Cuộc cạnh tranh thị phần khán giả mang tính chất sống còn với các nhà đài.
Khán giả Việt Nam từ trước đến nay luôn dành rất nhiều thiện cảm cho các bộ phim Hàn Quốc, kể từ thời rớt nước mắt vì những cuộc tình mô tuýp "ung thư máu" cho đến thời bùng nổ dòng phim thần tượng ngày nay. Khái niệm drama Hàn đã không còn cần phải cắt nghĩa chi li trong từng bài viết, thay vào đó, nằm lòng trong trí nhớ của chị em có chung niềm đam mê ôm màn hình mỗi tối.
Mặc dù chúng ta thỏa thích xem những bộ phim Hàn Quốc trên sóng truyền hình quốc gia với thuyết minh tiếng Việt, hoặc háo hức download các tập phim mới ngay khi vừa có phụ đề với tốc độ chỉ sau người Hàn vài giờ đồng hồ; thế nhưng ở xứ nhân sâm, khán giả phải trả tiền để xem những drama mà họ yêu thích.
The Heirs - Hiện tượng truyền hình Hàn Quốc năm 2013.
3 đại gia truyền hình Hàn Quốc là KBS, SBS và MBC (cùng một vài kênh truyền hình cáp như Mnet) cùng đồng hành và tranh nhau từng chút một thị phần khán giả. Cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt vì nó quyết định sự thành, bại của không chỉ một bộ phim mà còn là sự tồn tại của cả một kênh thông tấn. Mỗi tháng, một hộ gia đình ở Hàn Quốc chi trả khoảng 7000 won (7 USD) cho việc xem tivi, muốn chiếm được cảm tình và thu về lợi nhuận khổng lồ từ khán giả, buộc các nhà sản xuất phải tranh nhau miếng bánh chung mang tên "rating".
Rating là gì?
Mặc dù chúng ta thường xuyên được bạn bè quảng cáo là "phim này rating cao" và hộc tốc download, nhưng trên thực tế chưa chắc đã nắm rõ thế nào là rating. Liệu đó có phải là phim đang hot nhất, nhiều người xem nhất hay không?
Rating là số liệu tỉ lệ người xem trung bình tại 1 thời điểm chiếu. Ví dụ: bộ phim "Boys Over Flower" đạt 31% có nghĩa là tại thời điểm đó, có rất nhiều chương trình phát sóng nhưng có tới 31% người đang theo dõi bộ phim này.
Bảng xếp hạng rating phim Hàn được TNS công bố ngày 26/2.
Tỉ lệ rating được tính bằng một thiết bị đặc biệt gắn ở tivi. Mỗi khi người xem chuyển kênh thì thao tác này sẽ lưu lại trong bộ nhớ, sau đó được chuyển về trung tâm để tính toán và công bố rộng rãi.
Dựa vào rating mà các nhà sản xuất, chuyên môn có thể đánh giá được tác phẩm đó ra sao, có được khán giả yêu thích hay không. Vì ở Hàn Quốc, nhà sản xuất vừa làm phim, vừa biên tập và chiếu ngay sau đó, nên tỉ lệ rating khá quan trọng. Nó sẽ là nguồn kích thích rất lớn (nếu cao) và cũng có thể khiến cả đoàn làm phim tiu nghỉu vì rating thấp.
Đặt món ăn lên mặt bàn không thể không nghĩ tới người sẽ thưởng thức nó, bởi vậy nhu cầu của người xem là điều cần ưu tiên số 1 với nhà đài. Tại Hàn Quốc hiện áp dụng song song hai hệ thống kiểm kê rating là AGB và TNS có từ năm 2000 và duy trì cho đến nay. Việc tiến hành đo rating rất quan trọng với nhà đài và nhà sản xuất bởi nó chi phối 2 yếu tố chính: khán giả và thương mại.
Chuyện tình Harvard - bộ phim được khán giả Việt mê mẩn.
Xét trên yếu tố người xem, rating chính là thước đo thị hiếu khán giả. Điều quan trọng là nhà sản xuất kiểm chứng được thị hiếu người xem, họ đang phát cuồng drama nào và quay lưng lại với phim nào. Nếu không có rating, các đài truyền hình sẽ chỉ sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình mà họ nghĩ và hy vọng khán giả sẽ đón xem chứ không thể biết trước diễn biến trong tương lai của những drama kéo dài tới gần 100 tập.
Chuyện tình Paris - một trong những phim Hàn Quốc có rating kỷ lục.
Về tính thương mại, các đài truyền hình có thể kiểm soát được hiệu quả cũng như mức độ thỏa đáng về mức giá quảng cáo mà họ đưa ra cho những doanh nghiệp. Tất nhiên, các doanh nghiệp lớn sẽ muốn sản phẩm của họ được xuất hiện trong những khung giờ vàng, có nhiều người theo dõi nhất, và theo đó, mức giá quảng cáo sẽ được phân chia phù hợp. Ngoài ra, dựa vào các con số phân tích, các doanh nghiệp sẽ biết được đối tượng mà sản phẩm của họ hướng đến và thậm chí duy trì hay cắt ngắn tổng thời lượng của một bộ phim đang phát sóng dở.
Điều tra rating bằng cách nào?
AGB hay TNS không thể tiến hành điều tra tỉ lệ bạn xem đài trên phạm vi toàn đất nước Hàn Quốc. Việc điều tra được tiến hành chọn lọc ở các thành phố lớn với dân số đông như thủ đô Seoul, thành phố Busan, Daegu, Daejeon, Kwangju...
Trước khi tiến hành điều tra rating, các công ty thống kê sơ bộ về số lượng tivi mà một hộ gia đình sở hữu, thu nhập, giới tính, độ tuổi của các thành viên trong gia đình đối với khoảng 30.000 hộ dân trong khu vực điều tra rồi sau đó lựa chọn ra số ít các hộ gia đình có thể đại diện cho người xem trong cả nước.
Sau khi đã lựa chọn được các hộ panel (các hộ sẽ tiến hành điều tra rating), công ty điều tra sẽ đến từng hộ gia đình để cài đặt một thiết bị điều tra nhỏ gọi là people meter (tỉ xuất người dùng) vào các thiết bị thu sóng trong gia đình đó.
Kết quả rating hàng tuần sẽ là dữ liệu hữu ích cho nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong gia đình thuộc đối tượng điều tra sẽ được công ty điều tra cấp cho một con số cố định, mỗi khi bắt đầu xem chương trình, họ sẽ nhấn số cố định đó vào bộ handset (điều khiển) của riêng mình. Khi không xem nữa, họ phải nhấn off ở handset. Bộ handset này được nối với people meter cài ở tivi.
Như vậy, vào thời điểm nào, người nào (nam hay nữ, độ tuổi bao nhiêu) xem chương trình gì, tất cả thông tin đều được truyền về trung tâm xử lý dữ liệu của công ty điều tra. Công ty điều tra sẽ căn cứ vào đó để tính rating cho các chương trình. Rating càng cao chứng tỏ số người xem càng nhiều, mức độ quan tâm đến chương trình lớn.
Quyền lực của rating
Nếu như doanh thu phòng vé là con số chứng minh độ thành công của một phim điện ảnh ăn khách thì với phim truyền hình, rating chính là thang đo chuẩn mực. Khán giả cũng chính là những người được hưởng lợi rõ rệt từ kết quả rating, họ chắc chắn bỏ tiền túi ra để xem những bộ phim hot nhất thay vì liều mình dành thời gian xem một bộ phim hời hợt, không có gì đảm bảo chất lượng.
Thần y Huh-Joon cũng lọt top kỷ lục rating của phim Hàn.
Khán giả được lợi, nhà đài... càng có lợi! Hiện nay ở Hàn Quốc có thể chia thành hai đối tượng sản xuất phim ở Hàn Quốc. Một là các đài truyền hình trực tiếp đứng ra làm phim rồi phát sóng trên kênh truyền hình của đài. Hai là các công ty chế tác bên ngoài trực tiếp sản xuất rồi bán lại cho đài truyền hình. Hầu hết các drama hiện nay được sản xuất theo cách thứ 2.
Với các bộ phim do hãng bên ngoài sản xuất, đài truyền hình sẽ tính toán chi phí sản xuất, chi phí cho ê-kíp làm phim (đạo diễn, diễn viên...) đối với từng tập phim rồi trả cho công ty sản xuất. Hay có thể nói cách khác là, nhà đài mua lại phim của công ty chế tác. Giá cho một tập phim rất đa dạng, dao động từ 5 triệu won (tương đương gần 5.000 USD) đến 100 triệu won.
Nàng Dea Jang Geum - bộ phim quen thuộc với khán giả Việt.
Nếu bộ phim có rating cao hoặc thậm chí chưa được phát sóng nhưng được chú ý nhờ dàn diễn viên, đạo diễn, biên kịch thu hút được nhiều khách hàng mua bản quyền phát sóng, nhà đài sẽ là người đầu tiên được hưởng quyền bán phim trước với lý do, nhà đài bỏ tiền ra mua phim để phát sóng nên cũng được quyền bán phim. Quyền ưu tiên này kéo dài trong khoảng từ 2~3 năm, và trong khoảng thời gian đó, công ty chế tác không thể bán phim theo ý mình. Tuy nhiên, nếu công ty chế tác bán được phim thì phải chia đôi lợi nhuận với nhà đài.
Ngoài ra, nếu trong quá trình làm phim cần trường quay riêng, nhà sản xuất sẽ tiến hành xây dựng. Sau đó, có thể thu lợi nhuận bằng cách biến khu trường quay này thành điểm thu hút khách du lịch. Điển hình là bộ phim Bản tình ca mùa đông năm 2002, cảnh quay lãng mạn của Bản tình ca mùa đông đã trở thành khu du lịch yêu thích của các du khách đến Hàn Quốc.
Hoàng cung thành công nhờ có tỷ lệ rating quá cao, nhưng phần 2 của bộ phim lại thất bại.
Rating còn quyết định mức chi phí tiền chế tác cho một tập phim, nếu tập phim có rating cao nhất (trong số các phim phát sóng cùng giờ) sẽ được trả chi phí sản xuất tới 150 triệu won/tập, bên cạnh đó nếu phim có rating cao, giá quảng cáo vào trước giờ chiếu sẽ đắt hơn.
Với một bộ phim có rating cao, dàn ekip làm phim, diễn viên sẽ được báo đài biết đến và được nhắc đến nhiều. Nhờ rating cao, tên tuổi của ekip, diễn viên đó cũng vì thế sẽ tăng thêm, có uy tín hơn và được các nhà sản xuất “săn đón”.
Very Good Days của đài KBS vừa phát sóng tập đầu tiên đã đạt rating 23,8%.
Bộ phim truyền hình cuối tuần mới của đài KBS Very Good Days mới phát sóng cách đây 4 ngày đã đạt mức rating ấn tượng 23.8% ngay trong tập đầu tiên. Phim phát sóng ngay sau Wang Family, một bộ phim cuối tuần thành công khác của đài KBS với mức rating 19.7%.
Bộ phim có sự góp mặt của Lee Seo Jin, Kim Hee Sun, và 2PM's Taecyeon. Thay vì là bộ phim cuối tuần thông thường với những mâu thuẫn mạnh mẽ, thì đây là một câu chuyện tươi mới nói về đề tài gia đình.
Phim được chú ý một phần vì có sự xuất hiện trở lại của Kim Hee Sun sau thời gian dài mai danh ẩn tích, cùng với ngôi sao thần tượng vô cùng điển trai Taecyeon. Khởi đầu với rating 23.8% là một kết quả khá mỹ mãn, tuy nhiên đây cũng chỉ là con số khởi đầu, còn việc có duy trì được sự yêu thích của khán giả hay không phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản và diễn xuất của các diễn viên ở tập tiếp theo.
Tạm kết
Với cuộc cạnh tranh khủng khiếp của cùng lúc nhiều kênh truyền hình, bình quân rating của các bộ phim ngày nay có phần giảm xuống như một hệ quả tất yếu. Đã qua rồi cái thời một bộ phim như Mối tình đầu (1997) chễm chệ thị phần tới 50% vì mang tính độc quyền. Tuy vậy, không thể phủ nhận một sự thật, con số rating cũng đem đến một hiệu ứng ngược, đó là khi các nhà sản xuất mải chạy theo thị hiếu người xem mà quên mất khâu kịch bản, yếu tố nghệ thuật; thay vào đó là những ngôi sao hào nhoáng và yếu tố "cơn sốt" lấn lướt tất cả.
Mối tình đầu - kỷ lục số 1 về rating phim Hàn Quốc.
Trong khi ở nhiều quốc gia, con số rating vẫn là một khái niệm xa vời, thiếu thực tế thì đây lại là mồi câu cơm của các đại gia truyền hình Hàn Quốc. Mặc dù con số này không phản ánh hoàn toàn tính chất hay - dở hay thành công của một bộ phim, nhưng lịch sử đã chứng minh những bộ phim có rating cao nhất từ trước đến nhau đều là những tác phẩm quá đỗi tuyệt vời.
(Xem tiếp phần 2: "Những kỷ lục rating trong phim truyền hình Hàn Quốc" trên Eva.vn vào lúc 14h ngày 28/2/2014).