Mỹ Tâm có thể kiện Chủ tịch UBND Đà Nẵng ra tòa vì phát ngôn tổn hại danh dự.
Thực sự vì không có mặt tại cuộc họp để theo dõi cụ thể diễn tiến tình hình nhưng qua thông tin trên báo chí tôi có thể đưa ra mấy ý kiến chủ quan như sau:
Về chuyện cát-xê, mức giá 6.000USD cho một đêm diễn (còn diễn mấy bài là chuyện khác) của Mỹ Tâm thời điểm này có phải là hét giá hay không? Câu trả lời hoàn toàn không. Với một chương trình quy mô và tầm vóc quốc tế như cuộc thi bắn pháo hoa Đà Nẵng, đã trở thành thương hiệu để thu hút du khách quốc tế trong và ngoài nước mấy năm qua, thì những nghệ sĩ xuất hiện trong chương trình cũng phải thuộc hạng đẳng cấp ngôi sao là hoàn toàn dễ hiểu (và cũng vì vậy tôi đang tự hỏi một chương trình tầm vóc như thế sao lại mời Bùi Anh Tuấn? Nếu có chăng thì cũng phải quán quân Giọng hát Việt mới may ra hợp lý chứ).
Và đã là ngôi sao đẳng cấp cho một chương trình đẳng cấp thì không lý gì anh không biết chi phí trả cát-xê cho họ phải xứng đáng. Đơn giản như dùng hàng hiệu, anh muốn thương hiệu đẳng cấp, danh tiếng thì đương nhiên số tiền anh bỏ ra cũng phải tương đương với giá trị thương hiệu, vậy thôi.
Ông chủ tịch TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nói: "Là người con quê hương đáng ra ca sĩ nên cùng chia sẻ với TP. trong thời điểm khó khăn này, vậy mà ca sĩ Mỹ Tâm chỉ hát mỗi đêm một bài mà đòi cát-xê bằng tiền đô, đã vậy còn buộc TP. phải chịu luôn cả tiền thuế VAT 10% là vô lý quá!".
Mỹ Tâm vướng tới scandal hét giá cát-xê cao.
Tôi cho đây là một kiểu tư duy lạc hậu, hay chính xác là lạc điệu so với dòng chảy quy luật thị trường. Đến tận năm 2013 mà vẫn còn tư duy ấy thì quả là đáng buồn! Tại sao đến mức phải dùng quê hương ra để trả giá cát - xê với nghệ sĩ? Đây đâu phải chương trình từ thiện? Và với các ca sĩ khác không phải quê hương Đà Nẵng thì thế nào? Anh sẽ trả cát-xê sòng phẳng chăng? Chưa kể, nghĩ ở một chiều khác chúng ta càng cần phải trân trọng, sòng phẳng với những đứa con quê hương ấy chứ không phải là chèn ép họ.
Hãy thay đổi cách tư duy chứ đừng bám mãi vào kiểu hành xử cũ kỹ. Thay vì đặt vấn đề 6.000USD cho một ca sĩ Việt Nam là mắc hay rẻ hãy đặt một câu hỏi khác lớn hơn: Bao giờ chúng ta sẽ bỏ ra 100.000 USD hay thậm chí cả triệu USD để có sự xuất hiện của một ngôi sao Việt Nam nào đó? Tôi tin rằng nền công nghiệp giải trí nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung sẽ thực sự phát triển bắt đầu từ tư duy và tầm nhìn như thế chứ không phải bằng tư duy và tầm nhìn tiếc 6.000 USD như hôm nay!
Không chỉ vấn đề cát -xê, qua câu chuyện này còn cho thấy một vấn đề khác là cách hành xử của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến. Có thể hình dung và chia sẻ với ông Chiến vì bức xúc với đối tác thực hiện chương trình (ở đây là công ty Sơn Lâm) nên phản ứng nhưng rõ ràng, với vị trí của ông, nhất thiết ông cần cẩn trọng trong tất cả các phát ngôn và hành xử!
Những chuyện cắt kinh phí tổ chức, cắt ca sĩ nếu bức xúc ông có thể nói ở một cuộc họp nội bộ mang tính chất riêng tư khác chứ không thể đem nói giữa cuộc họp có báo chí tham dự. Đó là chưa kể, qua những gì báo chí tường thuật và sự phản hồi của ca sĩ Mỹ Tâm, tôi e rằng ông cũng chưa nắm tường tận hết vấn đề nhưng rõ ràng những phát ngôn của ông gây ra hậu quả không nhỏ bởi ở đây nó liên quan đến danh dự, uy tín một con người!
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến tuyên bố “cắt” ba ca sĩ
Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Bùi Anh Tuấn ra khỏi DIFC 2013 do đòi cát-xê quá cao.
Chưa kể, cách phản ứng của ông Chiến cho thấy một thói quen vẫn hành xử theo mệnh lệnh hành chính xơ cứng. Nên nhớ, trong mối quan hệ này, các chủ thể như UBDN Đà Nẵng, công ty Sơn Lâm và ca sĩ Mỹ Tâm đều có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau. Nó nên và cần thiết được đặt trong những nguyên tắc giao dịch dân sự đơn thuần trên cơ sở những quy định luật pháp hiện hành. Hành xử theo pháp luật và thượng tôn pháp luật, đó là biểu hiện lành mạnh của một xã hội lành mạnh!
Và nhắc đến pháp luật, theo ý kiến cá nhân, trong trường hợp này ca sĩ Mỹ Tâm có thể kiện Chủ tịch UBND TP. Đà nẵng ra tòa vì những phát ngôn trên nếu xét thấy những phát ngôn trên làm tổn hại danh dự, uy tín cũng như gây thiệt hại về kinh tế cho cô (ví dụ vì lời phát biểu trên mà nhà tài trợ, những thương hiệu cô đại diện cắt hợp đồng, cô bị cắt sô diễn,…).
Nên nhớ, Mỹ Tâm không chỉ là cái tên mà còn là thương hiệu của cô, nó có những giá trị hữu hình và vô hình có thể định giá được. Và nếu điều này xảy ra nó là một tiền lệ tốt, biết đâu sẽ góp phần giúp mọi thứ đi vào sự chuyên nghiệp như đáng ra nó cần phải có như thế!