Là những nghệ sĩ có mức cát-xê cao nhất nhưng họ lại có hành vi gian lận thuế.
Là những nghệ sĩ có mức cát-xê cao nhất nhưng theo số liệu công bố của Cục thuế TP. HCM, họ lại là những người có hành vi gian lận thuế khi mức đóng góp theo nghĩa vụ của họ thậm chí chỉ bằng với người… làm công ăn lương.
40 triệu/tháng là… nghèo!
Trong số các ngành nghề nghệ thuật hiện nay, ca sĩ là nghề có thu nhập cao nhất và có show diễn đều đặn nhất. Nhưng nếu “điểm danh” những người có thu nhập cao cũng chỉ tập trung vào chừng 5-10 người. Đây cũng là nhóm có hành vi trốn thuế cao nhất và buộc Cục thuế TP.HCM phải tiến hành truy thu với số tiền lên đến gần 1,3 tỷ đồng hôm 11/7 vừa qua.
Là ca sĩ nổi tiếng và đang đắt show, Đàm Vĩnh Hưng là cái tên “nghi vấn” trong 5 nghệ sĩ bị truy thu thuế lần này.
Trong số 5 người bị truy thu lần này, dù không công bố danh tính cụ thể nhưng căn cứ vào những “dữ liệu” công bố thì công chúng dễ dàng nhận biết người đó là ai. Chẳng hạn, một nam ca sĩ nổi tiếng và gần đây xuất hiện trong vai trò thành viên ban giám khảo của nhiều Game show truyền hình nhưng số liệu kê khai thuế lại không sát với mức thu nhập thực tế. Sau khi phối hợp với Sở VH-TT&DL lấy giấy phép biểu diễn, Sở Công Thương cấp phép quảng cáo, Công an TP.HCM về các chương trình biểu diễn ở nước ngoài của văn nghệ sĩ, mức thu nhập của nghệ sĩ này được biết không dưới 100 triệu đồng/show. Chính vì vậy, số tiền bị truy thu với ca sĩ này lên đến gần 700 triệu đồng trong 3 năm, từ năm 2010 - 2012.
Một nữ ca sĩ nhạc thị trường thuộc top cát-xê cao và gần đây càng nổi danh trong vai trò giám khảo một chương trình truyền hình thực tế cũng thuộc diện phải truy thu lần này. Ngoài ra, ca sĩ này còn được coi là “nữ hoàng quảng cáo” nhưng số thuế phải nộp lại rất thấp. Cả năm 2009, ca sĩ này chỉ nộp 37 triệu đồng tiền thuế. Năm 2010, số thuế phải nộp của cô giảm còn 30,6 triệu đồng, đến năm 2011 con số này giảm đến mức khó tin khi chỉ nộp hơn 8,1 triệu đồng. Trong khi đó, đơn vị sản xuất của chương trình Giọng hát Việt từng tiết lộ với phóng viên, để mời các nghệ sĩ vào ghế Huấn luyện viên, cát-xê phải trả cho nghệ sĩ không nhiều thì cũng phải bằng với giá trị phần thưởng của thí sinh (500 triệu đồng).
Dù Cục thuế TP HCM không công khai danh tính người trốn thuế, nhưng với những người tổ chức sự kiện, bầu show, thu nhập từng show diễn của từng nghệ sĩ với họ không có gì khó khăn. Một bầu show ở Hà Nội cho biết, giá cát-xê trên thị trường hiện nay của các ca sĩ mà tên tuổi của họ gắn liền với việc bán vé tốt, như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm trung bình từ 100-120 triệu đồng. Tuy nhiên, tùy từng show diễn (sân khấu chỉ 2000 chỗ), cát-xê cũng có sự điều chỉnh xuống cỡ còn 80 triệu. Nhưng nếu là các chương trình sự kiện, giá này lại có sự giao động rất lớn. Chẳng hạn như dư luận từng xôn xao thông tin Đàm Vĩnh Hưng đút túi hơn 200 triệu đồng để hát trong đám cưới con trai của một nữ đại gia tại Hà Tĩnh. Những ca sĩ mới vào nghề nhưng có chút tên tuổi cỡ như Hương Tràm, Văn Mai Hương, Uyên Linh... cát-xê cũng phải từ 20-40 triệu, tùy sự kiện.
Bộ luật Hình sự năm 2009 đã quy định người nào trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng… thì bị coi là phạm tội trốn thuế và bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm; trốn thuế với số tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Người trốn thuế với số tiền từ 600 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. |
Nghề ca hát kiếm tiền dễ vậy, chẳng trách, ca sĩ Phương Thanh khi đi đóng phim đã kêu ca phàn nàn rằng, “đóng xong một bộ phim được trả 80 triệu, nhưng vất vả cực nhọc trong suốt 2 tháng. Vị chi mỗi tháng chỉ kiếm được 40 triệu thì đói quá còn gì. Cũng may là tham gia game show, được 120 triệu nhưng coi như năm nay cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu thôi”.
Nhận hàng trăm triệu/show không hiếm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức cát-xê của các nghệ sĩ Hà Nội thực tế cũng theo “ba-rem” chung. Với các ca sĩ nổi tiếng nhưng kén dòng nhạc hơn thì con số này cũng ổn định ở mức 2.000-3.000 USD. Chẳng hạn, trong đêm nhạc của một nhạc sĩ nổi tiếng mới diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội, trong khi ca sĩ N.A từ hải ngoại về nước được trả 4.000 USD/một đêm (chưa kể giá vé máy bay, ăn ở, đi lại) thì các ca sĩ trong nước chỉ được trả một nửa. Tùng Dương trong chương trình nghệ thuật của một thương hiệu lớn hồi cuối năm ngoái, diễn ở 5 thành phố lớn trong cả nước nhưng theo tiết lộ của đơn vị tổ chức, mỗi đêm nghệ sĩ này được trả tới 80 triệu đồng.
Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền cũng có cát-xê khá cao.
Là một đạo diễn thuộc hàng đắt show nhất miền Bắc hiện nay, tham gia dựng vở cho hầu hết các đoàn nghệ thuật phía Bắc, NSND Lê Hùng không ngần ngại tiết lộ: “Có vở tôi làm 200 triệu, nhưng có vở chỉ 100 triệu hoặc 50 triệu. Những đoàn tình nghĩa với mình thì mình không đặt nặng vấn đề kinh phí. Có bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu, tôi làm không phải vì tiền. Thông thường một vở tôi dựng khoảng 5 ngày, có vở 10 ngày, vở 1 tháng... Như vở nhạc kịch kinh điển của Nhật Bản Yuzuru – “Sự trả ơn của con hạc” mới trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội hôm 29 và 30/3 chẳng hạn, họ trả cho tôi 20.000 USD” (khoảng hơn 400 triệu đồng).
Hay như nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền trong lần trả lời phỏng vấn của phóng viên, tuy không cho biết con số cụ thể nhưng nghệ sĩ này khẳng định, cát-xê của chị luôn thuộc dạng cao nhất miền Bắc.
Còn ông Lương Đình Dũng, Giám đốc Công ty truyền thông Tứ Vân Media - một đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm hài Tết tiết lộ: “100 triệu vẫn còn ít. Có diễn viên chúng tôi từng trả vài trăm triệu đồng”. Sau Cục thuế TP HCM, Hà Nội cũng là địa phương sôi động với nhiều sự kiện nghệ thuật nhưng lại ít khi thấy Cục thuế Hà Nội nhắc nhở các nghệ sĩ tại đây chuyện kê khai thuế. Phải chăng chuyện nộp thuế ở đây tốt hơn hay thu nhập của các nghệ sĩ Hà Nội không bằng các thị trường phía Nam?