Cô nàng Lâm Vỹ Dạ đã đưa các huấn luyện viên vào câu chuyện của mình trong tập 17 Đấu trường tiếu lâm.
Tối qua 2/8, tập 17 Đấu Trường Tiếu Lâm đã được phát sóng với phần thi đấu đầy kịch tính của các thí sinh. Ở vòng Ca dao – Tục Ngữ này, họ sẽ phải trải qua loạt thử thách khó khăn hơn. Mỗi thi sinh sẽ bốc thăm lấy 1 chủ đề là câu Ca dao hoặc Tục Ngữ, nhiệm vụ của họ là phải diễn 1 tiểu phẩm nói lên nội dung của câu Ca dao hoặc Tục Ngữ đó. Kết thúc vòng thi, mỗi đội sẽ loại đi 1 thí sinh kém ấn tượng nhất. 2 thí sinh xuất nhất trong các đội sẽ bước vào vòng Bán kết để tranh chiếc vé quyết định vào Chung kết.
Các huấn luyện viên Đức Thịnh, Thu Trang - Tiến Luật, Trường Giang và Trấn Thành lại có dịp cười nghiêng ngả với những phần thể hiện đầy dí dỏm từ các "cây hài" của Đấu Trường Tiếu Lâm, bên cạnh đó họ tiếp tục đưa ra những góp ý thẳng thắn để thí sinh rút kinh nghiệm.
Lâm Vỹ Dạ “đá đểu” chuyện hẹn hò của Trấn Thành – Hari Won
Với chủ đề “Không Thầy Đố Mày Làm Nên”, Lâm Vỹ Dạ đã xây dựng tiểu phẩm trên bối cảnh một lớp học diễn xuất ở miền núi. Cô đóng vai học trò, đến lớp nhờ thầy dạy văn hóa. Lớp học có 6 người nhưng chỉ có mỗi Lâm Vỹ Dạ đi học, khi thầy giáo hỏi lý do vì sao các bạn lại không đến trường, Lâm Vỹ Dạ thật thà chia sẻ những nguyên nhân cực kỳ hài hước.
Lâm Vỹ Dạ đã biến 5 vị huấn luyện viên Trấn Thành – Trường Giang – Thu Trang – Tiến Luật – Đức Thịnh vào câu chuyện của mình. Cô chia sẻ, Trấn Thành bỏ học là vì đang bận tìm kiếm nấm linh chi trên cái núi Hari. Vì đang “bận mò mẫm núi Hari” nên Trấn Thành không thể đi học.
Vợ chồng Thu Trang – Tiến Luật vì lý do đang đi bán dép ở chân núi nên cũng không đi học được. Trường Giang vì ăn phải trái scandal nên bị stress nặng, đầu óc đang không ổn định và trốn ở nhà bạn Nhã Phương. Riêng Đức Thịnh, vì bận “hú hí” với Thanh Thúy nên cũng chẳng thể đến trường.
Nhận xét về Lâm Vỹ Dạ, huấn luyện viên Trấn Thành cho rằng tiểu phẩm hấp dẫn, có độ hài hước nhất định. Tuy nhiên, chủ đều tư tưởng “Không Thầy Đố Mày Làm Nên” lại chưa được thể hiện rõ ràng. Trường Giang cũng góp ý là việc thể hiện chủ đề không chỉ bằng 1 câu nói là xong, Lâm Vỹ Dạ cần tập trung diễn xuất, lồng ghép câu “Không Thầy Đố Mày Làm Nên” vào câu chuyện nhiều hơn nữa.
Phát La được gọi là "Tiểu Trường Giang"
Ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch Đấu Trường Tiếu Lâm – Phát La mang đến vòng Ca Dao – Tục Ngữ tiểu phẩm được lồng ghép nội dung “Kẻ Cắp Gặp Bà Già”.
Tiểu phẩm mở đầu bằng tính huống Phương Nam (Thí sinh đội Trường Giang đã bị loại từ vòng Song Đấu) bị lạc đến đảo hoang. Tại đây, Phương Nam gặp Phát La và cùng tìm cách thoát khỏi hoang đảo này.
Trong quá trình trò chuyện, Phát La kể cho Phương Nam nghe chuyện tình đầy trắc trở với “Cô Gái Hà Lan” từ nhiều năm trước. Lối diễn xuất hài hước, đậm phong cách Trường Giang khiến cho các huấn luyện viên còn lại phải liên tục bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú trên ghế nóng.
Nhận xét về Phát La, cả Trấn Thành lẫn Tiến Luật đều gọi anh là "Tiểu Trường Giang”. Trấn Thành cho rằng Phát La là bản sao duyên dáng, đáng yêu của “Mười Khó”. Trong khi đó Đức Thịnh lại tấm tắc khen ngợi: “Em nắm được mạch kịch bản và rất duyên. Với thể loại hài nhảm này, nếu không có duyên thì sẽ không ra gì hết... Em diễn đến đâu là anh cười đến đó”.
Trường Giang chia sẻ về học trò một cách đầy tự hào: “Em là người thông minh. Em diễn tốt dẫn dắt tất cả mọi người. Tuy nhiên, cũng cần cố gắng đế được đẳng cấp hơn”.
Bên cạnh đó là phần thi khác của các thí sinh trong tập 17 Đấu Trường Tiếu Lâm:
Với tiểu phẩm liên quan đến câu “Họa Vô Đơn Chí”, Lê Lộc hóa thân thành Hoàng hậu Cám, sống ở cung son lộng lẫy nhưng lại bị Vua lạnh nhạt. Đang lúc say sưa tận hưởng cuộc sống giàu sang, Mẹ Cám – Dì Ghẻ xuất hiện và thông báo tin Vua đã biết tin mẹ con Cám giết Tấm.
Ý định phục thiện khi trở về quá khứ nhưng vì quá vụng về, hậu đậu, mẹ con Cám vẫn vô ý giết chết Tấm. Trong lúc đang loay hoay, Cám còn đâm cả vào ngực mẹ mình. Những tưởng tiểu phẩm sẽ kết thúc ở đây nào ngờ Lê Lộc bất ngờ xoay chuyển tình huống, biến tất cả mọi thứ trở thành giấc mơ. Đến cuối cùng, cũng vì vô ý, Cám lại giết chết Dì Ghẻ ngay trong đời thực. Vậy là giấc mơ hóa thành sự thật. Cám vướng vào tai họa do chính mình tạo ra.
Nhận xét về Lê Lộc, huấn luyện viên Đức Thịnh cho biết: “Lộc trong tiểu phẩm này diễn tốt nhưng lại không được màu sắc. Mình diễn phải có cái khác thì khán giả mới coi”. Riêng Trường Giang lại chia sẻ: “Đúng là mảng miếng cũ nhưng anh lại thích cách diễn của em. Sáng sủa và giọng nói rất tốt”.
Xuân Nghị quay trở lại sàn đấu bằng tiểu phẩm có nội dung liên quan đến câu tục ngữ “Có Tiền Mua Tiên Cũng Được”. Bối cảnh tiểu phẩm diễn ra ở công viên, Xuân Nghị đóng vai một chàng trai bị ngọng. Đang đi chơi vui vẻ thì Xuân Nghị gặp 1 cậu bé bán bánh mì cũng nói ngọng như mình.
Tuy nhiên, Xuân Nghị cứ đinh ninh rằng cậu bé kia cố ý nhại giọng để chêu trọc mình. Cuộc cãi vã giữa 2 anh chàng nói ngọng càng thêm kịch tính khi 1 ông bảo vệ già tên Tiên xuất hiện. Ngặt nỗi, ông bảo vệ cũng bị ngọng nốt. Đến cuối cùng, Xuân Nghị mang tiền ra mua chuộc ông bảo vệ tên Tiên. Nhận được tiền, ông bảo vệ đánh chàng trai bán bánh mì liên tục. Câu tục ngữ chủ đề “Có Tiền Mua Tiên Cũng Được” đã được lồng ghép khéo léo trong tiết mục này.
Nhận xét về Xuân Nghị, huấn luyện viên Tiến Luật và Trấn Thành đều cho rằng anh nên thay đổi nội dung. Thay vì để cho 2 người cùng nói ngọng, Xuân Nghị có thể để 1 người nói ngọng và 1 người nói nhanh. Hoặc giả, cái kết 3 người cùng nói ngọng cũng nên có sự thay đổi. 3 người nói ngọng thì nên có những cách xử lý khác nhau, việc để tất cả nói ngọng cùng kiểu gây cảm giác hụt hẫng cho các huấn luyện viên.
Vẫn là lối diễn hài văn minh, sạch sẽ, Tuấn Kiệt đội Trấn Thành đã mang đến Đấu Trường Tiếu Lâm một màu sắc khác biệt trong tiết mục có nội dung liên quan đến câu ca dao “Con Cò Mà Đi Ăn Đêm, Đậu Phải Cành Mềm Lộn Cổ Xuống Ao”. Tuấn Kiệt hóa thân thành chú sếu đầu đỏ, đang đi ăn đêm thì gặp phải thợ săn Quốc Bảo. Cuộc giằng co giữa chú sếu ngây thơ và thợ săn dày dạn kinh nghiệm đã diễn ra với nhũng chiêu trò “bá đạo”. Tuấn Kiệt hết kể chuyện buồn gia đình lại đến màn đọc thơ, đọc ca dao hài hước.
So với những vòng trước, phần thi của Tuấn Kiệt trong vòng này không ấn tượng bằng. Đức Thịnh thẳng thắn chê: “Tiểu phẩm có nội dung hay nhưng lúc đầu dài quá. Hình thức tốt nhưng thời lượng dài chưa tốt. Vẫn bị dư những thứ linh tinh”. Trấn Thành chia sẻ: “Nói ra thì có vẻ như tôi hơi khắt khe với thí sinh của mình nhưng thẳng thắn thì tôi hơi thất vọng. Hôm qua tôi chuốt bài, bày cho các bạn kỹ năng. Nhưng mà hôm nay các bạn bị tâm lý như thế nào á. Với tiểu phẩm này nếu như làm đúng thì cả trường quay sẽ cười nghiêng ngả”.
Thí sinh Thanh Tân đội Thu Trang – Tiến Luật khép lại tập 17 Đấu Trường Tiếu Lâm bằng tiểu phẩm có lồng ghép câu ca dao: “Anh Em Bốn Bể Là Nhà, Người Dưng Khác Họ Vẫn Là Anh Em”. Mở đầu tiểu phẩm, Thanh Tân mang đến không khí kỳ bí, huyền ảo bằng cách dựng nên bối cảnh của bộ phim truyền hình ăn khách Sinbad.
Thanh Tân đóng vai Firouza – một nhà khoa học tài năng, chuyên chế tạo vũ khí nguy hiểm. Các thành viên của nhóm FAP TV lần lượt vào vai Sinbad, Rongar và Doubar. Câu chuyện bắt đầu khi “Firouza” Thanh Tân cùng các đồng đội tìm đến một nơi xa lạ để tìm kiếm báu vật. Trong quá trình phiêu lưu, vô số tình huống bi hài đã xảy ra với họ.
Nhận xét về học trò, Thu Trang cho biết chị đánh giá cao 3 người phụ diễn hơn là Thanh Tân. Trong tiết mục này, Thanh Tân có phần đuối sức, diễn kém duyên dáng và linh hoạt. Đức Thịnh thì chỉ ra tình tiết chưa hợp lý trong cái kết của tiểu phẩm.
Tuy nhiên Trấn Thành đã ngay lập tức phản bác: “Em xin lỗi anh Đức Thịnh. Em cho rằng cái kết vừa rồi hay. Người có lỗi phải tự nhận ra lỗi”. Tuy bị Trấn Thành cãi lại song Đức Thịnh lại không hề giận dỗi, anh chứng tỏ bản lĩnh đàn anh khi lắng nghe ý kiến của Trấn Thành và góp ý xây dựng cho Thanh Tân nhiều hơn.
Đức Thịnh vui vẻ cho biết nên thay đổi tình tiết liên quan đến nhân vật bị câm Rongar để đẩy chất hài của tiểu phẩm lên cao nữa. Trấn Thành nghe xong góp ý của Đức Thịnh thì không còn phản đối, nam MC vui vẻ bày tỏ sự ngưỡng mộ với bản lĩnh “nhìn xa trông rộng” của đạo diễn phim "Taxi, Em Tên Gì".