Dự án điện ảnh Đất Rừng Phương Nam được đoàn phim bỏ rất nhiều tâm huyết để phục dựng những bối cảnh xưa. Tuy nhiên, phim chỉ vừa hé lộ dàn diễn viên và những bối cảnh đầu tiên đã bị soi "sạn".
Phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, có sự tham gia của nhiều diễn viên quen mặt với khán giả như NSƯT Công Ninh, NS Kiều Trinh, Hứa Vĩ Văn, Tuyền Mập, Trấn Thành, Tuấn Trần và nhiều sao nhí được tuyển chọn kỹ càng. Đặc biệt, bộ phim được đầu tư rất lớn trong việc xây dựng bối cảnh nhưng chỉ vừa hé lộ ảnh hậu trường đã liên tục vướng vào tranh cãi.
Những đại cảnh tốn kém
Phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam đã chính thức khai máy vào ngày 18 tháng 12 vừa qua bằng những cảnh quay tái hiện khu chợ nổi nhộn nhịp tại rừng tràm Trà Sư, An Giang.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ, vì điều kiện không cho phép mà phiên bản truyền hình đành phải ngậm ngùi bỏ đi yếu tố “rừng” trong tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam, và chỉ được mang tên Đất Phương Nam. Sau nhiều ngày khảo sát bối cảnh, cả ê-kíp của anh đã quyết định chọn rừng tràm Trà Sư để thể hiện chất "rừng" như trong tiểu thuyết cho phiên bản điện ảnh. Theo anh, rừng tràm Trà Sư còn lưu giữ nét đẹp hoang sơ và hùng vĩ về rừng Nam Bộ qua ngòi bút miêu tả của nhà văn Đoàn Giỏi.
Hoạ sĩ thiết kế Bùi Bảo Quốc tiết lộ vì rừng tràm Trà Sư đang được khai thác làm khu du lịch sinh thái, có một số cơ sở vật chất không hợp với không khí phim nên bối cảnh chợ nổi trong phim phải dựng mới 70% và đây được xem là một trong những đại cảnh lớn nhất của phim.
Được biết, đội ngũ thiết kế và sản xuất đã dành 1 tháng rưỡi để xây dựng đại cảnh chợ nổi, xây mới rồi lại phủ lên một lớp màu thời gian, cùng với chi tiết nội thất, phụ kiện được sưu tầm kỳ công để đảm bảo tính lịch sử.
Sau đại cảnh ở rừng tràm Trà Sư, cả ê-kíp sẽ tiếp tục phục dựng bối cảnh Sài Gòn thập niên 1920 diễn ra ở thị xã Tân Châu, An Giang. Bởi nơi đây vẫn còn giữ được nhiều kiến trúc nhà cổ để tái hiện Sài Gòn hoa lệ một thời. Trong suốt hành trình tìm cha của chú bé An ở Đất Rừng Phương Nam sẽ xuất hiện rất nhiều đại cảnh với số lượng diễn viên quần chúng lên đến hàng trăm, rất tốn kém.
Liên tục vướng tranh cãi
Ngay khi Đất Rừng Phương Nam công bố dàn diễn viên, nhiều ý kiến cho rằng Trấn Thành và một số diễn viên không phù hợp tham gia bộ phim. Đạo diễn Quang Dũng đã thắng thắn chia sẻ: "Khi nhận dự án này, chính tôi cũng bị nhiều người lo ngại và nói không hợp. Chúng tôi quan niệm mỗi tác phẩm đều là một cuộc khám phá mới với bản thân.
Với tôi, Trấn Thành là một nghệ sĩ tài năng, luôn tìm những cảm hứng và trải nghiệm mới. Tôi và nhà sản xuất muốn gửi lời cảm ơn Trấn Thành, bởi trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư không hứng khởi với thị trường phim Việt, Trấn Thành đã cảm nhận được sự thú vị của kịch bản, sẵn sàng hỗ trợ đồng thời góp vốn. Tôi rất cảm động vì những dự án kinh phí lớn, đề tài nghiêm túc như thế này thường khó khăn gấp nhiều lần các phim thương mại thông thường".
Tiếp đó, khi một số hình ảnh hậu trường của cảnh quay chợ nổi ở rừng tràm Trà Sư được tiết lộ. Cảnh phim này tái hiện một chợ nổi đặc trưng của miền Tây Nam Bộ vào thập niên 1920 với hơn 300 diễn viên quần chúng. Một cổng chợ bề thế được dựng lên với biển hiệu của các cửa tiệm được vẽ tay mang nét cổ xưa như "Tiệm vàng – cầm đồ Kim Sang", "Hiệu buôn vải Vĩnh Tường"… đã được đoàn phim dựng lên. Hệ thống kênh rạch của rừng tràm cũng giúp đoàn làm phim thuận lợi cảnh hàng chục chiếc ghe thuyền tập hợp, làm nên một không khí chợ nổi sầm uất.
Nhưng nhiều khán giả cho rằng bối cảnh được làm đẹp long lanh đến mức... không thật: "Có lẽ, phim lại tiếp tục vướng vào nhược điểm thường thấy ở phim Việt, đó là: Chuyện xưa, tích cũ nhưng vẻ ngoài cái gì cũng mới" hay "trông gọn gàng quá, sắp xếp trật tự nên thành giả tạo", "giống khu du lịch sinh thái hơn là chợ nổi miền Tây"...
Đặc biệt, nhiều "thánh soi" còn phát hiện ra cột điện và biển quảng cáo hiện đại xuất hiện trong đại cảnh chợ nổi. Việc xuất hiện những vật dụng hiện đại trong bối cảnh phim xưa là điều mà nhiều người xem cảm thấy không thể chấp nhận được vì vô lý và phá hỏng không khí của bộ phim.
Sự xuất hiện của cột điện, biển quảng cáo hiện đại trong bối cảnh phim xưa khiến nhiều khán giả không hài lòng.
Tuy nhiên, nhiều khán giả khác lại cho rằng một bộ phận cư dân mạng đang quá khắt khe với đoàn phim. Nếu như bộ phim xong hậu kỳ và chính thức ra rạp nhưng vẫn xuất hiện những đồ vật hiện đại xuyên không về quá khứ thì mới là "sạn" phim và đáng lên án. Còn đây chỉ là một số hình ảnh hậu trường nên chưa được chỉn chu là điều có thể chấp nhận được. Đặc biệt, dù bộ phim truyền hình Đất Phương Nam đã trở thành huyền thoại nhưng khán giả vẫn nên xem bản điện ảnh trước khi đưa ra so sánh cuối cùng.