Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho biết, các đơn vị đang khẩn trương tìm ông bố dùng thắt lưng đánh con để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Ngay sau khi hình ảnh người bố trẻ địu con đi nhặt rác giữa đêm đông tại Long Biên (Hà Nội) được đăng tải, cư dân mạng đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy ông bố này giả vờ đáng thương để lợi dụng lòng tốt và sự tử tế của mọi người.
Mới đây (24.12), cộng đồng mạng phát hiện một clip ghi lại cảnh tượng khác hoàn toàn so với những hình ảnh người cha tần tảo nuôi 3 con thơ. Theo đoạn clip, ông bố địu con nhặt rác dùng thắt lưng liên tục vụt vào chân, đầu con gái trước quán ăn mặc cho đứa trẻ khóc nức nở và nhiều người can ngăn. Hành động dã man ấy đã khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ.
Video lột trần bộ mặt thật của ông bố địu con nhặt rác
Liên quan đến vụ việc trên, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) cho biết, khi xem đoạn clip trên, bà rất phẫn nộ trước hành vi người đàn ông dùng dây thắt lưng liên tục đánh cô con gái nhỏ.
Bà Kim Hoa cho biết thêm, đại diện Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã trao đổi với Phòng bảo vệ và chăm sóc trẻ em TP. Hà Nội. Qua đó, đơn vị đã thống nhất khẩn trương cùng các cơ quan liên quan truy tìm người đàn ông trên để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ảnh cắt từ clip
Trao đổi với Luật sư Đào Thị Bích Liên (Văn phòng Luật sư Hà Hải và cộng sự), vị luật sư cho biết, hành động của ông bố “ngáo đá” dùng dây thắt lưng liên tục vụt vào chân, đầu con gái là hành vi hạnh hạ, ngược đãi và làm nhục trẻ em. Hành vi này bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 6, điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
Thêm vào đó, người đàn ông đã từng địu con út mới 16 tháng tuổi đi xe đạp nhặt rác vào ban đêm tại Hà Nội khiến nhiều người xót thương. Thậm chí, nhiều nhà hảo tâm có nhã ý tìm đến nơi ở của cha con họ để trao những phần tiền, phần quà. Luật sư Bích Liên cho rằng, đó chính là hành vi lợi dụng trẻ em để trục lợi. Khoản 2 điều 4, Nghị định số 71/2001 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì hành vi bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi là một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Ảnh cắt từ clip
Tùy theo mức độ và tính chất nghiêm trọng của hành vi, họ có thể bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo khoản 2 điều 27 Nghị định 44/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người có hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trường hợp hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng, người bố “ngáo đá” trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009).
Luật sư Bích Liên cho biết thêm, ở mức độ nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý như khiến trẻ hoảng sợ, lo lắng,…người bố đó có thể bị tước quyền giám hộ con. Trong trường hợp đó, Tòa án sẽ chỉ định người khác giám hộ cho đứa trẻ.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền trẻ em: "Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). “Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự” (Điều 14 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). |