Sau những chuyện tình ngang trái, bệnh tật, điện ảnh Hàn thăng hoa với loạt phim mới.
Những năm 90, làn sóng phim Hàn bắt đầu nổi lên từ những cái tên kinh điển như “Cảm Xúc”, “Hoa Cúc Vàng, “ Người Mẫu” hay “Anh em nhà bác sĩ”… với mô típ là những chuyện tình lãng mạn nhưng trái ngang. Và từ đó, trong tâm thức của nhiều người, đã là phim Hàn Quốc, sẽ phải có bệnh ung thư, bạch mã hoàng tử, hay những ông “trùm”… Thế nhưng đứng trước nguy cơ thoái trào, tự bản thân những nhà làm phim Hàn Quốc đã có không ít sự chuyển mình, đổi mới, giúp làn sóng Hallyu vẫn trụ vững suốt hơn 2 thập kỷ qua.
Đầu tiên không thể nhắc đến sự chuyển mình mạnh mẽ của phong cách làm phim gia đình. Một chủ đề tưởng chừng như đã quá quen thuộc với những bi kịch cuộc đời, bí mật thân thế và âm mưu trả thù. Thế nhưng những năm gần đây, thay thế cho những bộ phim dài lê thê hơn cả trăm tập, đã có những bộ phim gia đình được sản xuất ngắn gọn hơn với một phong cách cũng tươi mới hơn. Có thể kể đến những cái tên như “Reply 1997”, “Reply 1994” hay “Nông dân hiện đại”, “Số chín định mệnh”… tuy có nội dung về gia đình nhưng những bộ phim này đều đựng xây dựng theo lối hài hước, nội dung không quá kịch tính nhưng hấp dẫn ở những câu thoại giản dị mà gần gũi, vì thế nên lượng người xem không chỉ dừng lại ở các bà nội trợ mà còn mở rộng ra các đối tượng như sinh viên, học sinh…
Những bộ phim gia đình với phong cách hài hước.
Ngoài nội dung ân oán tình thù, Hàn Quốc còn nổi danh với các bộ phim mà nhân vật chính thường mắc bệnh nan y ung thư. Nhưng có lẽ giờ đây “ung thư” đã không còn là tình tiết vàng bởi lẽ các phù thủy biên kịch Hàn Quốc đã chuyển hướng sang khai thác những căn bệnh lạ tuy nan y nhưng không hiểm nghèo, nên vừa gây được sự tò mò cho người xem, vừa không làm bộ phim đi vào những lối mòn của các phim đi trước.
Điểm qua các bộ phim gần đây lấy chủ đề là những căn bệnh lạ như “Chỉ có thể là yêu” với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, “Cô bé người gỗ” với hội chứng Pinochio - nấc cụt mỗi khi nói dối và gần đây nhất là “Heal me kill me” với hội chứng đa nhân cách… Nếu để ý sẽ thấy đa phần đều là các hội chứng thần kinh, nguyên do có lẽ bởi vì mội trường làm việc khắc nghiệt, đầy áp lực khiến số lượng bệnh nhân mắc phải các triệu chứng tâm thần ở xã hội Hàn Quốc ngày càng tăng cao. Tuy vậy, không phải ai cũng có cái nhìn đúng đắn về các loại bệnh tâm thần mà hầu hết đều e dè, tư thấy mặc cảm với bản thân nên không có cách điều trị đúng đắn.
Song song với các chứng bệnh lạ, một mô típ mới toanh trong phim Hàn cũng đang gây sốt chính là mô típ nhân vật chính sở hữu năng lực siêu nhiên. Không giống với các anh hùng siêu nhiên thường thấy ở phim truyền hình Mỹ, hầu hết các nhân vật phi thường trong phim Hàn chỉ thực hiện các sứ mệnh đời thường chứ không quá to tát, vĩ đại. Chính điểm này khiến các nhân vật gần gũi với hiện thực hơn.
Những nhân vật có năng lực siêu nhiên.
Khả năng phi thường của các nhân vật cũng không đến mức khó tin, thường là nhìn thấy và trò chuyện với các linh hồn đã khuất như trong “Mặt trời của Chủ quân”, nghe được suy nghĩ của người đối diện trong “Đôi tai ngoại cảm”, hay năng lực phi thường của người ngoài hành tinh trong “Vì sao đưa anh tới”… Hầu hết, các tác phẩm này đều thành công vang dội vì mảng đề tài này vừa mang lại nhiều sự thần bí, kích thích sự tò mò của người xem, vừa là mảng đề tài mới trên màn ảnh nhỏ xứ Kim Chi khiến người xem cảm thấy thích thú với mô típ mới lạ.
Bộ phim Vì sao đưa anh tới tạo nên thành công cho hai tên tuổi Kim Soo Hyun và Jeon Ji Hyun:
Cuối phải kể đến mô típ đã làm mưa làm gió trên truyền hình từ khoảng năm 2012 trở lại, đó là mô típ xuyên không. Bắt đầu nở rộng kể từ bộ phim “Hoàng tử gác mái” và “Nam nhân của hoàng hậu Inhyun” kể về câu chuyện của những hoàng tử, quý tộc thời Choseon bị lạc đến thế giới hiện đại, phải tìm mọi cách để thích ứng với một thế giới vô cùng lạ lẫm. Chính điều này đã tạo ra không ít những tình huống dở khóc, dở cười lôi cuốn khán giả xuyên suốt các bộ phim Hàn.
Hoàng tử gác mái và Nam nhân của hoàng hậu là hai bộ phim khởi đầu cho mô típ xuyên không.
Kể từ sau đó hàng loạt các bộ phim có mô típ từ quá khứ lưu lạc đến hiện tại hoặc ngược lại ra đời như “Dr Jin” hay “Tín nghĩa”. Không chỉ dừng lại ở đó, mô típ này còn phát triển hơn khi biến tình tiết xuyên không, không chỉ là sự di chuyển giữa các mốc thời gian trong lịch sử nhân loại mà còn là giữa các mốc thời gian trong đời người, khiến bộ phim không chỉ dừng lại ở câu chuyện phiêu lưu kỳ bí mà còn giúp người xem nghiền ngẫm nhiều hơn về cuộc đời ngắn ngủi của mỗi con người. Có thể đơn cử như bộ phim “9 lần vượt thời gian” hay “14 ngày định mệnh”, những cái tên gây được tiếng vang với chủ đề xuyên không hiện đại.