Vợ chồng "cất bằng thạc sĩ" mở quán chè nuôi con bệnh hiếm sau gần 2 năm, giờ thế nào?

Ngày 30/05/2019 12:43 PM (GMT+7)

Sau 2 năm kể từ khi biết con trai út - bé Thạc, mắc bệnh não mịn, anh Quang chị Nhi đã tạo lập được cuộc sống bình yên, thoải mái cả về tinh thần lẫn kinh tế.

(Clip: Chị Nhi chia sẻ lý do nghỉ việc ở nhà chăm con, không muốn nhận tiền ủng hộ)

Trên đường tìm đến để gặp lại gia đình siêu nhân - chị Lương Thị Nhi (29 tuổi), anh Lê Văn Quang (32 tuổi) ở Bình Thạnh, TP.HCM, có con Lê Quang Thạc (3 tuổi) mắc bệnh Lissencephaly sau gần 2 năm, tôi chưa hình dung được cuộc sống của anh chị hiện đang như thế nào. Tuy nhiên, ngay lúc bước vào quán chè Mẹ Siêu Nhân, tôi thực sự bị bất ngờ bởi anh Quang chị Nhi đã tạo lập được một cuộc sống bình yên, thoải mái cả về tinh thần lẫn kinh tế.

Vợ chồng amp;#34;cất bằng thạc sĩamp;#34; mở quán chè nuôi con bệnh hiếm sau gần 2 năm, giờ thế nào? - 1

Gia đình anh Quang chị Nhi lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.

Giữa không gian sạch sẽ, đầy đồ chơi và líu ríu tiếng con nít của bé Thiện, bé Thạc cùng các bạn nhỏ nhà hàng xóm, anh chị kể tôi nghe về mấy trăm ngày đã qua. Giai đoạn khó khăn nhất chỉ còn là ký ức, đến thời điểm hiện tại, khi nhớ lại những tháng ngày mệt mỏi, bất an, lo lắng lúc mới biết con bệnh không chữa được, khi tài chính cả nhà trông vào một mình anh Quang, khi quán chè mới mở… chị Nhi cảm khái: “Chẳng biết sao lúc ấy lại qua được, nhưng rồi tất cả ổn dần”.

Giờ đây, nhìn vào gia đình siêu nhân, khó nhận rõ mất mát mà chỉ hiển hiện những cái họ đã đạt được bằng nỗ lực của mình. Họ có một công việc kinh doanh thành công, đủ tiền lo mọi việc. Quán chè đông khách, lại thêm kênh bán hàng online cũng khá, “có khách đến 3 ngày liên tiếp không được ăn chè vì toàn hết sớm”. Hai vợ chồng có thời gian cả ngày bên cạnh, theo dõi từng bước lớn lên của các con. Và nếu hứng, cả nhà liền xách ba lô và đi du lịch lúc nào cũng được. Mấy ai có cuộc sống như anh chị?

Vợ chồng amp;#34;cất bằng thạc sĩamp;#34; mở quán chè nuôi con bệnh hiếm sau gần 2 năm, giờ thế nào? - 2

Quán chè của gia đình chị Nhi lúc nào cũng tấp nập người mua.

Với những gì đang hiện hữu, chị Nhi khẳng định “quyết định lúc trước của mình là chính xác”. Anh chị tỏ ra hài lòng với guồng quay cuộc sống vui vẻ hiện tại. Sáng sáng, hai vợ chồng nấu chè, “mọi việc phải xong trước khi con dậy. Con dậy rồi thì làm thêm việc khác và kéo con vào tham gia với mình”. Chiều, tầm 3 giờ, cả nhà dắt nhau ra quán, nay đã có nhân viên, nên anh chị có thể tập trung chơi với con. Hầu như không có giây phút nào anh chị rời xa khỏi hai con, đặc biệt là bé Thạc.

Vợ chồng amp;#34;cất bằng thạc sĩamp;#34; mở quán chè nuôi con bệnh hiếm sau gần 2 năm, giờ thế nào? - 3

Hầu như không lúc nào anh Quang chị Nhi rời mắt khỏi con

Mỗi lần kể về cậu út, trong mắt đôi vợ chồng này ngập tràn sự tự hào. Họ hồ hởi kể về những “thành tích” của con trai. “Thạc biết hết mấy từ này nè”, “Thạc nói được mấy câu đơn”, “Thạc đi được mấy bước rồi”, “Thạc ngồi được thẳng lưng rồi…”.

Anh Quang khoe mấy bữa nay đang mời gia sư ngữ âm trị liệu đến nhà luyện cho Thạc. Cũng như lúc vật lý trị liệu, Thạc học là cả nhà học theo. Bố mẹ bắt chước cô giáo rồi dạy trực tiếp Thạc hoặc bày cho Thiện làm mẫu để Thạc làm theo vì em út rất nghe lời anh hai. Những bài tập ấy Thạc làm tốt hơn mong đợi.

Chị Nhi mừng bởi con hoạt bát hơn, dạn dĩ hơn xưa rất nhiều. Ngoài ra, tần suất những cơn co gồng của bé cũng giảm đáng kể. “Thạc chậm hơn các bạn nhưng chậm thì từ từ sẽ biết, mà có những cái con học nhanh lắm chứ không phải cái gì cũng chậm. Quan trọng là lúc nào cũng phải kéo con về phía mình, đừng bỏ con”, chị tâm sự.

Vợ chồng amp;#34;cất bằng thạc sĩamp;#34; mở quán chè nuôi con bệnh hiếm sau gần 2 năm, giờ thế nào? - 4

Chàng Thạc siêu nhân có nhiều tiến bộ nhờ tình yêu thương và sự giúp đỡ của bố mẹ và anh hai

Chứng kiến sự tiến bộ của các con, anh chị càng tâm huyết với ý nghĩ rằng khi bé là lúc con cần mình nhất, mình nên ở cạnh bên. Càng lớn con càng rời xa mình, lúc chúng đủ lông đủ cánh thì không giữ, để chúng bay xa bay cao. Thậm chí, chị Nhi còn quả quyết “không sinh thêm nữa” vì muốn tập trung chăm sóc, nuôi dạy thật tốt cho hai cục cưng đang có.

Không chỉ học hỏi, tích góp thêm kiến thức nuôi dạy con mỗi ngày, họ còn tranh thủ chia sẻ kinh nghiệm cho các ông bố bà mẹ siêu nhân khác cùng hoàn cảnh. Bởi hơn ai hết, họ hiểu khó khăn, gian khổ trong những ngày đầu biết con bệnh. Trả lời câu hỏi đã có dự định gì cho tương lai, anh chị bật mí còn tùy thuộc vào tình hình bé Thạc. Nếu Thạc khá hơn, có lẽ họ sẽ mở rộng kinh doanh, thêm chi nhánh. Tôi tin đôi vợ chồng thạc sĩ kinh tế sẽ làm được điều đó vào một ngày không xa.

Vợ chồng amp;#34;cất bằng thạc sĩamp;#34; mở quán chè nuôi con bệnh hiếm sau gần 2 năm, giờ thế nào? - 5

Bé Thạc rất nghe lời anh Thiện, Thiện cũng rất thương em trai

Nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, chúc các bé có những giờ phút hạnh phúc bên cạnh gia đình, bạn bè và người thân. Nhận được nhiều món quà xinh xắn từ ông bà, cha mẹ và những người thân yêu.

Tạ Ban
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội