Trẻ bị sặc sữa, "thời điểm vàng cứu nguy" chỉ 5 phút, bố mẹ phải nằm lòng
Từ khi mang thai đến khi con chào đời và khôn lớn,các bậc làm cha mẹ luôn đặt yếu tố sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn của các con lên trên hết. Thế nhưng đối với những ai lần đầu tiên làm cha mẹ, vẫn luôn có những trường hợp nguy hiểm không thể ngờ tới trong quá trình chăm sóc con.
Trường hợp của chị Lý Ái ở Trung Quốc là một ví dụ. Đứa bé nhà chị Lý Ái ra đời trong tình trạng bị quấn cổ, vì vậy, chị luôn lo lắng và tìm hiểu những biến chứng có thể xảy ra với con. Mọi chuyện sau đó diễn ra suôn sẻ, đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.
Thế nhưng, vào buổi đêm trước hôm xuất viện, khi chị Ái đang cho con bú, đứa nhỏ bỗng dưng bị sặc sữa, mặt tím tái. Chị bối rối, tay chân luống cuống và chỉ biết nhìn y tá sơ cứu cho con mình. “Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, tôi cảm thấy tim mình như ngừng đập, và mất tận 2 phút để suy nghĩ có nên gọi bác sĩ hay không.” Cho đến khi đứa bé đã an toàn trên tay của cô y tá, bà mẹ trẻ vẫn chưa kịp hoàn hồn.
Vợ chồng chị đã tìm hiểu rất nhiều kiến thức nuôi dạy con khi còn mang thai nhưng vẫn còn sơ suất thông tin sơ cứu cho trẻ khi cho con bú. May mắn thay, cô y tá đã giúp đỡ, em bé đã hết nấc và đánh một giấc ngủ ngon.
Sặc sữa có dẫn đến tử vong?
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hoạt động co bóp của các cơ đường tiêu hóa đôi lúc không đồng bộ gây nên sự rối loạn nhu động ruột và trẻ bị ọc sữa. Ngoài ra, tâm vị trẻ không đóng kín, cơ vòng thực quản dưới không siết chặt làm cho sữa từ dạ dày trào lên thực quản. Nếu trẻ quấy khóc, vặn vẹo thân mình, rặn đi tiêu... sẽ làm tăng áp lực trong bụng và trẻ ọc sữa.
Thông thường khi trẻ bú, sẽ nuốt một lượng hơi vào trong dạ dày. Nếu cho bú không đúng cách, lượng hơi nuốt vào dạ dày nhiều, dạ dày chứa một lượng lớn vừa sữa vừa hơi, do đó trẻ dễ bị ọc sữa. Nếu khoảng cách các cữ bú quá ngắn, trẻ bú quá nhanh hoặc quá lâu, lượng sữa quá nhiều cũng gây nên ọc sữa.
Khi lượng chất nôn ra nhiều có thể khiến sặc vào đường hô hấp theo nhịp thở của bé. Đồng thời, một số phản xạ thần kinh còn yếu, cường độ ho chưa đủ mạnh để giúp bé ho ra phần sữa nghẹt.
Nếu không được phát hiện kịp thời, trường hợp nhẹ nhất có thể gây viêm phổi hít hoặc viêm tai giữa. Trường hợp nặng có thể dẫn đến ngạt thở do tắc nghẽn đường thở. Tế bào não của trẻ sơ sinh đặc biệt nhạy cảm với nhu cầu oxi. Nếu bị ngạt thở trong hơn 5 phút, khả năng tử vong sẽ rất cao.
Những lưu ý để phòng ngừa tình trạng sặc sữa
Hãy để trẻ ngủ nghiêng sau khi hết nấc
Để cho trẻ nằm ngay sau khi hút sữa xong, cùng lúc đó, bạn nên nâng phần trên của trẻ lên và tạo thành một góc nghiêng nhất định, tránh nằm ngang bụng hoặc cao hơn đầu.
Tránh cho ăn quá nhiều
Dạ dày của trẻ sơ sinh còn rất nhỏ và sẽ thay đổi dần khi lớn lên, do đó, dung tích dạ dày của trẻ chưa thể chứa được lượng sữa dư thừa. Vì vậy, không nên cho trẻ ăn quá no để tránh sữa bị trào ngược lên.
Thường xuyên kiểm tra kích thước núm vú nhân tạo
Cần kiểm tra kích thước lỗ núm vú cho phù hợp, tránh trường hợp quá nhỏ làm cho trẻ phải gắng sức khi bú. Ngược lại nếu lỗ núm vú quá to, sữa xuống quá nhiều làm trẻ nuốt không kịp, trẻ dễ bị sặc, ói khi bú.
Tốt nhất nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp, không nên bú sữa mẹ qua bình.
Thời gian trẻ bú mẹ trực tiếp vừa đủ để dạ dày trẻ giãn ra đúng mức, giúp dạ dày đủ chứa lượng sữa bú vào. Khi trẻ bú mẹ trực tiếp, sữa trong vú mẹ không tự động chảy vào miệng trẻ liên tục mà sữa chỉ vào miệng trẻ khi trẻ có động tác mút vú. Vì vậy, trẻ nuốt sữa dễ dàng hơn và ít bị rối loạn nhu động thực quản
Tư thế bú
Không cho trẻ bú khi nằm. Cần bế trẻ khi cho bú, đầu vai hơi cao, tránh gập cổ khi bú. Sau khi cho trẻ bú xong, bế trẻ theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi. Sau đó, nhẹ nhàng đặt trẻ nằm, kê gối hơi cao dưới vai, đầu tránh gập cổ, gập bụng.
Chú ý đến những bà mẹ có dòng sữa nhanh
Một số bà mẹ có nhiều sữa nên tốc độ sữa chảy ra tương đối nhanh khiến trẻ dễ bị sặc. Vì vậy, mẹ nên lắng nghe âm thanh trẻ nuốt, đồng thời, quan sát xem trẻ có nuốt quá muộn hay chảy sữa ra khóe miệng hay không. Nếu có, mẹ có thể dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ để chặn bầu vú và kiểm soát tốc độ chạy của sữa.
Sơ cứu thế nào khi con bị sặc sữa?
Biểu hiện khi con bị sặc sữa: Trẻ đang bú hoặc nằm (sau ăn) bỗng ho, tím tái, da xanh xao, toàn thân co giật, nhịp thở không đều. Sữa trào ra bằng đường miệng hoặc mũi của trẻ, có thể có bọt và máu. Nhiều trường hợp, trẻ không thở hay quấy khóc được.
Do não bộ của trẻ rất nhạy cảm với oxi nên thời gian sơ cứu tốt nhất là trong vòng 5 phút.
Vỗ lưng: Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp và đỡ đầu trẻ nghiêng mặt. Vỗ liên tục đủ mạnh vào vùng giữa 2 bả vai của trẻ theo hướng xuống dưới và ra trước. Kiểm tra xem bé đã khá hơn chưa, nếu bé chưa hồi phục, tiến hành ấn ngực.
Ấn ngực: Giữ trẻ ở tư thế ngửa, dùng 2 ngón tay ấn vuông góc xuống ⅓ dưới xương ức. Tốc độ ấn 1 lần/1 giây, ấn dứt khoát 5 lần liên tiếp nhau.
Thông thoáng đường thở bằng cách hút mũi miệng: Trong khi vỗ lưng, ấn ngực, người sơ cứu cũng cần làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Dùng dụng cụ hút hoặc miệng để hút mũi, miệng cho trẻ. Nếu lồng ngực của em bé được nâng lên, hãy ngừng thổi và thực hiện thêm một lần thổi sau đó khi lồng ngực trở lại trạng thái đầu.
Tiếp tục đánh giá dấu hiệu hồi phục của trẻ và thực hiện các bước trên nếu chưa có dấu hiệu khả quan.