Lửa Ấm từng khiến khán giả khóc hết nước mắt trước sự hy sinh của Tiến (Tô Dũng) khi giúp đỡ người gặp tai nạn.
Thông tin về 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC (Phòng cháy chữa cháy) hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu nạn, chữa cháy tại quán karaoke trên phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào chiều tối ngày 1/8 khiến người dân cả nước đều đau lòng.
Hình tượng người lính cứu hỏa "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" cũng vì vậy mà được nhiều người quan tâm hơn. Bộ phim Lửa Ấm mang lại bức tranh sinh động về đời sống tinh thần và vật chất, về sự vất vả hy sinh của những người lính phòng cháy chữa cháy, những bác sĩ cấp cứu được phát sóng năm 2020 cũng được nhiều khán giả nhắc tới lần nữa.
Sự ra đi của người hùng thầm lặng
Trong Lửa Ấm, Tiến (Tô Dũng) từng là một thành viên trong tổ cứu hoả của Minh (Trương Minh Quốc Thái) nhưng anh lại bị chuyển công tác sang tổ mang trọng trách thanh tra. Vợ đang bầu bì, Tiến quyết định vừa làm nghề hành chính, kiêm thêm công việc giao hàng để trang trải, lo cho gia đình.
Trong một buổi tối giao hàng, Tiến gặp một vụ tai nạn xe hơi. Anh dặn mọi người gọi cho 114 - đầu số gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn còn bản thân lao ngay vào chiếc xe ô tô để cứu người.
Tiến lần lượt cứu người ra. Có một người đàn ông bị mắc kẹt dưới ghế xe, anh động viên người này bình tĩnh làm theo hướng dẫn của mình và thành công đưa người ra bên ngoài.
Đúng lúc đó, hai vợ chồng già nhớ ra hũ tro cốt của con trai 20 tuổi vẫn còn ở trong xe. Chiến sĩ Hoàng (Mạnh Quân) của đội phòng cháy ngay lập tức xung phong để vào xe tìm hũ tro cốt. Tiến đã cản lại vì cho rằng bản thân đã biết tình hình ở bên trong xe, đi lấy về sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, Tiến vừa bước chân vào bên trong thì chiếc xe phát nổ. Người hùng thầm lặng đã ra đi trước ánh mắt sững sờ, đau khổ của đồng đội.
Sau khi Tiến hy sinh, Minh và Hoàng đã tới nhà tìm vợ Tiến - Hiền (Kim Oanh). Nhìn đôi mắt đỏ ngầu của 2 đồng đội của chồng, Hiền ngay lập tức đoán ra điều chẳng lành. Cô đau khổ tới mức như mất trí, điên cuồng gọi tên chồng. Vì quá sốc trước tin chồng hy sinh, Hiền ngất lịm.
Cảnh Tiến hi sinh lấy nhiều nước mắt của khán giả trong phim Lửa Ấm.
Đang mang bầu nên sức khoẻ yếu lại mất đi người chồng mà mình yêu thương, Hiền suy sụp tới mức phải nhập viện, còn bị ảnh hưởng tới thai nhi.
Trước tranh cãi cho rằng Tiến thời điểm hy sinh đang có vai trò là một shipper nên không có quyền đi giải cứu, đặc biệt là khi có lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn ở hiện trường, diễn viên Tô Dũng tâm sự:
"Tôi thấy ý kiến của khán giả, dưới một góc nhìn nào đó, hoàn toàn hợp lý. Nhưng phải nghĩ ở chiều ngược lại. Tiến là người lính phòng cháy, việc của Tiến là cứu người. Có lẽ lúc ấy, Tiến quên mất hiện tại mình chỉ là shipper, nên cứ lao vào. Thêm nữa, cũng không thể trách Minh hay những người đồng đội khác vì đã để Tiến đi. Bởi trên phim có thể dài 1 - 2 phút, nhưng ngoài đời câu nói ấy chỉ là tích tắc thôi, chưa ai kịp suy nghĩ thấu đáo cả. Minh có thể hoàn toàn tin tưởng người đội phó của mình. Lên được đội phó cũng phải giỏi đó chứ!
Nhưng theo một hướng tích cực, rõ ràng những người lính phòng cháy, cứu hộ - cứu nạn không màng đến hiểm nguy của bản thân, mà họ luôn nghĩ đến người dân trước. Đó là điều đáng quý hơn là việc chúng ta cứ tranh cãi xem nên hay không nên để Tiến lao vào tình huống ấy".
Câu chuyện người lính hy sinh giữa đời thực
Sau khi thông tin về vụ cháy quán karaoke tại Cầu Giấy khiến 3 lính cứu hỏa hy sinh được truyền thông đăng tải, Tô Dũng đã có một bài đăng dài, chia sẻ về những vất vả của nghề mà anh vô tình được biết khi chuẩn bị quay Lửa Ấm. Nam diễn viên ngậm ngùi viết:
"Thương xót quá!
Hồi làm Lửa Ấm, ngoài những lúc quay mình hay lân la chuyện trò cùng anh em, cũng được biết thêm đôi chút về lính PCCC.
Hỏi 1 bạn trẻ măng kém tuổi mình vì sao làm lính PCCC: Tại em thích cứu người, thấy lửa người ta né nhưng mình lại muốn lao vào, trong người nó thế không tả được .
Hỏi 1 anh trợ cấp của các anh thế nào, thì theo trí nhớ hạn hẹp của mình là cháy dưới 2 tiếng thì được bồi dưỡng XX nghìn, từ 2 - 4 tiếng thì XX, từ 4 tiếng trở lên thì XXX (nếu có sai mong các anh em trong nghề đọc được bỏ qua) có thể có 1 chút sai số, nhưng đại loại và chắc chắn mình biết là số tiền ấy nó không thấm vào đâu cả và … VẤT VẢ QUÁ! VẤT VẢ LẮM… Mà hỡi ôi có ai lại mong cháy to cháy lớn cháy lâu để được thêm tiền bao giờ!
Hỏi tiếp, thế cháy to cháy lâu quá thì chịu làm sao: Thì ông nào cầm vòi cứu hoả mà mệt quá, không chịu được nữa thì auto có đồng đội lao vào thay thế, cứ vậy, hết cháy thì thôi!
Đặc thù của lính PCCC theo mình biết là làm 1 ngày nghỉ 1 ngày (mà làm gì có cơ quan đoàn thể nào nhận người làm 1 ngày nghỉ 1 ngày bao giờ, thế thì phải làm gì kiếm thêm thu nhập? Chạy Grab), có anh kể đồng nghiệp của mình nhà đâu đó ở Sơn Tây, ngày hôm nay trực, sáng hôm sau hết ca, giao ban xong chạy thêm grab, tối phi về Sơn Tây ăn bữa cơm với gia đình xong lên Hà Nội chuẩn bị cho ca trực hôm sau, cứ đều đặn như vậy!
Những câu chuyện nho nhỏ tai mình nghe được chẳng hề thêu dệt hay bốc phét. Càng nghe càng thấy cảm phục!
Hồi làm Lửa Ấm, nhân vật lính PCCC của mình cũng hy sinh, nhưng là phim, còn có ai mong điều ấy xảy ra bao giờ.
Nay 3 đồng chí hy sinh vì cứu người, Anh Quân, bạn Việt mình đã gặp, Phúc thì chưa. Nhưng dù gặp hay chưa , dù không thân thiết thì mình cũng biết mọi người yêu cái nghề của mình đến thế nào!
Cảm phục và kính trọng."
Cùng với Tô Dũng, một diễn viên phim Lửa Ấm là Trần Việt Hoàng đã có chia sẻ đầy xúc động về bạn thân của anh - Trung úy PCCC Đỗ Đức Việt - một trong 3 chiến sĩ hy sinh ở Hà Nội vào chiều tối ngày 1/8. Việt Hoàng viết:
Việt Hoàng khi đóng phim "Lửa Ấm".
"Hôm nay nhận được tin, mình không thể kìm lòng được. Ở thời điểm quay phim Lửa Ấm, mình đóng vai một cậu lính PCCC trẻ. Bản thân mình đã lấy Việt - người bạn duy nhất làm nghề phòng cháy chữa cháy - để hình dung về vai diễn. Cậu ấy theo dõi rất tường tận bộ phim mình đóng, bình luận không sót bất kể một bài nào liên quan đến nghề nghiệp của cậu ấy.
Tôi thấy thật tiếc cho một người mà tôi luôn khâm phục, một người mà tôi đã kể cho các diễn viên đóng cùng tôi rằng, ông là bạn tôi - là một chiến sĩ PCCC".
Những khoảnh khắc đời thường của trung úy Đỗ Đức Việt. Ảnh: FBNV