Tôi đã phải trố mắt ngạc nhiên trước những chiêu dạy con của các bà mẹ Pháp.
Cuối tuần vừa rồi tôi dẫn Ken đến nhà cô bạn thân thời đại học của tôi chơi. Chúng tôi đều đã là mẹ, cô ấy có một cậu con trai gần 3 tuổi cũng rất đáng yêu tên Jim. Mỗi đứa trẻ lớn lên đều có một tính cách và những kiểu phát triển riêng nhưng chứng kiến cách Jim được dạy dỗ đã khiến tôi phải trố mắt ngạc nhiên và bạn tôi đã hé lộ một vài chiêu dạy con mà cô ý đọc được từ những nghiên cứu phương pháp của các bà mẹ Pháp.
Mẹ nói “KHÔNG” một cách tự tin và dứt khoát
Trưa hôm đó bạn tôi nấu món phở bò rất ngon mời tôi và để cả Ken con tôi và cả Jim con cô ấy có thể ăn được. Dù vậy Jim lại ngúng nguẩy và nhăn nhó “con muốn ăn cơm trứng” rồi không chịu vào bàn ăn ngồi. Bạn tôi lúc đầu không nói gì, chỉ lặng im sắp xếp bàn ăn và mời tôi với Ken ngồi.
Đến khi Jim lặp lại lần thứ 3 liên tiếp “con ăn cơm trứng” thì bạn tôi mới quay lại, nhìn thẳng vào mắt Kim, chỉ nói một tiếng duy nhất, dứt khoát và rõ ràng “Không”, sau đó cô ấy giữ một khoảng lặng vừa đủ rồi tiếp tục “con sẽ ăn phở cùng mẹ và mọi người”.
Nếu mẹ không dứt khoát với con, trẻ hiểu bé có thể thỏa thuận và được quyền làm theo ý mình. (Ảnh minh họa)
Thoạt tiên tôi nghĩ kiểu gì cũng chuẩn bị một màn nước mắt và lại dỗ dành đây, giống hệt cảnh ở nhà tôi phải dỗ Ken vậy. Nhưng vô cùng ngạc nhiên và trái với dự đoán của tôi, Jim ngoan ngoãn ngồi vào bàn ăn và chờ bát phở mẹ lấy.
Sau này cô ấy mới giải thích với tôi rằng trẻ con rất thông minh và biết cách phân loại yêu cầu của người lớn. Nếu mẹ không dứt khoát với con, trẻ hiểu bé có thể thỏa thuận và được quyền làm theo ý mình. Không cần phải gào thét, không cần phải lớn giọng, mẹ chỉ cần chậm rãi, bình tĩnh nhưng nói một cách dứt khoát để con hiểu người ra quyết định ở đây là mẹ chứ không phải là con. Chỉ cần một hai lần như vậy con sẽ hiểu giới hạn mong muốn của mình và tự điều chỉnh hành vi.
Con có thể tự chơi một mình
Cậu con trai Jim 3 tuổi của bạn tôi còn được mẹ rèn luyện kỹ năng tự chơi một mình. Đây cũng là một chiêu trong cách dạy con độc đáo của cha mẹ Pháp. Chơi một mình ở đây không có nghĩa là bé bị bỏ rơi, mà để bé hiểu không phải lúc nào bố mẹ cũng dành toàn thời gian cho mình. Trong lúc bạn tôi nấu cơm mà tôi và Ken chưa đến, Jim tự chơi đồ chơi một mình và hiểu cần để cho mẹ yên tĩnh để nấu bếp. Bé không đòi bế, không mè nheo, tự tha thẩn xếp hình và chơi rất ngoan. Thi thoảng có ngước lên nhìn mẹ, thấy mẹ vẫn ở đó là bé lại yên tâm chơi tiếp.
Tôn trọng thời gian riêng của bố mẹ
Ngoài những lúc chăm con cái và gia đình thì bạn tôi vẫn có thời gian riêng của cô ấy. Cô ấy không ép buộc mình trở thành một “ôsin cao cấp” của riêng con mình. Không phải lúc nào cũng kè kè bên cạnh con, lo cho con từng tí. Cô ấy dạy Jim hiểu rằng cô ấy cũng có không gian riêng và không muốn bị làm phiền.
Ban đầu Jim cũng khóc dữ dội lắm, cũng đòi mẹ, cũng muốn mẹ phải làm cho mình cái này, cái kia và hầu như chắc chắn 100% mẹ Việt nào khi thấy con đòi hỏi cũng sẽ đáp ứng để thỏa mãn con, để con không khóc.
Nhưng cô bạn tôi lại mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn với con. Những lúc như thế cô ấy chỉ nói đơn giản “mẹ có việc phải làm”, “con tự chơi đi”, “lát mẹ hết bận mẹ sẽ chơi cùng” và kết hợp với sự bình tĩnh, giọng đanh thép, dần dần Jim cũng biết cách lựa theo những yêu cầu của mẹ và không đòi hỏi nhiều rằng mẹ phải ở cạnh 24/24 nữa.
Học cách kiên nhẫn
Riêng có một đặc tính nổi trội hơn hẳn của Jim mà tôi thấy ở những bé khác còn thiếu, đó là Jim rất biết chờ đợi. Dù bé có đói thì khác hẳn với con tôi sẽ nhặng xị kêu ầm lên “mẹ ơi con đói, đói” thì Jim lại biết cách chờ đến bữa ăn, không mè nheo đòi ăn vặt trước. Hoặc khi cùng mẹ xếp hàng mua kem, bé cũng biết cách chờ đợi như một người lớn có ý thức. Mẹ của Jim bật mí đó cũng là một chiêu trong cách dạy con của cha mẹ Pháp.
Bố mẹ Pháp tập cho con thói quen biết chờ đợi, không phải lúc nào cái gì con muốn cũng đạt được ngay. (Ảnh minh họa)
Bố mẹ Pháp tập cho con thói quen biết chờ đợi, không phải lúc nào cái gì con muốn cũng đạt được ngay và phải theo trật tự, nề nếp. Trước bữa ăn chính không được ăn vặt, trước khi ngủ phải đánh răng, dần dần con sẽ hiểu cuộc sống là tập hợp bởi các quy tắc phải tuân theo. Không phải như nhiều cha mẹ Việt, con đói là cho ăn bất kể giờ giấc thế nào, lâu dần thành thói quen ăn vặt và trẻ không có cảm giác đói, ăn không còn ngon miệng. Đi đâu mua đồ gì cũng không xếp hàng, chen lấn, không biết chờ đợi đến lượt mình, lớn lên bé cũng sẽ hình thành tính bon chen, muốn mình phải được phục vụ trên hết.
Dạy con tính độc lập
Đây là một bước phát triển hơn của tính cách có thể tự chơi được một mình. Mẹ Jim thường để con tự làm những việc trong khả năng của mình như tự đi giày, dép, tự xúc ăn dù mới 3 tuổi và biết cách dọn đồ chơi. Không phải lúc nào cô ấy cũng đi theo con và làm mọi thứ cho con, phục vụ con vô điều kiện.
Không có đồ ăn đặc biệt
Giống như tôi đã kể ở trên, không bao giờ trong bữa ăn Jim có món khác với món mọi người cùng ăn. Không giống như Ken con tôi chỉ thích ăn thịt kho tàu, không ăn cá, nên khi cả nhà ăn cá, Ken không chịu ăn và hoặc tôi, hoặc mẹ chồng tôi sẽ lật đật chạy ra bếp, hì hụi tráng trứng cho Ken ăn bù. Dần dần con hình thành nên thói xấu rất ích kỷ, không ăn được nhiều món và quen được chiều chuộng thái quá.
Để con ăn khác món với cả nhà, dần dần con hình thành nên thói xấu rất ích kỷ, không ăn được nhiều món và quen được chiều chuộng thái quá. (Ảnh minh họa)
Không để con bị quá tải
Mẹ Jim chưa bao giờ đặt áp lực học hành hay quyết tâm phải trở thành một đứa bé giỏi giang lên con. Cô ấy chỉ cho tôi thấy rằng trẻ con mỗi bé có một tố chất và hướng phát triển riêng. Bố mẹ không phải là con cái nên không thể bắt con trở thành phiên bản mình mong muốn được. Hãy định hướng con theo tố chất riêng của con, đừng bắt ép con phải học nhiều, phải hoàn thiện bản thân quá sớm.
Ken nhà tôi so với các bạn cùng lớp thì không có khả năng ngoại ngữ mấy, cháu không tiếp thu được nhanh và có ham muốn học ngoại ngữ. Nhưng thay vào đó Ken lại thích các môn về nghệ thuật như vẽ hoặc nhảy.
Thay vì để Ken phát triển theo khả năng của con thì tôi và gia đình vẫn cứ bắt cháu phải học tiếng anh, và phải học giỏi. Tôi nhìn rõ được sai lầm đó trong cách dạy con nhưng tôi không sao thay đổi được vì dường như đó là phiên bản tôi muốn thấy ở con mình. Ngược lại với tôi, mẹ Jim để con tự phát triển theo sở trường của con và tôi nhìn thấy rõ Jim luôn cảm thấy hớn hở, vui vẻ với cuộc sống học tập của bé.