"Anh Nới con rể cụ Hà Thị Cầu vừa gọi điện báo tin cụ Cầu đã qua đời ", NS Mai Tuyết Hoa nói.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho biết, những người thân thông báo cụ Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h30' trưa nay 3/3 tại nhà riêng. Trước đó vài tuần chị cùng nhạc sĩ Quang Long, Giáng Son xuống Ninh Bình thăm thì thấy cụ nằm bất động một chỗ và cấm khẩu không nói được.
Theo thông tin từ người nhà của nghệ nhân Hà Thị Cầu, khi sức khỏe yếu nhưng vẫn còn nói được cụ căn dặn con cháu nếu ngày nào đó cụ nằm xuống thì hai cây đàn nhị đã đồng hành với cụ nhiều năm qua không được cho ai mà treo ở hai bên của bàn thờ.
Nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu qua đời
Trước sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhạc sĩ Quang Long - một trong những nghệ sĩ trẻ gắn bó với thể loại xẩm bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Anh nói rằng sự ra đi của bà cũng đồng nghĩa với việc chúng ta mất đi một con người đã làm rất tốt xứ mệnh của tổ nghề truyền lại.
Nghệ sĩ trẻ Mai Tuyết Hoa - người học trò khá thân thiết và gắn bó với nghệ nhân Hà Thị Cầu khẳng định cách hát của bà Cầu vô cùng độc đáo và ở Việt Nam gần như không có người thứ hai.
"Trước đây mỗi lần tôi về thăm, bu (cách gọi thân mặt của một số nghệ sĩ hát xẩm ở Hà Nội dành cho nghệ nhân Hà Thị Cầu - PV) vẫn hay cấu véo mắng yêu: "Cha bố mày". Gần đây nhất vào ngày 20 Tết thăm cụ thấy sức khỏe yếu trong lòng trống vắng, buồn vô hạn" - nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa thổ lộ.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật là Hà Thị Năm) sinh năm Mậu Thìn 1928 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (tuổi mẹ đẻ năm nay 85 nhưng tuổi trong giấy tờ thì đã ngoài 90) trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, bà cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
Lên tám tuổi, bà đã đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Sống tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con bà nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó hiện là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình.
Sau đó bà trở thành vợ của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu). Năm đó, ông Mậu 49 tuổi, từng chung sống với 17 người đàn bà, trong đó có 8 bà chính thức. Khi bà gần 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho bà 7 người con, 4 người lần lượt bị mất vì bệnh đậu mùa.
Nhiều năm nay bà Cầu sống cùng vợ chồng người con gái tên Mận. Trong sự nghiệp gắn bó với xẩm, bà đã nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt "Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình" trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.
Bà được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào ngày 25/12/2004 và đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.
Mặc dù những giải thưởng và danh hiệu, nhưng cuộc sống của bà vẫn vô cùng khổ cực. Đến cuối đời, bà vẫn chưa một ngày thoát khỏi cảnh nghèo khó và gia đình bà Cầu thuộc diện những hộ dân nghèo nhất xã Yên Phong.