Ở tuổi 70, một ca sỹ vẫn toả sáng trên sân khấu, nhưng người nhạc sỹ thì khác.
Ở tuổi 70, nhạc sỹ Phó Đức Phương bị mời ra khỏi khu vực biểu diễn của đêm nhạc Trịnh Công Sơn, trong khi ca sỹ Khánh Ly - người kém ông một tuổi ngân nga những giai điệu trên sân khấu trong sự tán dương của khán giả. Sự khác biệt của một người viết nhạc và người ca sỹ ở chỗ đó, dù ở lứa tuổi nào, ca sỹ cũng được nhớ đến và có chỗ đứng riêng, còn chỗ đứng của nhạc sỹ là nơi hậu trường, hoặc cũng có thể là ở một nơi không ai bận tâm.
Nhìn Phó Đức Phương, ít ai nghĩ ông là một nhạc sỹ, một vị giám đốc.
Đối với tác giả của những khúc ca hùng tráng như Chảy đi sông ơi; Hồ trên núi; Trên đỉnh Phù Vân... hàng triệu thế hệ người Việt nhớ như in những giai điệu tự hào cất lên trong tâm khảm mỗi khi nghe Mỹ Linh, Thanh Lam thể hiện chúng. Nhưng chẳng ai muốn thấy một hình ảnh Phó Đức Phương đứng chất vấn tay đôi về chuyện tiền bạc với những người mai tóc còn xanh, tay chỉ vào mặt nhau khi nói chuyện, và nhất là việc ông bị mời "ra rìa" chương trình mà mình đang cố đứng ra bảo vệ người làm nhạc.
Người sống theo đạo lý
Thời gian qua, câu chuyện tác quyền nhạc Trịnh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết vì những tranh cãi không đi đến hồi kết liên quan đến chuyện bản quyền trong chương trình biểu diễn Khánh Ly giữa Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với đơn vị tổ chức.
Khánh Ly - hình ảnh tiêu biểu về người nghệ sỹ bất hủ trên sân khấu ca nhạc.
Sự việc lên đến đỉnh điểm khi nhạc sĩ Phó Đức Phương phải đến tận Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội và bay vào Đà Nẵng để đòi tiền tác quyền vì không thống nhất được với đơn vị tổ chức.
Sau những đụng độ "nóng máu" giữa hai bên mà chưa có hồi kết, chiều 27.8, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã mời các bên tới làm việc. Theo đó, thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng hai bên đã đi đến thống nhất Đồng Dao sẽ phải trả VCPMC số tiền là 250 triệu đồng (cộng thêm thuế VAT là 275 triệu đồng) cho 2 đêm diễn Khánh Ly.
Lý giải về con số trên, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Căn cứ theo Nghị định 61 của Thủ tướng Chính phủ quy định, tác giả (tức nhạc sĩ) được hưởng từ 15-21% số tiền nhà tổ chức thu được trong đêm diễn. Nghĩa là, nhạc sĩ được hưởng 21% tính theo số ghế trong chương trình của đêm diễn nhân với giá vé bình quân.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương là người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho hơn 2000 tác giả tại Việt Nam.
Điều này đã được phía Nam thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên miền Bắc thì ngược lại. Xét về hoàn cảnh và tình hình thu tiền tác quyền ở miền Bắc, chúng tôi xác định cần phải làm mềm mỏng để các đơn vị tổ chức quen dần với việc trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ, nên chúng tôi chỉ thu 5% cho 65% số ghế của chương trình, thay vì thu 5% cho 75% như ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Còn với live show của ca sĩ Khánh Ly, đơn vị tổ chức là Công ty Đồng Dao đã luôn miệng than khó khăn, vì vậy xét về tình, về lý chúng tôi tiếp tục giảm xuống còn 5% cho 40% số ghế cho chương trình này".
Chia sẻ về tờ giấy xác nhận cho phép Khánh Ly sử dụng tác phẩm có chữ ký của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 2000 (có xác nhận của tòa án Mỹ, do ca sĩ Khánh Ly gửi về và được công bố chiều 27.8), Phó Đức Phương khẳng định: "Đến đứa trẻ cũng hiểu số tiền 5.000 USD và những gì được viết trong tờ giấy đó không có nghĩa Khánh Ly được sử dụng tác phẩm của Trịnh Công Sơn cả đời...".
Phó Đức Phương thấy nực cười trước những chứ cứ từ phía nhà sản xuất đêm nhạc Khánh Ly - Trịnh Công Sơn.
Bình luận về nội dung tờ giấy xác nhận ghi “Tôi đồng ý cho ca sĩ Khánh Ly sử dụng các bài hát của tôi. Tiền tác quyền là: 5.000 USD”, nhạc sỹ Phó Đức Phương cho rằng: “Tôi thấy thực nực cười nếu họ đưa tờ giấy đó để tiếp tục chày cối, cãi lý trong vụ này. Một tờ giấy ghi chung chung và mập mờ, không rõ ràng về thời điểm và chương trình biểu diễn hoàn toàn không có tính pháp lý để Khánh Ly và đơn vị tổ chức đưa ra để tránh né việc thực hiện trả tiền bản quyền tác giả".
Vị nhạc sỹ đáng kính cũng thẳng thắn: “Tôi được biết tờ giấy xác nhận đó do Khánh Ly gửi từ Mỹ về Việt Nam. Nếu quả thật như thế, tôi cho rằng hành động của Khánh Ly không phải là hành xử đẹp của cô ấy với anh Sơn. Nó hạ thấp danh dự và tầm vóc giọng ca của cô ấy".
Nhạc sỹ cũng nói thêm: "Thử hỏi pháp lý và nghĩa tình thâm sâu mức nào mà đưa con số 5.000 USD và vài chữ giản đơn để mua đứt cả một gia tài âm nhạc. Phải chăng vì quá tham lam đã đẩy người nghệ sĩ vượt qua giới hạn của sự thông tuệ và đạo đức?”.
Người sống bằng tình cảm
Là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ... Có sự nghiệp thành công, nhưng ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật. Ông hay tủi thân và thường than thở về sự thiếu quan tâm của những người xung quanh.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sống những ngày tháng cuối đời bằng một phần tiền trợ cấp từ VCPMC.
Trong căn phòng chưa đầy 10m2, bề bộn đồ đạc, người nhạc sĩ già nằm lẻ loi trên giường. Dù đôi mắt, gương mặt vẫn còn vẻ tinh anh, ông gần như liệt giường từ cách đây một tháng, sau lần thứ ba bị tai biến. Mọi hoạt động của ông đều phải nhờ sự hỗ trợ từ người giúp việc đã ngoài 50 tuổi.
Gần 90 tuổi, những gì còn lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là bằng khen, những tấm ảnh chân dung và một số nhạc cụ treo trên tường. Ông rơi nước mắt nhiều lần khi nói về hoàn cảnh hiện tại: "Tôi biết ơn nhà nước, chỗ trung tâm tác quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tôi rất biết ơn những người giúp đỡ tôi, cho tôi tiền. Tôi sống thiếu thốn lắm. Hàng ngày thèm bát phở, bát bún mà không có".
Tính đến tháng 8/2013, trung tâm VCPMC đã có 2668 tác giả, chủ sở hữu tác phẩm ký Hợp đồng ủy thác. Ngoài ra VCPMC còn ký hợp tác song phương với 49 tổ chức tương ứng, có phạm vi hoạt động trên 144 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khi các tác phẩm của tác giả ở trên những quốc gia này được sử dụng ở Việt Nam thì VCPMC cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền tác giả cho họ.
Là một thành viên của VCPMC, ca sỹ, nhạc sỹ Bảo Lan nhóm 5 Dòng kẻ cảm thấy niềm may mắn lớn lao của mình: "Cách đây gần 10 năm, nhờ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, lần đầu tiên trong đời tôi chính thức nhận được một khoản tiền từ tác quyền ca khúc do mình sáng tác. Số tiền không nhiều nhưng giá trị tinh thần rất lớn".
Ca sỹ Bảo Lan trân trọng những đóng góp của nhạc sỹ Phó Đức Phương cũng như VCPMC.
Lời tâm sự của ca sỹ Bảo Lan cũng chính là nỗi lòng của nhiều hội viên VCPMC, khi những tâm huyết và sự "liều mình" ở tuổi 70 của nhạc sỹ Phó Đức Phương bị nhiều người quay lưng, ghẻ lạnh, thậm chí lên án. Cô chia sẻ: "Tôi được nghe nhạc sĩ Phó Đức Phương nói về những trăn trở muốn bảo vệ cho các tác phẩm của những nhạc sĩ ở Việt Nam nhiều năm về trước. Tôi biết nhạc sĩ đã lâu, một người rất yêu nghề, đam mê với nghệ thuật và luôn đau đáu với từng tác phẩm của mình và cả với những tác phẩm của các nhạc sĩ khác. Có lẽ cũng chính vì cái tâm đó cùng với sự đồng thuận của nhiều nhạc sĩ gạo cội như ông mà Trung tâm được hình thành.
Đều đặn hàng quý, tôi đều nhận được điện thoại đến VCPMC nhận tiền tác quyền với những kê khai khá chi tiết. Tôi cho rằng nếu để nghệ sĩ tự mình làm việc này thì chắc chắn họ sẽ tự làm thất thoát rất nhiều, họ không thể đem tư cách cá nhân để thực hiện luật và cũng không thể tự kiểm soát tất cả các ca khúc của mình được sử dụng ra sao. Việc này chỉ có một tổ chức có quy mô mới có thể làm được.
Bản thân tôi cảm thấy điều VCPMC mang lại cho nghệ sĩ là điều rất đáng cổ vũ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người có công tiên phong, đi những bước đầu tiên khó khăn để dành lại quyền lợi cho nhiều con người".
Vậy nên, những gì người nhạc sỹ gạo cội gồng mình thể hiện trong thời gian qua, âu cũng là điều dễ hiểu của con người thẳng thắn, đấu tranh vì lẽ phải và vì quyền lợi của nhiều người. Suy cho cùng, ở tuổi 70 với những thành tựu đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sỹ Phó Đức Phương nhẽ ra phải được đặt ở một vị trí cao hơn, dẫu không phải là ánh hào quang còn mãi như người ca sỹ, thì ông cũng đáng được tôn vinh bằng những giá trị lao động chắt chiu trong suốt cuộc đời mình.