Gắn bó với sân khấu nhiều năm với hàng trăm vai diễn lớn, nhỏ nhưng 12 năm qua, vai Ngọc Hoàng như một cách định danh cho NSƯT Quốc Khánh.
Nét cười dí dỏm, bộ ria đặc trưng cùng lối diễn biến hóa, linh hoạt của anh đã ghi điểm trong lòng khán giả.
NSƯT Quốc Khánh (ảnh nhân vật cung cấp).
Chỉ đi lại và… ho cũng đủ bơ phờ
Trước khi đến gặp “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh, chúng tôi nhận được không ít lời “cảnh báo” dạng như: Gặp Quốc Khánh khó lắm vì số lạ sẽ không nghe điện thoại, đang tập tành cũng miễn tiếp chuyện người ngoài, ở nhà ngủ đến quá trưa mới dậy… Nhưng ngay lần gặp đầu tiên, NSƯT Quốc Khánh đã mang đến cảm giác ấm áp, thân thiện dù bộ dạng có phần bơ phờ, nhàu nhĩ.
“Các bạn tội gì phải cất công đến tận đây xem tôi diễn hài. Đi đường quan sát một chút thì đầy chuyện hay, cười xong là cay xè mắt”, anh mở đầu câu chuyện. NSƯT Quốc Khánh tâm sự, nhiều người cứ rỉ tai nhau, chỉ có dịp tập Táo quân mới “tóm” được anh, còn bình thường mất hút. Nhưng thực tế anh không “lặn” đi đâu cả mà tối ngày cặm cụi ở Nhà hát Kịch Việt Nam, tụ tập bạn bè rồi về nhà chăm các cháu.
Hỏi NSƯT Quốc Khánh về cảm xúc suốt nhiều năm chỉ được “đo ni đóng giày” cho vai Ngọc Hoàng đi đi lại lại trên sân khấu, thỉnh thoảng nói một câu, ho một tiếng, anh cho biết: “Ở nhà, nếu hai cái quạt thông gió phòng tôi không chạy thì tối ngày ho nhưng để ho kiểu Ngọc Hoàng trên sân khấu thật chẳng dễ gì. Nhiều người cũng hỏi tôi đóng vai này mãi thì có ức chế không, nhưng làm sao mà phải ức chế nhỉ. Mình không tung tẩy đi lại, diễn trò như các vai khác thì giữ bản sắc riêng cho mình”. Vì bản sắc riêng ấy mà bao năm nay, cứ đến “mùa” Táo quân, Quốc Khánh lại cùng anh chị em nghệ sĩ ăn mì tôm, uống nước lọc, tập tành thâu đêm suốt sáng.
“Năm nào tôi cũng bị quở là… giời đày! Lao đầu ra khỏi nhà lúc đêm khuya rồi về lúc loa phường phát nhạc. Cuối năm bao nhiêu việc nên gần như tôi chẳng được nghỉ ngơi. Ngoài tập chương trình còn việc nhà, việc cơ quan… nhưng dù thế nào thì đóng Táo quân cũng có nhiều cái lợi”, Quốc Khánh nói. Chia sẻ thêm về cái lợi vừa nói đến, anh cho rằng, với các nghệ sĩ công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, một năm cũng chỉ có một lần đủ tất cả để diễn chung cho vui. Thù lao chỉ là một chuyện nhưng nghệ sĩ thường coi trọng nghề nghiệp, khán giả và kỉ niệm. Với Quốc Khánh, đó là thứ anh “lãi” nhất.
Về vai diễn năm nay, NSƯT Quốc Khánh từ chối tiết lộ bởi ê-kíp Táo quân còn đang luyện tập, nhiều khi phải chỉnh sửa kịch bản. Trước những lời chê chương trình bao năm nay cứ “bổn cũ soạn lại”, anh tâm sự: “Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, tôi không muốn giải thích, thanh minh nhiều. Nhưng nếu bảo Táo quân thiếu tính sáng tạo thì không đúng lắm. Sự thật, các lĩnh vực cả năm biến động thế nào thì đều được chắt lọc qua ngôn ngữ hài. Cả đạo diễn lẫn nghệ sĩ đều trăn trở làm sao để giải quyết được ranh giới giữa tiếng cười và sự thật. Làm sao đúng là phê bình nhưng vẫn có tính xây dựng”.
Là trụ cột gia đình
Ở Nhà hát Kịch Việt Nam, Quốc Khánh thuộc lớp đàn anh. Tốt nghiệp khóa I năm 1982, anh được giữ lại làm diễn viên Nhà hát. Chiến tranh biên giới nổ ra, Quốc Khánh gia nhập quân đội thuộc biên chế Sư đoàn 323 đóng tại Quảng Ninh. Sau 2 năm khoác áo lính, anh trở về Nhà hát công tác cho đến bây giờ. Nhiều người bảo Quốc Khánh “dị”, từ chuyện quanh năm thích diện “cây bò” để đỡ phải giặt nhiều, đến mỗi ngày uống cả lít sữa tươi và mọi đồ đạc trong phòng riêng toàn màu hồng.
“Anh có nghĩ mình “dị” không?”. Trước câu hỏi ấy, Quốc Khánh cười xòa: “Tôi chẳng nghĩ gì cả, còn ai nghĩ là việc của họ. Mọi người yên tâm là tôi không ghét ai bao giờ, không thích thì sẽ không chơi thôi”. Ngoài 50 tuổi vẫn “chăn đơn gối chiếc”, anh từng trở thành đề tài bàn tán, đồn thổi của đám đông. Suốt mấy chục năm qua, anh chỉ có một câu trả lời là do… duyên số. Quốc Khánh tự nhận mình giống chị em ở khoản “mong manh dễ vỡ” nên cứ nghĩ đến chuyện lập gia đình, mất tự do, không được bù khú, quậy phá là “nản dần đều”.
NSƯT Quốc Khánh đang sống cùng bố mẹ, chị gái và các cháu ở phố Bạch Mai (Hà Nội). Đối nghịch với chân dung bụi bặm, Quốc Khánh hài hước nhưng khá nghiêm túc, thâm trầm. Hầu hết đồng nghiệp đều nhận xét, giống như vai diễn của anh, mỗi khi Quốc Khánh cất giọng là “nói câu nào là chết câu ấy”. Anh không nhớ rõ mình diễn hài đã được bao nhiêu năm và anh vui vì mình còn mang lại tiếng cười cho khán giả. Ngoài vai Ngọc Hoàng, tuýp nhân vật có tính cách cam chịu, bị “đè đầu cưỡi cổ” cũng được các đạo diễn “nhằm” vào Quốc Khánh bởi vẻ xộc xệch, thiểu não. Chẳng biết có phải định mệnh hay không nhưng sau những vai diễn đầy thân phận, Quốc Khánh cũng đối diện với nhiều ưu tư thường nhật.
Bao năm nay, con cái đồng nghiệp cơ quan luôn gọi Quốc Khánh là bố. Anh cũng thừa nhận, vì lâu nay quen chăm sóc các cháu nên thấy mình cũng ra dáng người cha. “Hoàn cảnh gia đình tôi có những éo le nên tôi luôn quan tâm chăm sóc gia đình. Những lúc rảnh, tôi dạy dỗ, đưa các cháu con chị gái đi chơi, cho chúng tiền đóng học phí... Trước sự thiệt thòi của trẻ con, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm như một người cha. Còn về chuyện vợ con của tôi, giục giã mãi không được nên cả nhà buông xuôi nhiều năm nay rồi”, Quốc Khánh chia sẻ. Anh trải lòng, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, anh chính là trụ cột lo Tết cho cả nhà. Ngoài vật chất thì hình ảnh một người đàn ông trưởng thành chính là chỗ dựa tinh thần cho gia đình vốn nhiều biến động của anh.
Mỗi năm, nhìn dàn diễn viên tập Táo quân, dù không cố tình nhưng Quốc Khánh một mình một kiểu. Anh xuề xòa về hình thức, ít nói nhưng nói sâu. Mùa đông thường trực “cây bò”, mùa hè diện áo phông, quần soóc ngay cả khi đi… tán gái. Phía sau tiếng cười sang sảng của vai diễn Ngọc Hoàng cất lên mỗi đêm Giao thừa, NSƯT Quốc Khánh sẽ trở về với chân dung khác. Một người đàn ông hơn 50 tuổi, giàu trải nghiệm, quanh quẩn trong căn phòng màu mè có đến hai cái quạt thông gió để xua khói thuốc luôn là sự đối lập mang đến nhiều liên tưởng sâu sa.
Quốc Khánh nói: “Nếu lập gia đình mà phải gò bó thì có khi chết sớm hơn. Tôi chọn cho mình cái chết từ từ. Nhưng biết đâu một ngày đẹp trời, có người phụ nữ nào đến với tôi, hợp duyên số thì sẽ mình mình, tớ tớ cho vui”.