cứu người để rồi đôi khi không có thời gian để quan tâm, chăm sóc cho cô con gái nhỏ của mình.

Tâm sự nặng trĩu lòng gửi con của ông bố làm bác sĩ: amp;#34;Hãy tha thứ cho bố mẹamp;#34; - 1

Ông bố 37 tuổi trải lòng về những thiệt thòi của con gái khi có bố mẹ đều làm bác sĩ

Ông bố được nhắc đến ở đây là bác sĩ phẫu thuật Chang Tao, 37 tuổi. Được biết, thời gian gần đây vì có chút thời gian rảnh rỗi nên anh đã quyết định viết lại tất cả những suy nghĩ của mình rồi đăng đăng tải lên mạng với hy vọng sau này con gái Tiểu Bình đọc được sẽ hiểu và cảm thông cho bố mẹ. Chính bản thân Chang Tao cũng không ngờ được rằng bức thư đó lại được mọi người đón nhận nhiều đến như vậy.

Khi con lớn rồi, mỗi lần thấy bố nghe điện thoại đều chủ động hỏi: "Bố có về không?". Nhiều lần tôi muốn nói với con rằng bố nhất định sẽ tranh thủ về nhà.

Chang Tao kể rằng: “Khi con còn bé, tôi thường nhận được những cuộc điện thoại yêu cầu làm tăng ca buổi tối. Những lúc ấy, tôi phải nói với con là “cha đi một lát rồi về” nhưng phẫu thuật thì đâu có giờ giấc cố định. Vì thế nửa đêm khi đang ngủ, bàn tay nhỏ bé của con mò mẫm khắp giường, sờ không thấy có bố, con bé lại khóc".

Ngày 13/2/2017, vợ của bác sĩ Chang Tao được cử đến Bắc Kinh tu nghiệp khoảng 1 năm. Trong 1 năm, cô ấy về nhà được 4 lần, trong 3 lần là vì công việc, chỉ có ngày 22/11, cô ấy về vì sinh nhật 5 tuổi của con.

Anh Chang kể: “Vào ngày hôm đó, sau khi con gái nhìn thấy mẹ đứng ở cửa nhà, con đã im lặng trong khoảng 30 giây rồi bật khóc. Ngày hôm sau, vợ tôi phải quay lại Bắc Kinh, cô ấy đã khóc rất nhiều khi phải xa con gái. Lúc đó, tôi chỉ biết động viên vợ cố gắng”.

Tâm sự nặng trĩu lòng gửi con của ông bố làm bác sĩ: amp;#34;Hãy tha thứ cho bố mẹamp;#34; - 2

"Khi con lớn rồi, mỗi lần thấy bố nghe điện thoại đều chủ động hỏi: "Bố có về không?". (Ảnh minh họa)

Bé Tiểu Bình bắt đầu đi nhà trẻ khi lên 3 tuổi. Theo lời kể của cô giáo thì bé luôn là người đến lớp sớm nhất và ra về muộn nhất. Bác sĩ Chang có viết: "Mỗi ngày tôi đều rời nhà lúc 6h50 để đưa con đến trường nhưng hiếm khi tôi có thể đón con từ trường về nhà được, thậm chí nếu không làm thêm giờ thì đến 21h30 tôi mới kết thúc công việc của mình.

Vì chưa nhìn thấy bố của Tiểu Bình bao giờ nên nhiều bạn cứ nghĩ con không có bố mẹ.

Tôi vẫn còn nhớ như in vào một buổ​i chiều tôi đến trường đón con. Khi nhìn thấy tôi, con bé mừng rỡ và khoe với 2 bạn bên cạnh mình rằng: "Cậu nhìn đi, bố mình đến rồi" và tiếp tục chạy xuống khoe các bạn phía sau. Sau này tôi mới biết những đứa trẻ ở trường mẫu giáo vẫn thường xuyên hỏi con gái tôi là: “Bạn không có bố mẹ à?”. Vì thế tôi mới hiểu vì sao hôm ấy con phấn khích đến vậy".

Nếu như các bậc phụ huynh khác sau khi nhận được cuộc gọi của giáo viên báo con mình không được khỏe thì chắc chắn họ sẽ vội vàng đến đó gặp con, nhưng bác sĩ Chang lại không thể làm như vậy. Anh kể lại: “Có một hôm giáo viên của Tiểu Bình gọi đến báo con không được khỏe nhưng vì phải tham gia phẫu thuật ngay sau đó nên tôi không thể đến trường gặp con. Tôi chỉ biết trông cậy vào giáo viên của con”.

Tâm sự nặng trĩu lòng gửi con của ông bố làm bác sĩ: amp;#34;Hãy tha thứ cho bố mẹamp;#34; - 3

Bé Tiểu Bình vui vẻ khoe với các bạn khi thấy bố đến đón vì trong những ngày trước đó, bạn bè luôn thắc mắc về việc không biết Tiểu Bình có bố mẹ hay không? (Ảnh minh họa)

Bức thư của ông bố vẫn tiếp tục với vô vàn những tâm sự nặng trĩu lòng khi nghĩ về cô con gái 5 tuổi của mình:

"Khi những đứa trẻ khác vẫn còn đang ngon giấc trên giường, con bé 5 tuổi nhà tôi lại bị bố giục dậy lúc 2h sáng chỉ vì mẹ đang trực trong viện, bố cũng bị gọi vì có ca cấp cứu. Không còn cách nào khác, tôi đành đưa con đi cùng rồi nhờ y tá ở bệnh viện trông giúp. Hầu như cả bệnh viện đều biết mặt con tôi.

Khi những đứa trẻ khác mời bạn đến nhà chơi, bố mẹ chúng thường chuẩn bị đồ chơi và thức ăn ngon. Vậy mà con bé 5 tuổi nhà tôi lại như một "bà cụ non". Con cho các bạn ngồi thẳng hàng, gọi số vào khám giống như 1 bác sĩ thực thụ. Không biết là vô tình hay cố ý mà tất cả các trò chơi con bày ra đều liên quan đến khám chữa bệnh.

Khi những đứa trẻ khác quấy khóc đòi xem hoạt hình Ultraman thì con bé 5 tuổi nhà tôi lại ngồi lật đi lật lại các cuốn sách giải phẫu học của bố. Thỉnh thoảng con lại vẽ vài dấu hiệu lên người mình và gấu bông. Đến cả con búp bê mà con thích nhất cũng bị băng bó và vẽ thêm vài vết thương. Nhiều lúc tôi tự hỏi liệu có khi nào Tiểu Bình lại có thể chỉ rõ vị trí dạ dày, gan, phổi chuẩn xác hơn nhiều người lớn.

Tâm sự nặng trĩu lòng gửi con của ông bố làm bác sĩ: amp;#34;Hãy tha thứ cho bố mẹamp;#34; - 4

Dù không được ở bên cạnh bố mẹ nhiều nhưng cô bé Tiểu Bình rất kiên cường. (Ảnh minh họa)

Khi những đứa trẻ khác ôm bụng kêu đau và giả ốm để trốn đi nhà trẻ thì con bé 5 tuổi nhà tôi tự hiểu rằng không bao giờ có thể dùng chiêu này kể cả con ốm thật. Khi con bị sốt 39 độ, ông bố bác sĩ cùng lắm sẽ cho con hạ nhiệt vật lý, uống nhiều nước và bớt dùng thuốc. Không biết con có bằng lòng hay không, nhưng trong tâm con sẽ nghĩ rằng, dù cho mình có ốm thật, mình khó chịu đến mức nào thì bố mẹ cũng chẳng quan tâm.

Khi con người ta thường được bố mẹ kể cho những câu chuyện thú vị về nàng công chúa và chàng hoàng tử thì con gái 5 tuổi của tôi lại chỉ được nghe bố mẹ đề cập đến các cuộc phẫu thuật cứu người.

Khi những đứa trẻ khác được bố mẹ lo lắng đưa vào viện chỉ vì một vết trầy xước, con bé 5 tuổi nhà tôi dù bị rơi từ giường xuống, hay chạy ngã va vào đâu đó, thì đều được điều trị trong... bếp.

Trừ khi vết thương của con chảy máu quá nhiều không thể khâu ở nhà hoặc con quá đau thì mới vào viện. 

Chẳng biết con có vừa ý hay không, chỉ biết ca điều trị đầu tiên của con là trong bếp. Có lẽ trong tâm trí con tự thấy rằng mình chịu đau giỏi hơn, mình khó bị ốm hơn các bạn.

Sự thật là, chúng tôi muốn nói với con rằng bố mẹ yêu con nhiều hơn bất cứ ai nhưng con phải chịu thiệt thòi hơn người khác chỉ vì bố mẹ làm bác sĩ. Công việc của bố mẹ cần cống hiến bằng cả tấm lòng, cần dùng tình yêu để sưởi ấm mọi người. Vì thế bố mẹ không thể dành tặng toàn bộ tình yêu thương cho con. Có lẽ sau này con sẽ trở thành một đứa trẻ kiên cường giống như những ngọn cỏ dại, sau đó con sẽ lớn lên như một ngọn cây cao chót vót, nhưng hiện tại con giống như một đứa trẻ đang đứng trước ngọn gió lớn... Hãy tha thứ cho bố mẹ vì không thể trao trọn tình yêu thương cho con".

Mời độc giả gửi những video ngộ nghĩnh của các bé trong độ từ 0-10 tuổi kèm thông tin cơ bản về hòm mail: lamme@eva.vn. Ban biên tập sẽ lựa chọn những clip hay nhất để chia sẻ trên chuyên mục Làm mẹ.

Thanh Loan (Dịch từ Sina)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bố và con gái