Nhiều năm nay, nhạc trưởng Lê Phi Phi - con trai duy nhất của nhạc sĩ Hoàng Vân - thường không có cơ hội được đón Tết cổ truyền bên bố mẹ tại Hà Nội do đã định cư ở nước ngoài, nhưng mùa xuân này lại khác...
PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện cùng nhạc trưởng Lê Phi Phi về cái Tết đặc biệt này:
- Những năm trước, anh thường về Hà Nội trước Tết vì thời điểm Tết Nguyên đán là lúc anh sum họp với vợ con ở nước ngoài. Năm nay hình như anh đã "đổi lịch"?
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Năm nay tôi đón Tết Bính Thân ở Hà Nội với bố mẹ mình. Nguyên nhân là do sức khoẻ của các cụ cũng không được khá lắm nên tôi muốn ở gần các cụ trong những ngày Tết cổ truyền. Những năm trước tôi cũng hay về nhưng hầu như phải đi trước Tết Nguyên đán vì hết phép nghỉ đông.
- Đi nhiều nơi trên thế giới, anh cảm nhận gì về sự khác biệt trong không khí Tết ở Việt Nam, cụ thể là Hà Nội?
Không khí Tết ở nước mình, ở vùng đất nơi tôi sinh ra và lớn lên thật đặc biệt. Có lẽ bởi tôi đã quá quen thuộc với từng góc phố, hàng cây được bao trùm không khí xuân, bởi tiết trời lành lạnh, ẩm ướt mưa bụi bay... cho đến sắc đào phai, quất, cúc vàng, violet tím sẫm, không lẫn vào đâu được.
- Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống lâu đời tại Hà Nội, lại là con trai duy nhất của nhạc sĩ Hoàng Vân, vậy có bao giờ các bậc thân sinh ra anh bận lòng trước những mùa xuân luôn vắng bóng con mình?
Có chứ, bận lòng chứ! Có cha mẹ nào mà không muốn sự có mặt của con cháu trong những ngày trọng đại này. Nhưng tình yêu, tình thương con cái và gia đình của chúng nó đã lớn hơn cả sự mong muốn có các con ở bên. Đó là sự hy sinh vô điều kiện bởi sự cảm thông cho hoàn cảnh công việc, cuộc sống của các con mình nơi xa...
Gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân.
- Phong tục, tập quán của Tết cổ truyền Việt Nam trong mắt vợ anh - một phụ nữ ngoại quốc và con anh - đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài đọng lại những gì?
Vợ tôi rất thích các món ăn Việt Nam, đặc biệt là các món đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, mứt, măng nấu chân giò, bóng miến, thịt gà... Con trai tôi, năm nay đã 18 tuổi luôn thích ăn cơm Việt, đặc biệt là nem, phở bò và ăn gì cũng phải cho một tý nước mắm Phú Quốc vào.
Tôi hay đón Tết cổ truyền ở nước CH Macedonia nên năm nào cũng cố lo cho có đủ từng ấy món cổ truyền. Nguyên liệu thực phẩm được đặt mua từ các nước châu Âu có cộng đồng người Việt đông đúc. Nơi tôi sinh sống thì hoàn toàn không có đồ Việt, vì cộng đồng ở đây với số người chỉ đếm được trên... một bàn tay. Đến bún, miến, bánh phở khô cũng phải đặt từ các nước khác nên nhà tôi luôn có ý thức dùng rất tiết kiệm.
- Anh từng kể về phố Hàng Thùng xưa với nồi bánh chưng mấy nhà luộc chung trong thùng phuy ám khói, còn kỉ niệm nào ấn tượng với anh không?
Điều tôi nhớ nhất là Tết bao giờ mẹ cũng đan cho tôi chiếc áo len mới diện Tết và bố mua cho một bộ quần áo mới, mà chỉ được mặc vào đêm giao thừa nên hồi hộp, sung sướng lắm. Hồi đó người ta không cúng lễ ông Công, ông Táo to như bây giờ nhưng sau 23 tháng Chạp là bắt tay vào chuẩn bị Tết.
Đêm 30, khi giờ khắc giao thừa đã điểm, bố tôi bao giờ cũng xuống phố đi dạo rồi về nhà xông nhà. Cả nhà mong đợi lúc ông bước vào với tư cách một người cha, người chồng - trụ cột tin cậy của gia đình. Nhà 14 phố Hàng Thùng là nhà của ông nội tôi, nơi bố tôi đã sinh ra và lớn lên.
Khoảnh khắc ra khỏi nhà và đêm 30 như là một sự nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa của bố tôi chăng?! Sáng mùng một Tết bao giờ cả nhà tôi cũng đạp xe vào trong Mọc (Hà Đông cũ) nơi cả dòng họ ngoại ở đó.
Cái Tết sum vầy hiếm hoi bên cha mẹ của nhạc trưởng Lê Phi Phi.
- Trong đời sống hiện đại, nhiều người cho rằng việc đón Tết truyền thống có phần "lê thê", nhiều nơi kéo dài suốt tháng Giêng cùng lễ hội là sự tốn kém tiền bạc, thời gian, gián đoạn công việc... Quan điểm của anh thế nào?
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", không phải chỉ trong đời sống hiện đại mới ăn Tết "lê thê" mà từ bao nghìn năm nay dân tộc ta luôn đón Tết như những ngày lễ của cả mùa xuân chứ không phải chỉ mấy ngày đầu năm mới.
Còn lễ hội là truyền thống văn hoá, lịch sử, tâm linh... của từng vùng và như vậy không thể không tổ chức. Có chăng, ở thời nay người ta thường lạm dụng một cách quá đáng trên mọi phương diện những ngày lễ hội này.
- Theo anh, Tết xưa và Tết nay có gì khác nhau? Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về các giá trị, phong tục truyền thống đang mai một?
Khác nhiều chứ! Tết bây giờ không có pháo với những âm thanh và mùi của nó. Tất cả mọi thứ đều tràn ngập, đầy ắp, công nghiệp và hiện đại hoá... không mấy ai nấu bánh chưng, làm mứt, bánh ngọt nữa. Đã có bán ở mọi nơi. Nói chung tôi thấy Tết đang mất đi cái hồn "chuẩn bị Tết"...
Sẽ rất khó gặp lại cảm giác trời thì rét, nước lạnh thấu xương nhưng chăm lo Tết hăng say lắm. Tôi thường nhớ đến đôi bàn tay nứt nẻ đỏ sẫm vì nước lạnh hay bức tranh bánh chưng khi mới vớt ra, khói nghi ngút, thơm lừng mùi lá dong, vị ngầy ngậy của mỡ, bùi bùi của đậu xanh…
- Năm qua cũng chứng kiến nhiều biến động trong gia đình anh, đặc biệt là sự lo lắng về sức khỏe của nhạc sĩ Hoàng Vân, cảm xúc của anh trước gia đình vào mùa xuân ra sao?
Năm nào cũng vậy tôi luôn cầu mong sức khoẻ cho bố mẹ tôi, nhưng sau những thay đổi đặc biệt về sức khoẻ của hai cụ năm nay, tôi có một cảm xúc duy nhất khi vào mùa xuân là muốn ở bên các cụ, để được chăm sóc, làm trọn phận Hiếu với bố mẹ mình.
Tôi không duy tâm, chưa bao giờ đi lễ chùa, nhưng năm nay đúng dịp Rằm tháng Chạp, tôi đã thắp những nén hương thành kính ở chùa Bà Đá, cầu xin sức khoẻ và bình an cho bố mẹ cũng như gia đình tôi, chị gái tôi. Sức khỏe cho mọi người - đó là niềm mong ước duy nhất của tôi trong năm Bính Thân này!
Cảm ơn nhạc trưởng Lê Phi Phi về cuộc trò chuyện!