Nghệ sĩ mưu sinh: “Người ăn không hết, kẻ lần không ra”

Ngày 20/11/2015 18:16 PM (GMT+7)

Cuộc mưu sinh của nghệ sĩ và “thánh đường nghệ thuật” chưa bao giờ rơi vào tình trạng nghiệt ngã như bây giờ.

Trong các chương trình truyền hình giải trí hiện nay, qua lại, lui tới cũng chỉ có mấy gương mặt “thân quen”. Có nhiều người thắc mắc: “Tại sao chỉ có những gương mặt này chiếm sóng màn ảnh nhỏ, còn nhiều nghệ sĩ khác ở đâu?” Phải chăng kém tài, kém duyên?

Trời cho ai nấy hưởng?

Công bằng mà nói, việc một số nghệ sĩ “ngôi sao” chạy sô tối mày tối mặt như hiện nay cũng nhờ tên tuổi nổi tiếng và duyên nghề của họ. Để bảo đảm doanh thu phòng vé và chỉ số người xem cho các bộ phim, vở diễn, chương trình truyền hình giải trí, các đơn vị sản xuất, tổ chức biểu diễn cần có họ. Đối với nghệ sĩ, có cơ hội là phải nắm bắt. Ai cũng có tâm lý “tranh thủ” kiếm tiền, mai sau hết thời có muốn cũng không được.

Nghệ sĩ mưu sinh: “Người ăn không hết, kẻ lần không ra” - 1

Đắt sô đến mức các nghệ sĩ hài: Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương chỉ có được những bữa ăn và giấc ngủ chóng vánh (Ảnh: Facebook của nghệ sĩ)

Đạo diễn Trần Minh Ngọc nói: “Khi nhu cầu giải trí của khán giả tăng lên, các chương trình có yếu tố hài cũng tăng mạnh. Khó có thể trách các nghệ sĩ hài đã quá tham khi nhận nhiều công việc cùng một lúc. Ở đây vấn đề đặt ra là trách nhiệm các nhà sản xuất, các bầu sô bởi hơn ai hết, họ cần phải nhìn rõ việc phân bố công việc cho hợp lý, cố gắng điều chỉnh để có thể dung hòa được cho nhiều nghệ sĩ thực tài cùng tham gia, khán giả cũng không bị nhàm chán khi cứ phải xem hoài những trò diễn, mảng miếng quen thuộc từ sàn sân khấu cho đến màn ảnh nhỏ”.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Chủ nhiệm Sân khấu Sen Việt, lý giải vì sao các nhà tổ chức biểu diễn cần đến các tên tuổi ngôi sao: “Trước hết, họ bảo đảm doanh thu cao cho vở diễn, chương trình biểu diễn. Bằng chứng suất nào có Hoài Linh, Trấn Thành thì vé các vở kịch như “Đại hỷ”, “Không phải vừa đâu”… bán hết sạch; suất nào có người thế vai thì yếu hẳn”.

Giám đốc Công ty Truyền thông Khang Trần Thị Thùy Nga, đơn vị sản xuất chương trình “Cười xuyên Việt”, cho biết thêm: “Cần ngôi sao hài để thu hút lượng người xem, từ đó tìm kiếm những gương mặt diễn viên hài trẻ nổi lên từ chương trình, như hiện nay Dương Lâm của mùa thi “Cười xuyên Việt 2015” đang là nhân vật thu hút sự chú ý của số đông khán giả”.

Thực tế, những nghệ sĩ hài đắt sô làm việc không có thời gian ngơi nghỉ, sức sáng tạo của họ kém dần, tiếng cười nghệ thuật không đạt chất lượng như đã thấy qua một số chương trình đang phát sóng. Chẳng hạn, “Ơn giời, cậu đây rồi!” mùa này kém duyên hẳn so với mùa đầu.

Có nhiều nghệ sĩ vắt kiệt sức chạy sô thâu đêm suốt sáng. Giới sân khấu đã chứng kiến một số nghệ sĩ phải nhập viện vì chạy sô quá kiệt sức, như Minh Béo hay Hoài Linh thường xuyên lộ rõ vẻ mặt mệt mỏi, khan cả tiếng vì thiếu ngủ và phải thường xuyên truyền nước biển vì suy kiệt. Liệu với cách làm việc như thế, họ có mang lại chất lượng tốt nhất cho chương trình mà họ được trả hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng?

Bất công và cay đắng

Trong khi đó, rất nhiều nghệ sĩ không có sô diễn và bị các nhà sản xuất khước từ. Họ bị từ chối thẳng thừng khi có người tiến cử tham gia chương trình truyền hình thực tế. Không phải những nghệ sĩ ít sô là họ bất tài, không được trọng dụng do kém duyên mà vì để bảo đảm độ an toàn về lượng người xem cho chương trình nên các nhà sản xuất, tổ chức chương trình không dám liều khi chọn người khác có độ tin cậy không cao như họ nghĩ. Mặt khác, tình trạng nghệ sĩ đắt sô hay ế sô còn vì nạn ê-kíp, bè phái trong khâu tổ chức sản xuất của các game show, truyền hình thực tế và cả phim. Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan tâm sự: “Chúng tôi ít được quan tâm bởi trong các chương trình biểu diễn, người biên tập vẫn chọn những ai có mối quan hệ thân thiết với họ chứ không còn giao đúng sở trường, đúng vai cho nghệ sĩ”.

Cách đây vài năm, các nghệ sĩ hài chủ yếu chỉ xuất hiện trong các vở kịch dài và những bộ phim mang tầm giải trí cốt tạo tiếng cười cho khán giả trong dịp Tết thì ngày nay, diễn viên hài trở thành những “sao bự” trong làng giải trí khi họ cố chứng tỏ sự đa năng của mình với tần suất xuất hiện ở nhiều vai trò khác nhau, thi nhau công phá showbiz - nơi trước đây chỉ ưu ái cho các diễn viên và ca sĩ hàng đầu. Cuộc tấn công đó mang lại cho họ thu nhập cao, danh tiếng và lượng khán giả hâm mộ ngày một đông.

Đạo diễn Chánh Trực cho rằng: “Khi nghệ sĩ hài trở thành trung tâm của các chương trình giải trí trên truyền hình với nhiều vai trò khác nhau đã tạo nên sự chêch lệch trong cách phân bố công việc khiến người có quá nhiều việc đến mức làm không xuể, còn người làm đúng nghề thì thất nghiệp, ngồi không”.

Cũng theo đạo diễn Chánh Trực, nhiều chương trình truyền hình cần yếu tố hài hước, tạo tiếng cười thu hút khán giả đã tự trói mình vào cái thế không thể thiếu các “ngôi sao hài”. Rất nhiều diễn viên hài được mời vào vai trò thí sinh, làm giám khảo… cốt chỉ để mua vui, chẳng đem lại kiến thức văn hóa nào cho khán giả sau khi xem xong chương trình.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng ít sô không hẳn chỉ vì họ kém tài, kém duyên mà phần nhiều là do lòng tự trọng khi biết từ chối những sô diễn không đúng sở trường của mình. Nghệ sĩ Mỹ Chi nói: “Đâu phải những người “ế sô” là kém tài, họ vẫn đủ bản lĩnh làm hài lòng khán giả nhưng sự phân bố công việc không theo chất lượng, hiệu quả mà chỉ chạy theo xu hướng tức thời đã vô tình tạo hào quang ảo cho một số nghệ sĩ “đắt sô” hiện nay tự xem mình là “vô địch thiên hạ”!”.

Dù lý giải theo cách nào thì vẫn cảm nhận có những bất cập đang đè nặng sự sáng tạo nghệ thuật trong sáng. Cuộc mưu sinh của nghệ sĩ và thánh đường nghệ thuật chưa bao giờ rơi vào tình trạng nghiệt ngã như bây giờ. Những nghệ sĩ tâm huyết với nghề vẫn tự dặn lòng phải sống sao cho xứng đáng với tình thương yêu của công chúng nhưng để bền bỉ với nghề một cách đúng nghĩa, họ phải sống cảnh nghèo khó.

Lộc trời cho đừng nên hưởng tận

Nghệ sĩ Hữu Châu cho rằng: “Giới làm nghề nghĩ rằng Tổ nghiệp cho cái duyên may nên được khán giả thương mến, được nhiều lộc từ công việc. Thế nhưng, với riêng tôi, lộc trời cho không nên hưởng tận, khai thác tận cùng sức lực của mình để thu thật nhiều tiền, mặc cho hiệu quả nghệ thuật kém là việc tôi không làm. Rất nhiều lời mời tôi tham gia ban giám khảo chương trình truyền hình nhưng tôi đều từ chối bởi tôi biết đó không phải là nơi tôi có thể tung hoành sáng tạo”.

Nghệ sĩ Hoài Linh cho rằng đối với anh, hạnh phúc lớn nhất là phấn đấu để đạt được sự yêu thương của công chúng. “Tôi thấy mình có trách nhiệm phải hoàn thành tốt các vai trò khi được mời, việc gì ngoài khả năng thì xin từ chối. Năm sau, 2016, tôi đã bắt đầu từ chối nhiều sô truyền hình thực tế để chỉ xuất hiện trên sàn diễn sân khấu kịch với nhiều vở diễn được đầu tư chăm chút hơn” - Hoài Linh tâm sự.

Theo NSND Phạm Thị Thành: “Thoạt nhìn cứ ngỡ thị trường giải trí đang phát triển rầm rộ, khán giả đang chỉ thích cười. Trên thực tế phim chiếu rạp có chất hài đang bị khán giả tẩy chay, một số chương trình truyền hình thực tế đang có chỉ số người xem yếu hẳn. Một nền nghệ thuật cứ mãi dựa vào việc chọc cười của các “ngôi sao hài” rồi sẽ đi đến đâu?”

Theo Thanh Hiệp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chương trình truyền hình