Có rất nhiều cách thông minh để từ chối 'yêu sách' của trẻ mà cha mẹ chưa biết.
“Không” là một từ con trẻ ghét nghe, cha mẹ chán nói song lại được sử dụng với tần suất dày đặc trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt với trẻ tuổi mẫu giáo. Nếu đếm số từ “Không” mà bạn nói với con trong một ngày, một tuần, một tháng hay một năm… hẳn bạn sẽ bất ngờ khi thấy con số vượt quá tưởng tượng của mình.
Nhất thiết phải nói “Không” để từ chối con trẻ điều gì đó? Có rất nhiều cách thông minh để thuyết phục trẻ từ bỏ ‘yêu sách’, mè nheo mà cha mẹ chưa biết.
1. Sáng tạo cách nói “Không”
Bé 3-4 tuổi rất tinh nghịch, hiếu động và không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ quá 10 phút? Một lần bé “sáng tạo” ra cách lấy bút màu vẽ hoa lá cành lên bộ ga trải giường trắng tinh trong nhà và bạn thấy thế, gắt lên: “Con không được làm vậy” hoặc “Không. Thật ngu ngốc khi làm thế!”…. Sự tức giận của bạn có thể khiến con phút chốc sợ hãi mà dừng việc đang làm nhưng về lâu dài sẽ vô hiệu quả. Hơn nữa, bé dễ hiểu sai ý tứ của bạn.
Bởi vậy, thay vì cấm cản con, hãy chuẩn bị cho con một vài tờ giấy trắng và nói với con rằng: “Nếu con muốn vẽ, hãy vẽ vào đây”…
Với trẻ từ 3 – 4 tuổi, bố mẹ cần sử dụng linh hoạt từ ngữ vào từng hoàn cảnh cụ thể, thay vì nói con không được làm việc này việc kia, hãy giải thích cho trẻ vì sao và đưa ra hướng giải quyết mới.
Mẹ khéo nói 'Không' thì con trẻ sẽ nghe lời răm rắp (Ảnh minh họa).
2. Chấp nhận đòi hỏi của trẻ một cách thông minh
Trước giờ ăn, con nằng nặc đòi ‘nhâm nhi’ bánh ngọt nhưng mẹ kiên quyết không cho. Con dậm chân, vùng vằng me nheo và khóc ăn vạ còn mẹ vẫn tiếp tục lạnh lùng: “Con không được phép ăn bánh ngọt trước bữa tối”. Lời nói của mẹ sẽ chỉ như “gió vào nhà trống”, càng khiến bé khóc to hơn như một sự phản kháng.
Tiến sĩ Bruce Grellong - chuyên gia tâm lý gia đình và trẻ em tại New York - cho biết: "Một số đứa trẻ sẽ không thể hiểu hoặc không thể chấp nhận sự áp đặt của bố mẹ nếu họ chỉ nói ‘Không’. Vì vậy, trong một số trường hợp, cha mẹ đừng vội nói ‘Không’ mà hãy vòng vo một chút, kiểu như: Được thôi, con sẽ ăn bánh ngọt sau bữa tối, còn bây giờ con hãy ăn một quả táo nhé!”. Cách nói này sẽ khiến bé cảm thấy dễ chịu và chịu vâng lời bạn hơn.
3. Ghép tên trẻ vào từ “Không”
Nếu cha mẹ cứ nói chung chung: “Tắt tivi đi”, nhiều bé bướng bỉnh sẽ tảng lờ không nghe thấy, nhưng khi được nêu đích danh: “Bin, con tắt tivi đi”, bé sẽ dễ dàng làm theo lời bố mẹ hơn.
Một điều tưởng chừng nhỏ nhoi mà nhiều bậc cha mẹ không lường hết được tác động to lớn đó là ghép tên con vào sau chữ “không”. Thay vì nói cộc lốc và lạnh lùng “Không” mỗi khi con làm sai hoặc yêu sách, hãy nhẹ nhàng nhưng cương quyết “Không được đâu Bin!”.
Các chuyên gia tâm lý khẳng định, những câu mệnh lệnh hoặc cảm thán mà có tên của một cá nhân bất kỳ nào đó thì cá nhân đó có xu hướng bị tác động mạnh mẽ hơn nhiều lần đối với những câu ra lệnh hoặc yêu cầu cụt ngủn, thiếu đối tượng răn đe.
4. Bắt đầu chỉ thị của bạn với "mẹ muốn"
Con ích kỷ, không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn. Thay vì quát: "Không, con không được làm thế. Hãy cho em Gấu mượn đồ chơi", bạn nên nói: "Mẹ muốn con cho em Gấu mượn đồ chơi"... Điều này hợp với tâm lý phát triển của trẻ là muốn làm mẹ vui nhưng ghét bị ra lệnh.
Trẻ tuổi mẫu giáo có cái TÔI rất lớn và luôn muốn thể hiện mình. Bởi thế, để dạy con nghe lời, cha mẹ thông minh sẽ không sử dụng các câu mệnh lệnh.
5. Nói “Không” một cách kiên quyết
Bạn ngưỡng mộ và thầm ghen tị với các bà mẹ Tây khi họ nói “No, no” và bọn trẻ ngay lập tức nghe lời răm rắp. Trong khi nhóc tì nhà bạn, dù mẹ có ‘mặt đỏ tía tai’ quát tướng: “Không” thì vẫn trơ như đá và tiếp tục trò quậy phá của chúng. Bạn biết vì sao có sự khác biệt này không? Đơn giản, cùng là một cách từ chối ‘yêu sách’ của trẻ nhưng sức mạnh giọng điệu của mẹ Tây so với bạn lại chênh nhau ‘một trời, một vực’. Sở dĩ, mẹ Tây thành công khi dạy con là vì họ biết cách từ chối một cách kiên quyết còn bạn thì không.
Trẻ hiểu từ ‘Không’ và quyết định phản kháng hay nghe lời cha mẹ phụ thuộc rất nhiều vào giọng điệu lời nói của cha mẹ. Do đó, cha mẹ có thể không cần dùng những từ phủ định mà hãy nhờ đến sức mạnh của giọng điệu – giọng điệu thật ‘cứng’ chỉ nên sử dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết để trẻ không bị nhờn. Cụ thể là chỉ khi nào bé phá phách hay có những đòi hỏi không hợp lý thì bạn mới sử dụng giọng điệu này.