Trẻ đi sớm sẽ nói muộn, thật không?

Ngày 19/07/2013 14:07 PM (GMT+7)

Liệu câu nói " Đi sớm thì nói muộn" là dân gian hay khoa học?

Hầu như tất cả mọi người khi gặp một bà mẹ nuôi con đều có chung một câu hỏi “Cháu mấy tháng rồi? Đã biết lẫy/ trườn/ bò/ đi/ nói…chưa?”. Họ luôn muốn đảm bảo rằng con của bạn phát triển bình thường. Khi bé bắt đầu có những dấu mốc quan trọng trong năm đầu đời như ngồi, đi và biết sử dụng những từ đơn giản, mẹ thường hay phải nghe một câu nói cửa miêng lặp đi lặp lại: “Đi sớm thì nói muộn”... hay “nói sớm thế này thì lại chậm đi”. Liệu dân gian có đúng? Những câu nói trên là “truyền thuyết” hay có cơ sở khoa học nào không?

Con gái của tôi – bé Cún, hiện đã được 4 tuổi rưỡi, khỏe mạnh và lên cân đầy đủ. Cún là ví dụ điển hình cho việc phát triển không đồng đều này. Mười lăm tháng, con vẫn chưa hoàn toàn tìm ra cách đi mà không cần bám vịn ... nhưng đã biết nói đầy đủ một câu khá dài. Trong khi đó, người hàng xóm của chúng tôi bên kia đường có một người con trai đã đi từ tám tháng tuổi, đến 14 tháng thì chạy nhanh không ai cản nổi nhưng chỉ biết bập bẹ nói ba hoặc bốn từ đơn giản.

Trẻ đi sớm sẽ nói muộn, thật không? - 1
Liệu biết đi sớm bé có chậm nói (ảnh minh họa)

Theo bác sĩ nhi khoa của con gái tôi, việc phát triển không đồng đều của khả năng nói và đi là khá phổ biến. Có thể giải thích như thế này: hầu như những trẻ dành nhiều thời gian để học các kỹ năng về thể chất thì sẽ  ít có khả năng tập trung vào các kỹ năng xã hội và lời nói,. Ngược lại, trẻ nào ưa thích việc học nói chuyện, hóng hớt giao tiếp có thể không quan tâm nhiều đến việc đi lại, khám phá. Việc phát triển không đồng đều này được coi là khá bình thường nếu khoảng cách thời gian giữa lúc biết nói và biết đi không cách nhau quá xa. Ví dụ, một đứa trẻ biết đi sớm hơn một tháng so với trung bình có thể nói được 1,2 từ chậm hơn một tháng so với mức trung bình. Những trẻ như vậy vẫn sẽ nằm trong phổ rộng các mốc phát triển bình thường.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, nếu khoảng cách giữa thời điểm trẻ biết nói và biết đi là quá xa, mẹ cũng nên cân nhắc đến việc đưa con đi khám để áp dụng một số biện pháp can thiệp. Nếu con bạn đã có thể đi nhoay nhoáy từ 9 tháng nhưng mãi đến hơn 20 tháng vẫn chưa nói được, đó cỏ thể là một dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn. Bất kể bé đã nói, đã hát giỏi ra sao, nếu 16 tháng con bạn vẫn không biết đi, bạn sẽ cần phải liên hệ với bác sĩ nhi khoa

Một số lý do cho sự phát triển không đồng đều ở trẻ chỉ đơn giản là bởi bé có năng khiếu đặc biệt với việc nói (đi) mà quên chú tâm vào kỹ năng còn lại. Tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng, con của bạn có thể đang mắc phải một vấn đề nào đó về sức khỏe chưa được chuẩn đoán.  Tự kỷ, khiếm thính, các vấn đề tầm nhìn, rối loạn xử lý cảm giác, bệnh thần kinh, teo cơ và nhiều bệnh lý khác có thể gián tiếp làm trẻ phát triển mất cân đối. Chẩn đoán sớm là vô cùng quan trọng cho trẻ em trong trường hợp này. Nếu thấy bé có những biểu hiện sau, mẹ cần đặc biệt lưu ý đưa con đi khám:

7 tháng:

-       Không lăn và lẫy được cả hai bên trái phải.

-       Không thể ngồi với sự giúp đỡ (6 tháng) hoặc khi ngồi đầu vần không cứng

1 tuổi:

-       Chưa biết bò

-       Không thể đứng thẳng chân dù đã có trợ giúp (bám vào thành giường hay mẹ đỡ xốc nách).

-       Khi mẹ đưa đồ ra trước mắt bé rồi giấu đi, bé không có ý định tìm.

-       Không nói được một từ đơn nào.

18 tháng:

-       Chưa biết đi

24 tháng:

-       Chưa biết nói ít nhất 15 từ

-       Không nói được một câu ngắn (gồm 2-3 từ như: mẹ ơi, con đói, buồn ngủ, buồn ị…)

-       Không biết bắt chước hành động hay lời nói của người lớn.

Bình Hoa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé