Trước ngưỡng cửa hôn nhân với bạn trai Việt kiều, MC Liêu Hà Trinh tin tưởng vào sự lựa chọn của mình vì cả 2 đều cùng hệ giá trị và hướng về gia đình.
XEM VIDEO: MC Liêu Hà Trinh được bạn trai quỳ gối cầu hôn vào năm 2019.
Ngoài hình ảnh nữ MC hoạt ngôn trên sân khấu, người truyền cảm hứng sống tích cực hay tác giả của những quyển sách tâm lý, Liêu Hà Trinh còn có chuyện tình đẹp với chàng trai Việt kiều kém cô 2 tuổi. Trải qua quãng thời gian 2 năm yêu xa, phải hoãn cưới vì dịch COVID-19, Liêu Hà Trinh đang tận hưởng nhiều cảm xúc thú vị trước ngưỡng cửa hôn nhân.
- Sau quãng thời gian dài xa chồng sắp cưới, cuộc sống của Liêu Hà Trinh hiện tại thế nào khi tổ ấm đã có bóng dáng của người đàn ông?
Tôi đã chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống hôn nhân từ lâu nên không bỡ ngỡ. Cả 2 đều cảm thấy thoải mái, ấm áp khi ở cạnh nhau, giống như 2 người bạn sống chung nhà. Công việc của người yêu tôi là kiểm toán, hiện anh vẫn tiếp tục làm việc online từ xa dù lệch múi giờ so với Hà Lan. Anh bắt đầu làm việc từ trưa đến tối khuya theo múi giờ ở nước ngoài, cũng là thời gian tôi dành cho công việc bên ngoài. Cả 2 sẽ xong vào khoảng 10 giờ tối, sau đó là thời gian chúng tôi dành cho đối phương: cùng ăn đêm, tâm sự, nghỉ ngơi và sáng thức giấc cùng nhau.
Chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều thứ, kể cả việc nhà. May mắn anh ấy là người luôn chủ động vì thích cảm giác dọn dẹp, sự ngăn nắp và sạch sẽ. Tôi khá bừa trong bếp nhưng lại cực kỳ cẩn thận khi sắp xếp sách, nơi làm việc, trang trí nhà cửa, thích chăm vườn cây… Chúng tôi bù trừ những khuyết điểm cho nhau và phân chia rõ ràng công việc để cuộc sống thoải mái, nhiều tiếng cười.
Sau hơn 2 năm sống xa nhau và phải hoãn đám cưới vì dịch COVID-19, bạn trai Việt kiều của MC Liêu Hà Trinh đã về Việt Nam đoàn tụ với người yêu.
- Chị đã chuẩn bị tâm lý thế nào trước hôn nhân?
Hiện tại, cả 2 đã có kế hoạch tổ chức đám cưới vào cuối năm nay. Tôi chuẩn bị tâm lý kỹ từ việc ghi nhớ từng thói quen, sở thích, hiểu đối phương chuyện ăn uống, sinh hoạt thế nào, buồn vui vì điều gì… Chúng tôi quan sát những chi tiết nhỏ này, tâm sự rõ hơn để không làm nhau khó chịu về sau. May mắn, tôi và anh ấy thuộc tuýp cởi mở, sẵn sàng bộc lộ điểm chưa tốt của bản thân và đều thích lắng nghe góp ý.
Tôi không lo lắng nhiều lắm, thậm chí thấy rất thoải mái (cười). Sau quãng thời gian yêu xa, chúng tôi đang trong giai đoạn kết nối, đều tin vào một đám cưới, nỗ lực cùng đi làm, xây tổ ấm và muốn có con. Tôi và anh ấy cùng chí hướng, hệ giá trị nên cả 2 không phải gượng ép để tỏ ra phù hợp.
- Chị nhận ra bản thân thay đổi gì nhiều nhất trước ngưỡng cửa hôn nhân?
Đó là điều chỉnh giờ giấc và sự tự giác. Một cô gái độc thân sẽ luôn có nhiều sự lựa chọn, ví dụ thích đi cà phê lúc rảnh, làm việc ở những không gian khác nhau… Giờ đây, đôi lúc tôi phải suy nghĩ giữa những show diễn có thu nhập cao với 1 ngày dành cho gia đình. Tất cả đều phải đặt lên bàn cân. 1 trong 2 đều mang tới giá trị, nhưng chúng ta vẫn cần lựa chọn sự ưu tiên trong thời điểm thích hợp, xem cái nào mang lại nhiều giá trị tinh thần, hạnh phúc hơn.
Nếu như trước đây, giá trị hạnh phúc của tôi dựa trên yếu tố công việc, tiền bạc thì hiện tại, cuộc chạy đua về tinh thần với tôi quan trọng hơn. Tôi quý những giây phút bình yên, cùng chia sẻ mâm cơm, đi dạo phố, chăm sóc nhau… với anh ấy, cùng dành thời gian thăm bố mẹ, chơi đùa với cháu gái…
- Tâm lý, tài chính của một người phụ nữ vốn độc lập và chủ động có bị “lung lay” khi xuất hiện người đàn ông trụ cột?
Tôi nghĩ sẽ có ít nhiều. Giống như việc chúng ta đi niềng răng, những khuôn khổ, mắc cài… luôn làm răng khó chịu, bị bức ép. Nhưng điều tốt đẹp cuối cùng của khuôn khổ ấy là mang mọi thứ về đúng trật tự, tốt đẹp.
Tôi nghĩ sự khó chịu này là cần thiết. Khi một người phụ nữ đã độc lập tài chính, có nguồn thu ổn định tìm được một người đàn ông có hệ giá trị tương đương, thậm chí cao hơn mình thì đó là điều tốt. Chúng tôi không giành quyền quản lý tài sản của đối phương. Nhìn mặt tích cực, nhiều khoản chúng tôi chia sẻ gánh nặng tài chính cho nhau, như mua một chiếc xe, xây một ngôi nhà…
- Những quy tắc riêng của chị và chồng sắp cưới có phải thay đổi nhiều không khi sống chung?
Chúng tôi chỉ có quy tắc luôn tôn trọng, chăm sóc gia đình và biết dành thời gian yêu thương bản thân. Đặc biệt, cả 2 đều hướng đến sự chân thành, thẳng thắn, cùng tìm ra giải pháp sau khi phát hiện vấn đề. Tôi và anh ấy hiểu mỗi cá nhân đều có phạm vi khó chịu, vòng an toàn riêng nên luôn tự giác né điểm đối phương không thích. Tôn trọng là điều tôi và người yêu luôn nghĩ tới trong mối quan hệ.
- Chồng tương lai của chị có đòi hỏi người vợ phải toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, chăm sóc tổ ấm?
(Cười) Tôi nghĩ anh ấy là người cực kỳ ủng hộ vợ ra ngoài vì anh thích phụ nữ chủ động, độc lập về tài chính và có thể chia sẻ khó khăn trong gia đình. Ở Việt Nam, anh hầu như ở nhà làm online, công việc bếp núc đã có người giúp việc nên người yêu tôi không cần một người vợ "đầu tắt mặt tối" trong bếp.
Khi bắt đầu tìm hiểu, anh ấy biết cá tính và hiểu những mối quan hệ công việc của người phụ nữ mình sẽ chọn làm vợ. Tôi không có quan điểm cứ để thời gian "chết", chỉ ở nhà nhìn chồng làm việc. Thay vào đó tôi xông xáo lo sự nghiệp, tìm kiếm và mở rộng các mối quan hệ tốt, xây dựng cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Đó là điều anh ấy mong muốn ở tôi và cực kỳ hài lòng.
Anh ấy động viên vợ làm những việc mình yêu thích, anh ấy sẵn sàng ở nhà đợi, nấu cơm chờ tôi về ăn cùng hoặc chủ động đến đón. Anh cũng rất hào hứng khi thỉnh thoảng cùng tôi đến dự những buổi tiệc, event…
Ngoài cương vị một người bạn đời, tôi cảm nhận anh ấy như một cộng sự đồng thuận trong công việc. Khi nào cả 2 có con, tôi sẽ dành nhiều thời gian ở nhà, chăm sóc và giáo dục em bé.
- Chị sẽ nói gì trong trường hợp bị chồng trách rằng chỉ quan tâm đến công việc, sự nghiệp?
Nếu trường hợp đó xảy ra, tôi sẽ tổn thương và buồn. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ bình tĩnh soi xét bản thân xem mình có đang ưu tiên những giá trị bên ngoài xã hội hay không, trong khi quãng thời gian đầu mới cưới nên vun đắp cho tổ ấm.
Tôi sẽ tự hỏi bản thân có quá cần một lịch làm việc dày đặc hay không và giá trị bình an, sự hạnh phúc hướng đến là gì? Trước khi kết hôn, tôi vẫn hay thường tự hỏi những điều này và tìm câu trả lời. Tôi cần sự nghiệp và cũng cần gia đình ở lộ trình dài trong tương lai.
Nữ tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng tin tưởng vào người bạn đời tương lai khi cả 2 đều hướng về gia đình.
- Chị tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống riêng, công việc và mối quan hệ vợ chồng như thế nào?
Hạnh phúc lớn nhất của một đời người là có một mái ấm, một người bạn đời hiểu và yêu thương mình, cùng vun đắp xây dựng tương lai. Tôi tin phụ nữ dù thành công đến đâu cũng cần một gia đình vì nó là bệ phóng tốt để mình giữ nhiệt huyết, sự sáng tạo với công việc. Tôi sẵn sàng từ chối những cuộc hẹn, công việc khi rơi vào khoảng thời gian mình đã chuẩn bị sẵn để dành cho gia đình, dù có được trả thù lao cao thế nào. Tôi luôn trân trọng những buổi tối đi cùng bố mẹ, hay những chuyến du lịch mà cả 2 đã sắp xếp.
Việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình luôn là bài toán khó. Lúc cao điểm với công việc, tôi luôn cố gắng sao cho thời gian ở cạnh anh ấy dù ít nhưng chất lượng. Có thể mỗi ngày chúng tôi chỉ có 1-2 tiếng dành cho nhau, nhưng đó sẽ là quãng thời gian vui vẻ, nhiều tiếng cười và tâm sự nhiều điều. Tôi và anh ấy đồng quan điểm yêu nhau không nhất thiết phải "dính như sam". Quan trọng là mỗi người đều thấy không bỏ lỡ hay mất trắng điều gì khi ở cạnh người kia.
- Khi không có người đàn ông ở bên cạnh, chị chăm sóc bản thân thế nào?
Trong 2 năm yêu xa, tôi vẫn chăm sóc bản thân tốt khi không có anh ấy ở bên. Tôi luôn ưu tiên 2 thứ là tinh thần và sức khoẻ. Về sức khoẻ, tôi tự thấy đối xử với bản thân không tệ, không nuông chiều quá mức trong việc ăn uống, duy trì sức bền, sự dẻo dai... Tôi nâng cao giá trị tinh thần bằng việc gặp gỡ bạn bè, lắng nghe những trải nghiệm cuộc sống của họ để tiếp thu quan điểm tích cực, tự nghiệm ra điều thiếu sót… Khi rảnh, tôi đọc sách, xem phim, tự nấu món ăn yêu thích.
- Chị nghĩ sao khi hiện nay nhiều phụ nữ không còn thời gian chăm sóc bản thân bởi quá ưu tiên cho chồng con, việc nội trợ? Nếu có lời khuyên cho họ, chị sẽ nói gì?
Nếu phụ nữ toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, chồng con, bếp núc…, thì điều đó sẽ "đơm hoa kết trái" và mang lại những hồi đáp đáng kể. Nhưng nếu toàn tâm chăm sóc một cái cây nhưng lại không ra trái hoặc làm hại cả khu vườn, thì bạn phải xem xét lại: Liệu rằng việc hết lòng chu toàn nội trợ có nhận phản hồi tốt, có được lời khen từ chồng hay không? Nếu phụ nữ chỉ nhận về toàn lời chê, biết "quả" mình trồng không đúng ý thì nên dừng lại để đầu tư thời gian cho giá trị khác.
Quan trọng là phụ nữ cần nhận biết mình được hồi đáp như thế nào để điều chỉnh, giúp bản thân cảm thấy hạnh phúc nhất. Đôi khi mình cặm cụi lo cho tổ ấm nhưng thứ người đàn ông cần không phải sự hi sinh, mà là một người phụ nữ xông xáo trong công việc thì sao?
- Chị nghĩ một người phụ nữ hiện đại, sống tích cực cần có yếu tố tiên quyết nào?
Đó là sự cảm nhận và trực giác nhạy bén để biết điều mình làm có kết quả tốt hay không, từ trong công việc đến chính mối quan hệ tình cảm, gia đình… Phụ nữ cần quan sát từ những ngày đầu tiên, xem phản ứng của đối phương, sự thành tâm của người đàn ông bên cạnh… Những dấu hiệu này luôn xuất hiện và cần sự tinh tế để nhận thấy. Điều này rất tốt cho hình mẫu phụ nữ hiện đại, để họ không đi quá xa mục đích ban đầu và giữ được sự tích cực cho cuộc sống của mình.
- Chị nghĩ phụ nữ quá lý trí và quyền lực có khiến hôn nhân của họ kém bền, bởi đàn ông ít nhiều sẽ có sự so sánh về vai vế?
Chỉ có những người đàn ông yếu kém mới sợ phụ nữ quyền lực hơn. Người đàn ông có sự mạnh mẽ, bản lĩnh thì họ luôn cần và muốn người phụ nữ tương xứng ở bên cạnh. Tuy nhiên, người phụ nữ hiện đại cũng cần lý trí, tinh tế để đàn ông không có cảm giác mình "ngồi lên đầu", áp đặt họ. 1 rừng không thể có 2 vua, nếu người đàn ông đã là chúa sơn lâm thì mình phải là con hổ cái thông minh. Bản lĩnh người đàn ông luôn dựa rất nhiều vào thể diện. Phụ nữ thông minh nên biết khi nào cần nghe trái tim, lúc nào dùng lý trí.
- Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị!