Một bé gái 5 tuổi vừa mất đi để lại nỗi đau không nguôi. Cũng từ đó, nhiều câu hỏi về được đặt ra.
Mấy ngày nay, dư luận đau nhói về vụ bé H.T.A (quận 4, TP HCM) bị mẹ thường xuyên dùng tay, muỗng múc canh, đũa gỗ... đánh vào các vùng mặt, chân, tay, hông, lưng và đổ nước nóng vào chân gây thương tích.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền thông tin và hình ảnh bé T.A bị mẹ bạo hành dẫn đến tử vong. Vụ việc này thực hư ra sao, có đúng như thông tin lan truyền trên mạng xã hội? Nguyên nhân bé bị bạo hành là gì? Vì sao bé tử vong, có liên quan đến hành vi bạo hành của người mẹ hay không? Bé bị bạo hành trong thời gian nào, vì sao hàng xóm, địa phương không hay biết...? Là những câu hỏi bỏ ngỏ, chưa một cơ quan chức năng nào lên tiếng, kể cả ở địa phương.
Từ nguồn tin chưa rõ ràng đó, thông qua hình ảnh, thông tin bạn đọc cung cấp, phóng viên Báo Người Lao Động đã lần tìm manh mối người cha, nơi cư trú của bé, trường học, bệnh viện, chính quyền phường 9, quận 4... để xác minh nguồn tin.
Đó là một hành trình không dễ vì tất cả câu trả lời phóng viên nhận được là: "Có nghe, chờ xác minh" hoặc "Sự việc không hoàn toàn như trên mạng xã hội đăng..." và tiếp theo là yêu cầu chờ phản hồi của cơ quan chức năng. Thậm chí, ngay cả nơi cư trú, người dân cũng không biết thông tin gì ngoài những nội dung lan truyền trên mạng xã hội, họ xác nhận không thấy gia đình tổ chức đám tang. Căn nhà bé T.A từng ở luôn đóng cửa im ỉm.
Thông tin được đăng trên mạng xã hội
Trước những hình ảnh về dấu vết bé T.A bị bạo hành đầy ám ảnh, chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu mọi manh mối, dù nhỏ nhất, để làm sáng tỏ vụ việc.
Trưa 22-10, bài báo đầu tiên về bé T.A được đăng trên mục Truy vết mạng xã hội của Báo Người Lao Động điện tử. Chiều tối cùng ngày, Cơ quan Công an quận 4 cho biết đã tạm giữ hình sự bà Trần Thị Kim Giàu (33 tuổi, ngụ quận 4) để điều tra về hành vi hành hạ con.
Theo điều tra, 5 giờ ngày 13-10, bà Giàu đến Công an phường 9, quận 4 trình báo con gái bà là H.T.A. (5 tuổi) đã tử vong khi đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa quận 4 rạng sáng cùng ngày.
Bà Giàu cho biết khoảng 2 giờ, bà cùng ngủ với con gái lớn là H. (7 tuổi) thì H. nói đói bụng nên bà lấy sữa cho H. uống. Bà đi xuống nhà thì thấy A. nằm ở bậc cầu thang.
Bà gọi con nhưng không thấy trả lời, thấy tay chân con lạnh nên lấy dầu xoa rồi đưa A. đi cấp cứu nhưng bác sĩ thông báo A. đã tử vong. Bước đầu công an xác định bà Giàu thường xuyên dùng tay, muỗng múc canh, đũa gỗ,... đánh vào các vùng mặt, chân, tay, hông, lưng và đổ nước nóng vào chân, đánh cháu A. gây thương tích. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy A. có nhiều thương tích.
Sự việc phần nào đã rõ ràng. Nhưng vì sao bé T.A tử vong? Nguyên nhân ban đầu dẫn đến cái chết của bé được cho là do sặc đường thở liên quan đến đồ ăn, thức uống; vậy bé đã ăn gì, uống gì vào thời điểm đêm khuya để dẫn đến tai nạn này? Ai là người cho bé ăn? Vì sao gia đình không tổ chức đám tang khi bé mất? Vì sao người mẹ lại hành hạ đứa con mình rứt ruột sinh ra một cách tàn nhẫn đến vậy? Uẩn khuất đằng sau cái chết của bé là gì? Chị, em của bé hiện thời ra sao, có từng bị mẹ bạo hành? Qua kết quả điều tra, có thể thấy việc bé A. bị mẹ bạo hành không phải chỉ diễn ra 1, 2 ngày mà đã xảy ra trong thời gian dài nhưng khó hiểu là không ai hay biết, lên tiếng để kịp thời ngăn chặn... Thật sự có quá nhiều câu hỏi đặt ra cần cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng, trách nhiệm để sớm làm sáng tỏ.
Sáng tỏ để đem lại công bằng cho bé T.A, dù đã muộn. Sáng tỏ để cái ác phải bị trừng trị thích đáng, đúng người, đúng tội. Sáng tỏ để còn răn đe, phân định trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan; đồng thời có giải pháp bảo vệ trẻ em tốt hơn, mà trước mắt là bảo vệ chị và em của bé T.A. Và sáng tỏ để dư luận có được thông tin chính thống, rõ ràng, không tin những lời đồn đoán thiếu căn cứ.
Bạo hành trẻ em là một vấn đề xã hội nghiêm trọng, gây ra những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần cho các em nhỏ, thế hệ tương lai của đất nước. Việt Nam có nhiều văn bản pháp luật quy định về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ khỏi các hành vi bạo hành với những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại, ngược đãi trẻ em. Thế nhưng, bạo hành vẫn thường xảy ra. Nhìn thẳng vào thực tế, có thể thấy nguyên nhân bởi sự thờ ơ của cộng đồng, sự thiếu quan tâm của gia đình, thiếu hiệu quả trong việc triển khai luật và thiếu các biện pháp phòng ngừa từ sớm.
Những hành vi liên quan đến bạo hành trẻ em là tội ác không thể dung thứ. Phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn. Một trong những biện pháp hữu hiệu chính là sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời, nghiêm minh; thông tin nhanh chóng, minh bạch của cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc.
Xem thêm:
Sáng 24/10: Tâm sự đẫm nước mắt của cha bé gái tử vong nghi bị mẹ ruột "dạy dỗ" ở TPHCM