Theo BS Phạm Ngọc Thạch (Khoa Niệu, BV Nhi đồng 2), trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống nước lọc.
Độc giả Nguyễn Ngọc Lan kể về sự tận tình của mẹ chồng trong việc cho trẻ uống nước: “Mẹ chồng em luôn dặn dò em phải cho Na uống bổ sung thật nhiều nước lọc. Cho cháu ăn sữa ngoài, bà không quên bồi thêm cốc nhỏ nước lọc ấm cho khỏi cặn đóng tưa lưỡi. Em để con bú xong, bà cũng nhắc nhở cho Na đôi ba thìa nước cho đỡ chua miệng. Ngoài ra, sáng và tối, bà đều cho Na uống chút nước coi như "đánh răng mỗi ngày". Không biết có phải vì hay uống nước lọc không nhưng Na nhà em miệng rất thơm tho, lưỡi sạch và đặc biệt bé chưa từng bị bón lần nào”.
Tuy nhiên, cuối tuần rồi có cô bạn qua chơi, thấy như vậy nên can ngăn: "Muốn con ngộ độc hay sao mà cho uống nước lọc?".
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Chuyên khoa Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho hay: “Với trẻ 2 tháng tuổi như độc giả nói thì nhu cầu của bé chủ yếu vẫn là sữa, không phải là nước lọc. Dưới 6 tháng tuổi, bé chỉ cần uống sữa, không cần uống nước lọc để tráng miệng và cũng không phải vì hại thận mà là không cần thiết”.
Theo bác sĩ Thạch, việc uống nước lọc sẽ khiến bé bị no và không chịu uống sữa sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận các chất dinh dưỡng từ sữa.
“Với trẻ trên 6 tháng thì ngoài chuyện uống sữa, còn ăn dặm thêm cháo nên uống nước lọc là cần thiết. Có thể cho trẻ uống một vài thìa sau khi ăn. Khi trẻ đã dứt sữa dù là 6 tháng – 1 tuổi thì ngoài ăn dặm vẫn cần bổ sung nước lọc. Còn nếu trẻ 2-3 tuổi mà chưa dứt sữa thì nước lọc chỉ thêm và bổ sung thôi, vì nước vẫn được đưa vào cơ thể thông qua sữa”, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh.
Để đảm bảo hệ bài tiết, đường tiết niệu hoạt động tốt, không bị viêm nhiễm, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đưa ra lời khuyên, các phụ huynh cần vệ sinh bộ phận sinh dục của bé khi tắm. Đặc biệt, khi thấy trẻ đi tiểu lắt nhắt hay đau, tiểu nhiều lần thì cần đưa đi khám chuyên khoa tiết niệu, tiến hành siêu âm xem xét đang mắc phải bệnh gì.
Nếu miệng bé bị bẩn thì có thể vệ sinh bằng cách dùng gạc hoặc khăn. Theo một số bác sĩ khác, về vấn đề ngộ độc nước có thể xảy ra là do chất lượng nước không sạch hoặc dụng cụ uống không được vệ sinh kỹ càng. Ngoài ra, trong một số trường hợp như bé bị tiêu chảy mất nước, bé bị sốt, bị nôn hay thời tiết quá nóng nực cũng nên bổ sung nước.