Bà mẹ trẻ H.N lên tiếng cảnh báo việc trẻ chơi đất nặn dễ bị phồng rộp tay nhưng nhận nhiều ý kiến phản bác từ các bậc phụ huynh khác.
Slime hay còn được gọi là "chất nhờn ma quái" ở Việt Nam là một loại đồ chơi rất thu hút trẻ nhỏ, giúp bé có thể thỏa sức biến nó thành những hình thù độc đáo nhờ đặc thù dẻo dai. Từ đó slime kích thích tất cả các giác quan và giúp trẻ phát triển nhận thức. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề liên quan đến an toàn của trẻ xung quanh "chất nhờn ma quái" này.
Slime - chất nhờn ma quái rất thu hút trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Trẻ phồng tay, nhiễm độc chì vì chất nhờn ma quái?
Cách đây ít giờ, trên trang cá nhân của bà mẹ trẻ H.N chia sẻ một lời cảnh báo nhận được sự quan tâm khá lớn từ cư dân mạng. Theo chia sẻ của chị, chị vừa nhận được thông tin rằng bé gái hàng xóm nhà chị phải nhập viện và được chuyển lên tuyến trên vì tay có dấu hiệu sưng phù, nhiễm độc chì do chơi một loại đất nặn có tên là slam. Loại đất nặn này được bán khá nhiều tại cổng trường của các bé. Thông tin này được chính chị nhìn thấy từ hôm trước và đến hôm nay được người nhà thông báo lại.
Cảnh báo từ mẹ trẻ được nhiều người quan tâm.
Thông tin chia sẻ của H.N nhận được nhiều phản ứng từ cư dân mạng và các ông bố bà mẹ khác. Bên cạnh những lo lắng, cũng có những người phân tích rõ ràng rằng: Slam thực chất có tên gọi là slime hay chất nhờn ma quái và nó hoàn toàn khác với đất nặn. "Thậm chí slime có trẻ bị dị ứng và có trẻ không chứ không phải bé nào cũng nhiễm", M.A cho biết.
Đồng quan điểm, B.N phân tích kĩ: "Thứ nhất, slime không phải là đất nặn. Đừng nói không cho học sinh lên trường chơi đất nặn cùng các bạn. Nhất là học sinh mầm non hay dùng đất nặn để thực hành trong lớp. Nói sai tội nhà trường, tội các cô.
Cái thứ hai, slime là chất lỏng ma quái, mình đã xem cách đây vài năm về cách làm của slime. Trong đó có thành phần là bột giặt hay nước rửa bát, còn bây giờ thì có vẻ cải tiến hơn nhưng đều có chất hoá học. Mà slime bán cổng trường thì không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ thành phần thì không thể biết nó có bao nhiêu chất độc hại.
Thứ ba, các bé chơi slime rất lâu, có khi cả tiếng đồng hồ rồi còn không thèm rửa tay. Da trẻ con còn non, tiếp xúc với chất hoá học nhiều là vô cùng nguy hiểm. Chưa kể trường hợp cơ thể phản ứng những chất trong slime như cháu bé kia thì việc nhiễm độc da đi cấp cứu là việc cực kì nguy hiểm. Vậy nên khuyến cáo phụ huynh không cho các cháu chơi slime, những đồ chơi không rõ thành phần hoá học".
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đưa ra lời khuyên rằng các bậc cha mẹ nên sát sao và kĩ càng hơn trong việc lựa chọn đồ chơi cho con.
Slime - chất nhờn ma quái có thực sự đáng sợ?
Slam thực chất có tên gọi là slime nhưng thường bị gọi sai tên. Bên cạnh đó, slime và đất nặn là hai thứ đồ chơi hoàn toàn khác biệt nhau.
Slime thông thường được làm từ hồ nước, phấn, bằng bột giặt, dầu gội, muối, đường, bằng hồ, bằng kem đánh răng, thuốc nhỏ mắt... Còn ngược lại, đất nặn hay đất sét nặn thường được làm từ đất sét gốc dầu, mềm dẻo hoặc đất sét giấy có thành phần chính là các loại bột đất sét, bột giấy, bột công nghiệp trộn lẫn với các phụ gia, hương liệu mùi. Thậm chí, với một số loại bột nặn an toàn còn được làm từ bột mì, bột năng, dầu ăn, vani... có mùi thơm và hoàn toàn an toàn với trẻ nhỏ. Chúng có tính mềm dẻo khá tương đương nhau, thậm chí slime còn mềm hơn rất nhiều so với đất nặn.
Chất nhờn ma quái hoàn toàn khác với đất nặn.
Vì đặc tính dẻo dai, mềm mại mà chất nhờn ma quái slime là món đồ chơi rất thu hút trẻ nhỏ. Thậm chí có những bé đã từng tự tìm cách chế tạo ra món đồ chơi này để có thể thỏa sức khám phá nhưng đáng tiếc lại gặp nạn.
Đó là trường hợp của cô bé Kathleen Quinn, 11 tuổi sống ở Massachusetts (Hoa Kỳ). Vì quá yêu thích món đồ chơi slime, Quinn đã tự mình chế tạo ra sản phẩm này bằng cách pha trà, nước và hàn the (borat natri) lại với nhau.
Tuy nhiên, tai nạn đã xảy ra với cô bé, Quinn bắt đầu cảm thấy đôi bàn tay mình nóng ran lên và mất cảm giác cầm nắm. Em được chẩn đoán bị bỏng mức độ hai và ba là do phơi nhiễm với chất hàn the. Rất may, vết bỏng không quá nặng nên tay của Quinn cũng nhanh chóng phục hồi.
Quinn bị bỏng tay do tự chế slime.
Vì thế, nếu muốn tự chế chất nhờn ma quái, người lớn cần đặc biệt tìm hiểu về cách thức an toàn chứ trẻ nhỏ không được thực hiện.
Xem video: Cách làm chất nhờn ma quái cho trẻ
Còn tại Việt Nam, theo khảo sát tại một số cổng trường học, giá của mỗi hộp slime được bán với giá khá rẻ, khoảng 5.000 đồng. Còn mua slime kèm đồ chơi giá khoảng 12.000 đồng. Trước những lo ngại của phụ huynh về ảnh hưởng của slime với sức khỏe trẻ nhỏ, TS. Nguyễn Duy Thịnh - viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - đại học Bách Khoa Hà Nội đã có những chia sẻ trên báo Người đưa tin.
Theo ông: “Đồ chơi slime khá phổ biến trên thế giới. Nó được làm từ keo xà phòng, keo làm hồ dính… Trên mạng cũng đăng tải nhiều clip hướng dẫn làm loại đồ chơi độc đáo này. Tuy nhiên, đây là món đồ chơi an toàn, không phai ra tay. Nhưng sau khi trẻ chơi xong cần lưu ý rửa tay thật kĩ để đảm bảo vệ sinh”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia thực phẩm cũng cảnh báo, cần để xa tầm tay trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi), tránh cho trẻ nhầm lẫn với bánh kẹo và gây nghẹn. Ngoài ra, khi chọn mua slime cho con, các bậc cha mẹ cũng quan tâm sát đến nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Lưu ý để bé chơi đất nặn an toàn: - Lựa chọn sản phẩm đất nặn có nguồn gốc xuất xư rõ ràng và đảm bảo. - Đất nặn được chọn phù hợp với độ tuổi: + Từ 1-5 tuổi: nên chọn loại được làm từ bột thực phẩm, ít phụ gia. + Từ 5-10 tuổi: nên chọn đất sét nặn để bé thỏa sức sáng tạo. + Trên 10 tuổi: có thể cho bé tùy chọn loại đất hay bột nặn. - Dù an toàn hay không cũng nhắc nhở trẻ không được cho vào miệng để nếm thử. - Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi chơi. - Quy định giờ chơi rõ ràng mỗi lần chơi, không nên dùng trong thời gian quá dài. 15-30 phút là khoảng thời gian hợp lý. |