Người bố đưa ra đáp án là 12 phút đã khiến người mẹ... chán nản.
Những tưởng kiến thức toán tiểu học đều là kiến thức đơn giản, đã từng trải qua nên bậc làm cha mẹ sẽ dễ dàng giải được. Tuy nhiên thực tế nhiều phụ huynh thừa nhận "bó tay" khi cùng con học toán vì nhiều bài "hóc búa" bất ngờ.
Mới đây mạng xã hội lan truyền hình ảnh một đoạn tin nhắn giữa cặp cha mẹ bàn bạc chuyện dạy con học. Cụ thể, người mẹ có phần bực tức nhắn tin cho người bố, yêu cầu anh nên là người dạy con trai học. Đơn giản vì cô dạy con một bài toán nhiều lần mà bé mãi không đưa ra đáp án chính xác.
Tuy nhiên khi người bố thử đưa ra đáp án đã khiến vợ "tá hỏa" vì hóa ra con học kém là do gen di truyền từ bố.
Cụ thể, bài toán của em học sinh như sau "Bà nội đi bộ lên tầng 3 cần 6 phút. Vậy đi lên tầng 6 cần bao nhiêu phút?".
Kết quả người bố đưa ra là 12 phút nhưng theo như câu đáp của người mẹ thì hoàn toàn sai.
Phía dưới phần bình luận, các bậc phụ huynh khác cũng "xắn tay" vào giải bài toán này. Nhưng khá bất ngờ là mỗi người đưa ra một đáp án khác nhau. 6 phút, 15 phút... nhưng cũng có người đưa ra là 30 phút, 1 tiếng với những lời phân trần khác nhau.
- Tùy khu vực nha. Có nơi tầng trệt tính là tầng 1, có nơi lên 1 tầng mới tính tầng 1. Nếu từ tầng trệt lên 3 có 2 tầng thôi, nên lên tầng 6 cần 15 phút.
- Vẫn 6 phút, vì bà đang ở tầng 3 rồi (nếu bà khỏe).
- Sai hết tầng 3 là 6 phút thì tầng 6 phải nửa tiếng vì đến tầng 4 bà mệt bà nghỉ giải lao chứ bà có tuổi leo làm sao được liền tù tì 6 tầng được.
- Mình leo từ tầng 2 lên đến tầng 5 là cái nhà muốn sập rồi, còn bà nội leo hết mấy phút thì mình không biết.
Ảnh minh họa
Thực tế, bài toán này có thể được giải đáp như sau:
Từ tầng 1 lên tầng 3 sẽ bao gồm 2 lầu cầu thang. Tức là từ tầng 1 lên tầng 2, từ tầng 2 lên tầng 3.
Như vậy, số phút bà leo mỗi 1 lầu cầu thang là:
6 : 2= 3 (Phút). (Thời gian đi bộ lên mỗi tầng là như nhau).
Sau đó, ta sẽ tính số lầu cầu thàng từ tầng 1 lên tầng 6 là 5 lầu (Tầng 1 lên tầng 2, tầng 2 lên tầng 3, tầng 3 lên tầng 4, tầng 4 lên tầng 5, tầng 5 lên tầng 6).
Như vậy, tổng số thời gian bà nội đã dùng để leo từ tầng 1 lên tầng 6 sẽ là:
3 phút + 3 phút + 3 phút + 3 phút + 3 phút = 15 (phút).
Về mặt toán học, đáp án 15 phút là chính xác.
Tuy nhiên nhìn vào thực tế dữ liệu bài toán đưa ra, bà nội cũng có thể mất nhiều thời gian hơn để leo 6 tầng lầu vì thực tế ai cũng có thể hiểu bà đã già, sức khỏe yếu nên việc leo lên các tầng thứ 4, 5 và 6 tốc độ sẽ giảm dần nên mất nhiều thời gian hơn. Đó là lý do vì sao nhiều người đã đưa ra những phương án số thời gian lâu hơn.
Như thế mới nói toán học tiểu học thực sự không hề đơn giản và cần phải có những suy nghĩ logic phù hợp với nó. Đó là lý do vì sao mà nhiều học sinh có thể làm sai bài toán nếu không đọc kĩ để bài và tính toán một cách cẩn thận.
Các bậc cha mẹ cần dặn dò con kĩ càng những kỹ năng khi làm toán:
Xem kĩ, đọc kĩ từng từ, từng câu của đề bài toán
Việc rèn luyện cho học sinh thói quen xem kỹ đề bài, câu hỏi là một nhiệm vụ đòi hỏi sự chung sức của phụ huynh và thầy cô. Trong quá trình dạy và học, phụ huynh có thể đọc câu hỏi cùng con và chỉ ra các ý chính trong đề, nói chậm để đảm bảo con hiểu rõ câu hỏi, nếu con chưa hiểu thì đọc lại 2-3 lần.
Bố mẹ hướng dẫn cho con đọc kỹ đề bài, xác định cho được đâu là cái đã cho, đâu là cái phải tìm.
Đặc biệt, khi đọc đề toán, các con cần lưu ý các điểm:
- Hiểu rõ bản chất của đề toán, từ nào chưa hiểu hết ý nghĩa phải tìm hiểu về ý nghĩa của nó.
- Trong bài toán sẽ có những chỗ cố tình đánh lừa, con cần phải bỏ qua chỗ đó và chỉ chú ý vào những chỗ cần thiết.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên lưu ý trẻ nếu phát hiện đề in sai, in mờ, thiếu logic hay có vấn đề gì băn khoăn thì cần hỏi thầy cô giáo ở lớp kịp thời vì đây cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là kỹ năng quan trọng mà học sinh cần phải rèn luyện thêm để tránh các sai sót trong học tập và cả trong đời sống sau này
Toán tắt toàn bài toán bằng những ý dễ hiểu
Với hầu hết các đề toán, bố mẹ có thể gợi ý con tóm tắt đề bằng những đoạn thẳng, ngôn ngữ hoặc ký hiệu ngắn gọn để hiểu hơn. Thông qua đó thiết lập mối quan hệ giữa những cái đã cho và những cái phải tìm.
Lưu ý khi tóm tắt bài toán hãy cố gắng gạt bỏ những thứ yếu lặt vặt không cần thiết và chỉ tập trung suy nghĩ vào những yếu tố chính của đề toán. Sau đó con tìm cách tóm tắt đề bằng hình vẽ mà con hiểu nhất. Trong trường hợp không thể vẽ được thì dùng ký hiệu, ngôn ngữ... để ghi lại vắn tắt, cô đọng.
Ảnh minh họa
Phân tích đề toán và chú ý tới những câu đánh lừa
Phân tích là bước mà các con sẽ phải tự đặt câu hỏi cho mình rằng "muốn giải được bài toán này, chúng ta cần biết những gì và cần thực hiện những phép tính nào?" Và trong đó cái gì đã có, cái gì cần phải tìm thêm?
Muốn tìm những cái chưa biết cần phải làm phép tính gì?... Cứ như thế con sẽ dần đi đến kết quả của bài toán.
Giải bài toán và thử lại khi tìm được kết quả
Từ những bước đọc, phân tích đề ở phía trên, các con có thể bắt đầu giải bài toán để tìm ra được kết quả. Tuy nhiên sau khi có kết quả, các con cũng đừng vội kết luận đó là kết quả chính xác mà cần dùng đáp án đó thử lại xem có phù hợp với bài toán hay không. Bên cạnh đó cần kiểm tra các lời giải, phép tính mà con thực hiện phía trên đã chính xác, đủ ý hay chưa.
Ngoài ra nếu con có niềm đam mê, hứng thú với môn toán học thì cũng có thể làm tốt bài toán hơn dù có bất kì trường hợp nào xảy ra. Bố mẹ có thể giúp con có hứng thú học toán:
- Bố mẹ cần phải định vị nhận thức của con để xây dựng lộ trình phù hợp. Bố mẹ lên lộ trình phải phụ thuộc vào năng lực của trẻ và cũng không nên dạy quá nhiều cho con. Nếu con có năng lực tư duy toán, phụ huynh cần khuyến khích, còn con kém, các kỹ năng chưa tốt, bố mẹ nên rèn luyện dần.
- Bố mẹ cũng không nên đánh đồng chung, so sánh con với các bạn vì mỗi đứa trẻ khác nhau và đứa trẻ tiềm năng là khi lớn lên mà nên phân bổ, sắp xếp thời gian biểu phù hợp cho con, giúp trẻ kích thích, hứng thú tiếp nhận kiến thức.
- Để tạo hứng thú học toán ở nhà cho con, bố mẹ có thể kể những câu chuyện phù hợp lứa tuổi và có cơ chế cho từng trẻ, khuyến khích chúng khám phá nhằm tạo hứng thú, phát triển hết tư duy.
- Bố mẹ hãy để con tự lực, tự chơi và tự giải quyết trong môi trường an toàn. Tính sáng tạo sẽ giúp con biết cách giải quyết.