Tips hay bất ngờ dạy bé nói 'thành thần'

Ngày 13/07/2013 11:51 AM (GMT+7)

Nắm bắt những phương pháp dạy khoa học có thể giúp bé biết nói ngay khi 1 tuổi.

Tôi và chồng đã có đến hàng tháng trời mong mỏi con cất tiếng nói đầu tiên. Chúng tôi ghét sự im lặng và luôn chờ đợi giây phút con yêu cất tiếng, cố tưởng tượng ra giọng nói của con sẽ như thế nào, con sẽ nói câu gì đầu tiên. 3 tháng thấy con hay hò hét những âm thanh vô nghĩa, chúng tôi háo hức. 6 tháng, con bắt đầu ê a những từ “bà bà; mẹ mẹ; măm măm…” đầu tiên, chúng tôi vui mừng. Cho đến bây giờ mới hơn 1 tuổi, con đã có thể líu lo chuyện trò cùng bố m,ẹ ông bà. Tôi hài lòng lắm.

Rất nhiều cha mẹ lo lắng và băn khoăn khi thấy con cái mình mãi đến 2 tuổi mới biết nói thực sự. Thực tế, việc giúp trẻ làm quen và làm chủ ngôn ngữ không khó như chúng ta nghĩ và hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Việc “học nói” của trẻ sơ sinh không phải là mẹ nói và yêu cầu bé lặp lại. Nó là cả một quá trình giao tiếp ngôn ngữ liên tục trong một môi trường, nó cần sự lặp đi lặp lại và cần cả niềm vui nữa.

Nói cách khác, để con nhanh biết nói, mẹ cần liên tục chuyện trò với bé và đảm bảo rằng con cảm thấy vui vẻ, hứng thú khi nghe mẹ nói chuyện. Tôi xin kể ra đây những phương pháp dạy con nhanh tập nói của bản thân.  

Tips hay bất ngờ dạy bé nói #039;thành thần#039; - 1
Dạy con nói sớm không khó (ảnh minh họa)

Hãy bắt đầu nói chuyện với con ngay từ bây giờ

Không bao giờ là quá sớm đề trò chuyện với con. Ngay khi con mới sinh ra, tôi và chồng đã bắt đầu trò chuyện với bé. Thậm chí chúng tôi còn mua cho con những cuốn sách vải in chữ cái để khuyến khích bé tăng tình yêu với ngôn ngữ. Đừng lo trẻ nhỏ không hiểu gì mà nghĩ rằng ta đang “tốn nước bọt vô ích”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em thực tế đã bắt đầu biết lắng nghe và tiếp xúc với ngôn ngữ thô sơ từ khi còn đang trong bào thai. Sau khi sinh, không phải kỹ năng nói của trẻ sẽ phát huy ngay lập tức. Tuy nhiên, não bộ của trẻ cũng đang bắt đầu hình thành những liên kết đầu tiên. Trẻ sơ sinh thường mất vài tuần để đồng hóa những ngôn ngữ mà bố mẹ nói với chúng hàng ngày. Quá trình này diễn ra âm thầm, do đó chúng ta thường không thể nhận biết được. Ngay từ ngày đầu trẻ được nghe thông tin, não bộ sẽ tính toán các tần số của những gì nghe được và tìm ra cách phân tách các từ, cụm từ và câu phù hợp với nhau. Vì vậy, mẹ càng nói chuyện với trẻ sớm, con sẽ càng có cơ hội tiếp xúc sớm với ngôn ngữ.

Nói nhiều và thường xuyên lặp lại.

Thực tế cho thấy, cứ thêm một lần trẻ được nghe từ, con sẽ càng ghi nhớ tốt hơn. Tôi và chồng quả thật đã thử nhiều phương pháp và nhận ra rằng con học nói nhanh nhất thông qua việc lặp đi lặp lại. Một lần khi đang cùng con ngồi taxi về nhà ngoại, chúng tôi gặp tắc đường. Ngay lập tức, tôi nghe thấy cô con gái nhỏ của mình dài giọng rất ngộ nghĩnh “Lại tắc”. Tôi biết mình đã thành công.

Nếu mẹ thắc mắc rằng không biết nói gì với trẻ. Tôi có thể gợi ý rằng tôi thường kể cho con nghe cảm xúc của mình, những suy nghĩ, những câu chuyện hàng ngày tôi gặp phải như hôm nay đi chợ tôi đã mua những món gì, những luống cải tôi trồng cho con trên sân thượng hôm nay như thế nào… Khi thay tã cho con, tôi sẽ vừa thay vừa mô tả cho bé mình đang làm gì. Lúc tắm cho con, cho con ăn, dọn dẹp nhà cửa…tôi đều miêu tả cho bé nghe. Và điều đó thực sự hữu ích. Con luôn chăm chú lắng nghe tôi nói, nhìn vào khuôn miệng và đôi mắt của tôi.

Yêu cầu trẻ trả lời và nói chuyện lại với mình

Nên nhớ, việc học nói không chỉ thông qua quá trình lắng nghe âm mà còn phải được trẻ vận dụng lại để trò chuyện với bố mẹ. Khi trẻ bắt đầu biết hiểu những gì mẹ nói, đừng vội nghĩ rằng mình đã thành công và quay sang tập trung vào máy tính, tivi hay facebook. Hãy yêu cầu sự tương tác, yêu cầu trẻ nói và đáp ứng lại những câu nói của mẹ.

Ví dụ như mỗi buổi sáng. Thay vì nói với con “Hôm nay Chít ăn phở nhé!”, tôi sẽ thay bằng “Chít thích ăn gì sáng nay?”. Hoặc khi nhìn vào một bức tranh con vẽ, tôi không nói “Đẹp lắm” mà nói “Con tả mẹ nghe con vẽ gì nào”. Hãy bình tĩnh và kiên nhẫn đợi trẻ suy nghĩ... con sẽ tìm được từ và đáp trả chúng ta. Mẹ cần đưa ra những câu nói yêu cầu trẻ phải đáp lời chứ đừng đơn giản chỉ là gật hoặc lắc đầu.

Sử dụng những bài hát

Học mà vui thì bé nào cũng muốn học mãi. Điều này hẳn các mẹ điều biết. Âm nhạc chắc chắn sẽ khiến con vui vẻ. Tuy nhiên, mẹ đừng bật nhạc cho con nghe để vui. Nghe nhạc, radio hay tivi quá nhiều sẽ khiến trẻ không còn chú ý vào giọng nói của mẹ nữa. Tiếng người vẫn hơn tiếng máy. Hãy hát cho con nghe, dạy con những bài hát và cùng chơi trò hát nối với con.

Tôi thường cùng con gái mình song ca những bài hát. Như khi tôi bắt nhịp “Kìa chú là chú…” bé sẽ ngay lập tức hưởng ứng “ếch con có hai là hai mắt tròn”. Hãy làm sao cho không khí gia đình luôn ngập tràn những câu nói, những giai điệu vui vẻ. Bé sẽ nhanh chóng nói năng lưu loát.

Mặc dù sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở mỗi bé là khác nhau, ta vẫn có những khoảng giai đoạn chung như sau:

0 - 4 tháng tuổi: Chủ yếu là tiếng gù gù và ríu rít âm thanh, trẻ em bắt chước những âm thanh nhất định và đặc biệt quan tâm đến tần suất và âm lượng trong giọng nói của mẹ.

4 - 7 tháng tuổi: Bé bập bẹ những âm thanh như B, D và M. Ta có thể nghe thành “mừm mừm; ba ba, ma ma…”

7-12 tháng tuổi: Âm thanh đa dạng hóa, lời nói có ý thức đầu tiên của trẻ sẽ xuất hiện trong giao đoạn này.

12-18 tháng tuổi: Từ vựng phát triển theo cấp số nhân, kết hợp nhiều chữ.

18-30 tháng tuổi: Cụm từ nhỏ, câu và tiến tới nói lưu loát.

Bình Hoa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé