Nhiều cha mẹ thường nhầm tưởng giữa tình trạng béo phì và suy dinh dưỡng của trẻ nhỏ. Cùng xem nguyên tắc khoa học để xác định nhé!
Thế nào được coi là trẻ suy dinh dưỡng?
Biểu hiện đầu tiên của trẻ suy dinh dưỡng là tình trạng gầy ốm quá mức tiêu chuẩn. Trẻ vẫn chơi, vẫn ăn nhưng có biểu hiện suy dinh dưỡng bằng việc đứng cân hoặc sụt cân.
Một số dấu hiệu khác như rụng tóc, cảm xúc lãnh đạm, suy giảm các mô cơ và sạm da. Ăn kém, hay bị rối loạn tiêu hoá: đi ngoài phân sống hoặc tiêu chảy. Cơ thể bé dễ bị phù hoặc teo đét, có thể xuất hiện biểu hiện của thiếu vitamin A gây quáng gà, khô giác mạc đến loét giác mạc.
Nếu không được phát hiện kịp thời, trẻ sẽ hết hồng hào, lớp mỡ dưới da giảm, bắp thịt nhão teo dần làm cho trẻ chậm phát triển về vận động. Thấp còi cũng là dấu hiệu của suy dinh dưỡng dẫn đến tốc độ chậm tăng trưởng của trẻ chậm hơn so bạn đồng lứa.
Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên quan tâm những chỉ số sau đây để dễ dàng nhận biết trẻ nhà mình có bị suy dinh dưỡng hay không:
Cân nặng bình thường của trẻ dưới 1 tuổi được tính như sau:
- Trẻ sơ sinh đẻ ra đủ cân là cân nặng lúc sinh khoảng từ 2,5 đến 3,2 kg.
- 06 tháng đầu cân nặng tăng trung bình mỗi tháng là 700g, cân nặng lúc trẻ được 3 hoặc 4 tháng tăng gấp đôi so với lúc đẻ.
- Trong 06 tháng tiếp theo, cân nặng tăng chậm hơn, mỗi tháng tăng khoảng 300g/ tháng
- Cân nặng trẻ được 12 tháng tăng gấp 3 lần so với lúc đẻ trở lên.
Muốn biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không, các bà mẹ cần phải theo dõi trẻ cân nặng thường xuyên theo biểu đồ phát triển cân nặng, chiều cao của trẻ. Nếu thấy 2, 3 tháng mà trẻ không lên cân cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân.
Mẹ cần làm gì khi trẻ bị suy dinh dưỡng
Với suy dinh dưỡng ở cấp độ nhẹ (Trọng lượng chỉ còn 75% - 90% so với tuổi): Mẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn và chăm sóc cho trẻ.
Với suy dinh dưỡng nặng hơn, trẻ cần phải điều trị tại bệnh viện.
Thế nào được coi là trẻ mắc chứng béo phì?
Dấu hiệu trẻ thừa cân béo phì
- Trẻ rất thèm ăn và ăn rất nhiều, thích ăn đồ ngọt, đồ dầu mỡ và thường có thói quen ăn uống không lành mạnh. Không chịu ăn rau, chỉ thích ăn thịt.
- Bé tăng cân nhiều mỗi tháng và liên tục.
- Nhìn, sờ: mặt tròn, má phính sệ, cằm có ngấn mỡ, bụng phệ, có nhiều ngấn mỡ, dùng tay véo da lên thấy lớp mỡ dưới da dày,... Trẻ béo phì hay buồn ngủ, mau mệt, đổ mồ hôi khi vận động...
Làm thế nào để xác định tình trạng béo phì của trẻ?
Công thức tính của BMI là: BMI = cân nặng / (chiều cao)2
Trẻ có BMI > 85th thì được xác định là béo phì.
Ở Việt Nam, trong gần hai thập niên qua, tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ em, nhất là lứa tuổi 6-11 đang có xu hướng tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế nhất là các thành phố lớn và các đô thị. Béo phì là một mối đe dọa cho sức khỏe tương lai của các con. Béo phì không chỉ đơn giản là ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật của trẻ.
Mẹ cần làm gì khi trẻ béo phì?
- Khống chế ăn uống: Đảm bảo trong bữa ǎn có đủ 4 món cân đối. Ngoài cơm (cung cấp nǎng lượng), cần có đủ 3 món là: rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo) và canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ǎn ngon miệng.
- Tăng cường vận động cho trẻ: Mỗi ngày nên có chế độ rèn luyện cơ thể cho trẻ béo phì, bắt đầu từ những bài tập nhỏ rồi tăng dần lên. Ví dụ sau bữa ăn khoảng một giờ, bạn có thể cho trẻ đi bộ hoặc đi cầu thang, nhảy dây, đánh cầu, bơi lội khoảng 30 phút.
>> Xem ngay: Chuẩn cân nặng từng tháng cho trẻ sơ sinh đến 5 tuổi theo WHO 2016 nhà nhà cần biết