Đọc những dòng phán xét “phần lớn những bé bị ép ăn đều chậm chạp” trên mạng, tôi lại khẽ mỉm cười nhìn sang con mình, cậu bé ai gặp cũng khen là thông minh, nhanh nhẹn. Con tôi đấy – cậu bé tôi từng phải bế đi rong khắp xóm để cho ăn.
Giống như cả triệu bà mẹ khác, khi bắt đầu hành trình nuôi con, tôi cũng đọc, cũng nghiên cứu đủ mọi loại phương pháp từ cách nuôi đến cách dạy. Nhưng rồi nhìn con của ngày hôm nay, sau 4 năm làm mẹ, tôi nhận ra rằng, không có công thức cũng như quy chuẩn nào có thể áp dụng cho mọi đứa trẻ. Bản năng làm mẹ sẽ cho bạn thấy điều gì là đúng và hợp nhất với con mình.
Chiều qua, khi tình cờ đọc được những tâm sự của một mẹ trên mạng xã hội nói về việc cho con ăn rong là một "phương pháp phi khoa học" và một bà mẹ giỏi là một bà mẹ sẽ khiến con mình phân biệt được việc ăn, việc chơi… tôi thực sự thấy chạnh lòng. Tôi muốn kể câu chuyện của mình và tôi tin, đó cũng là câu chuyện của nhiều bà mẹ khác giống như tôi. Rằng, trong hành trình làm mẹ, không có “mẫu số chung”. Và nếu không ở địa vị, hoàn cảnh của người khác, bạn sẽ chẳng thể nào hiểu được.
Cho con tự ăn... bé lả đi vì đói
Con trai tôi rất hiếu động, cháu mải chơi đến độ quên ăn. Những ngày đầu tôi cũng áp dụng các phương pháp khoa học như nhiều người từng nói: cho con ngồi vào bàn ăn và để con tự chọn những thứ mà mình thích. Nhưng kết quả là, con bỏ đó, lao ra chơi và mặc kệ đống thức ăn. Con mê mải và bị cuốn vào những thứ hấp dẫn xung quanh mình. Nếu tôi bắt bé quay trở lại, ngồi yên một chỗ cho đến hết bữa ăn, bé sẽ khóc ngặt đi vì bị kìm hãm.
Con tôi thường khóc ngặt đi khi mỗi lần phải ngồi vào bàn ăn. (Ảnh minh họa)
Tôi kiên trì áp dụng, nếu con không ăn tôi cũng không ép. Rồi sao? Hậu quả là con tôi đói đến lả đi, phải vào viện, đơn giản chỉ vì cả tuần trời, cháu không nạp đủ lượng calo cần thiết cho cơ thể trong khi các hoạt động vui chơi của cháu lại quá nhiều. Nguyên nhân là bởi tôi đã để cho con có quyền… tự quyết trong ăn uống ở cái tuổi mà cháu còn chưa nhận thức được.
Nhiều lúc, con tôi như muốn nổi khùng và càng phản kháng dữ dội với việc ăn. Bé chống đối để được thoát ra ngoài. Với bản tính ham chơi như con tôi, chắc chắn việc ngồi một chỗ đó chẳng khác nào cực hình. Mà con còn quá nhỏ để nhận thức, "Con thích thì con chơi thôi" chẳng nghĩ gì đến ăn.
Ngày 3 buổi bưng bát cho con ăn rong... bé khỏe mạnh, béo tốt
Bất lực khi mọi phương pháp áp dụng đều không hiệu quả, tôi buộc lòng phải thay đổi và nhận ra không thể áp dụng mọi công thức, mọi lý thuyết lên tất cả đứa trẻ. Tôi bắt đầu bưng bát, chạy theo con. Con lao vào khám phá các thứ hấp dẫn xung quanh mình. Công việc của tôi là không cấm cản mà hỗ trợ, tiếp thêm nhiên liệu cho con để con thỏa sức vui đùa.
Ở khu tôi sống, chẳng ai còn lạ gì cảnh ngày 3 buổi tôi bưng bát cơm chạy theo con. Bù lại, con tôi ăn ngon miệng hơn, hào hứng vì được nghịch cái này, cái kia… hỏi cái gì con cũng biết và rất hăng say khám phá những thứ mới mẻ xung quanh mình.
Con tôi thoải mái khám phá mọi thứ xung quanh mà vẫn được mẹ bổ sung năng lượng. (Ảnh minh họa)
Tôi nhìn thấy được niềm vui trong đôi mắt của con khi được thoải mái chạy tới nô đùa và tìm hiểu những thứ mà bé muốn. Và con vẫn có đủ năng lượng để thực hiện tất cả những điều đó nhờ việc ngày ngày tôi phải bưng bát cơm đi theo đút cho con ăn. Hơn ai hết tôi thấy được sự khác biệt so với việc ép con ngồi một chỗ ăn xong bữa.
Tôi không nghĩ việc con vừa ăn, vừa chơi còn là một… cái máy. Một cái máy mà lại cười toét miệng khi khám phá ra một thứ hay ho, một cái máy mà lại vui vẻ và thích thú khi thỏa sức vui chơi?
Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng việc cho con ăn là vì vấn đề cân nặng. Chúng tôi cũng hiểu "nuôi con chứ không phải nuôi lợn" mà cần vỗ béo cho được giá. Chúng tôi không vì lời chê bai con còi của người khác mà tìm mọi cách tống vào miệng con thức ăn. Tự chúng tôi biết con mình đang ăn quá ít so với nhu cầu của cơ thể và cần phải giúp con. Tôi và những người mẹ có con lười ăn, ham chơi chỉ hiểu một điều rằng, cơ thể con người mỗi ngày cần phải nạp đủ năng lượng để đáp ứng được các hoạt động trong ngày. Và nếu con quá ham chơi mà bỏ ăn, thì cần phải hỗ trợ con.
Thực ra tôi cũng chẳng ca ngợi cách nuôi con của mình là ưu việt. Ai chẳng muốn con mình ăn ngoan, ngồi ăn một mạch rồi đứng dậy. Nhưng mỗi bé có một tính cách khác nhau, cũng giống như chính người lớn chúng ta vậy. Kể từ khi làm mẹ, mục đích duy nhất mà chúng tôi hướng đến là vì con mình chứ không phải cái danh hiệu mẹ giỏi! Thế nên qua quan sát con, hiểu con mình, cứ thế mà nuôi thôi, cứ làm cái gì tốt nhất, hợp nhất cho con mình thì làm…
Hiện tại, con tôi 4 tuổi. Cháu rất hiểu chuyện và nghe lời mẹ, những bữa ăn không còn phải đi rong như trước nữa. Cháu có thể lực và cân nặng ổn định. Còn về sự hoạt bát, nhanh nhẹn, thông minh, không phải tôi khen con mình mà tự những người hàng xóm, cô giáo của cháu đánh giá như vậy…
Tôi kể câu chuyện của mình không phải để vỗ ngực tự hào tôi nuôi con giỏi. Tôi chỉ muốn nói, mỗi người có một phương pháp và hãy cứ an yên với cách nuôi con của mình. Giống như mọi chuyện trên cuộc đời này, không ở vào hoàn cảnh của người khác, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Vì thế, đừng phán xét, đừng chê bai, cũng đừng dạy người khác phải làm gì với con của họ.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân)
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia uy tín. Những thắc mắc của quý độc giả về Sức khỏe trẻ em sẽ được các chuyên gia giải đáp vào 15h30 thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần trên chuyên mục Làm mẹ - Eva.vn. |