Cậu út Mio nhà Lý Hải Minh Hà mới gặp tai nạn chiều 5/11 và phải khâu liền 3 mũi trên mặt.
Mới đây những người yêu mến gia đình Lý Hải Minh Hà được một phen hốt hoảng khi bà mẹ 4 con chia sẻ loạt ảnh bé Mio - cậu con trai út bị tai nạn ngã rách da.
Theo Minh Hà chia sẻ, bé Mio gặp tai nạn vào lúc chiều ngày 5/11 do chạy nhảy đùa nghịch quá mức. Cậu bé ngay lập tức được đưa vào bệnh viện quốc tế gần đó để khâu và được bác sĩ yêu cầu mỗi ngày vào viện thay băng, 7 ngày sau mới được cắt chỉ.
"Các cô chú chỉ em thuốc nào xức mờ sẹo hiệu quả mai mốt em mua xài chứ em không muốn làm Mio "thẹo" đâu", Minh Hà vừa cười vừa mếu viết.
Cậu út Mio nhà Lý Hải Minh Hà mới gặp tai nạn chiều 5/11 và phải nhập bệnh viện quốc tế để khâu
Vết rách trên mặt Mio khiến người lớn nhìn cũng thấy xót.
Trong loạt ảnh, bé Mio gặp phải một vết thương khá lớn trên trán gần mắt, phải khâu tới 3 mũi chỉ nhưng vẫn nhìn rõ phần thịt đỏ bên trong....khiến nhiều người chỉ nhìn thôi cũng thấy xót xa.
Một số bà mẹ vì rất lo lắng cho Mio nên nhìn kỹ những bức ảnh và nhận thấy có điểm kỳ lạ bởi tấm đầu tiên bé Mio bị thương ở mắt trái, nhưng tấm sau đó khi chụp với Minh Hà, vết thương bỗng lại chuyển sang....mắt phải. Ngay lập tức, những bình luận thắc mắc bắt đầu xuất hiện.
"Ủa sao lạ vậy. Tấm thì bị bên trái, tấm lại bị bên phải"
"Vết thương biết chạy sao ta?"
...
Lúc chụp với mẹ Minh Hà, vết thương ở bên phải mắt Mio
Khi thì vết thương ở bên trái.
Tuy nhiên ngay sau đó, cũng có nhiều người lên tiếng lý giải hộ cho Minh Hà bởi thực tế, không có chuyện vết thương "đổi chỗ" mà chỉ là bởi bà mẹ 4 con đã sử dụng thay đổi cả hai camera trước- sau cho các bức ảnh nên mới có sự lẫn lộn vị trí như vậy.
(Clip cho thấy Mio bị vết thương chính xác là ở bên trái)
Rất nhiều chị em cũng đã để lại hàng loạt kinh nghiệm, mách bà mẹ 4 con cách bôi kem và những điều kiêng kị dân gian để tránh sẹo cho "soái ca út" Mio.
Cách chăm sóc trẻ bị tai nạn ngã rách da, tránh sẹo cho trẻ
Trẻ con hiếu động nên thường bị té ngã hay thỉnh thoảng bị muỗi cắn, bị mụn nhọt, thủy đậu… Những điều này sẽ để lại sẹo nếu bố mẹ không biết cách chăm sóc.
Khi da đã hình thành sẹo sẽ rất khó xóa bỏ hoàn toàn. Vì vậy, chăm sóc vết thương đúng cho trẻ ngay khi phát hiện là điều rất quan trọng giúp hạn chế những sẹo xấu.
Chăm sóc đúng cách
Tùy từng loại tổn thương mà có cách chăm sóc khác nhau.
– Sẹo lồi: Sẹo lồi thường xảy ra với những người có cơ địa gây sẹo lồi, vết thương dù nông, sâu đều rất dễ tạo sẹo này. Những tế bào sợi mô liên kết được thay thế sinh trưởng quá mức làm cho vết sẹo nổi cao, gây sẹo lồi. Quá trình làm da non thường gây ngứa cho trẻ. Lúc này, mọi kích ứng dễ gây viêm nhiễm, làm cho vết sẹo to và nổi cao hơn. Vì vậy, nên tránh để trẻ gãi, chà xát vết sẹo.
– Sẹo lõm: Những vết thương sâu dễ để lại sẹo lõm. Trong quá trình làm lành, các tế bào sợi mô không bù đắp đủ lượng mất đi trước đó, khiến cho vết thương hình thành sẹo lõm. Tổn thương dễ gây sẹo lõm là mụn bọc, nhọt, thủy đậu…
Đa phần những kem điều trị sẹo, làm lành vết sẹo, xóa sẹo… bán trên thị trường cấm chỉ định đối với trẻ, do đó, cha mẹ không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc trị sẹo nào mà chưa hỏi ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra, nên tránh những điều sau:
– Khi vết thương đóng vảy không được bóc lớp vảy mà phải để tự chúng bong ra.
– Tránh để vết thương của trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
– Không nên bôi nghệ tươi vào vết thương chưa lên da non, nếu bôi nghệ sớm sẽ làm vết sẹo sau này bị thâm đen.