Nửa cuối năm 2017 xuất hiện hàng loạt các chương trình truyền hình thực tế 'siêu hot'. Tuy nhiên giờ đây, khán giả đều dễ dàng nhận ra mỗi chương trình lại có những 'con át chủ bài' khác nhau để 'câu khách'.
Những năm gần đây, khán giả đã không còn lạ gì khi bắt gặp một số gương mặt nổi tiếng hoặc tai tiếng đăng ký dự thi các chương trình tìm kiếm tài năng.
Đang lôi kéo sự quan tâm là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 với sự tham gia của dàn thí sinh "khủng" như Mâu Thủy, Hoàng Thùy, Mai Ngô... Format mới, dàn thí sinh có lượng fan đông đảo đã góp phần đáng kể giúp Hoa hậu Hoàn vũ "gây sốt" những ngày qua.
Hoàng Thùy, Mai Ngô, Mâu Thuỷ, Chúng Huyền Thanh, Cẩm Tiên, H' Hen Niê là những thí sinh nhận được đông đảo sự quan tâm từ phía công chúng.
Ở một cuộc thi khác, Trương Mỹ Nhân - dù đã có kinh nghiệm gần 6 năm hoạt động trong làng giải trí đã nói về việc tham gia The Face: "Cảm giác như muốn nắm bắt hết cả cơ hội, đấu tranh với tuổi trẻ, nhiệt huyết với đam mê nên mình đã tự mình đãng ký tham gia The Face..."
Việc Trương Mỹ Nhân tham gia The Face mùa 2 khiến cho nhiều khán giả bất ngờ, bởi so với các thí sinh khác, cô có kinh nghiệm hơn.
Bên cạnh những cuộc thi tìm kiếm tài năng còn có các sân chơi dành riêng cho người nổi tiếng cũng thu hút sự chú ý của khán giả. Sau 7 mùa phát sóng, Vietnam's Next Top Model trở lại với hình ảnh hoàn toàn khác cùng dàn cựu thí sinh như Kim Dung, Thùy Dương, Chà Mi, Cao Thiên Trang... những cái tên luôn thu hút sự tò mò và chú ý từ khán giả.
Chà Mi - Kim Dung - Thùy Dương.
Với những chương trình này, sức hút chính là nằm ở format và độ "hot" của thí sinh tham gia. Những ngôi sao thu hút sự quan tâm của khán giả hoặc có lượng fan đông là lợi thế để chương trình được theo dõi nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng như những chương trình khác, dù "chiêu trò" thế nào thì chất lượng show vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu để giữ chân khán giả.
Mấy ngày qua, sự việc Mai Ngô ghi trong đơn đăng ký nếu các giám khảo muốn biết rõ hơn về mình thì hãy đi tìm trên Google trong tập 1 Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 giống như giọt nước tràn ly khiến người xem đồng loạt phản ứng trước thực trạng thiếu kiểm soát tại không ít chương trình truyền hình thực tế. Dư luận bức xúc lên án gay gắt hành vi thiếu tôn trọng của Mai Ngô, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, điều đáng buồn đó có lẽ đã không xảy ra nếu đây là một chương trình có tính nghiêm túc cần thiết.
Thử hỏi, với các tình huống tào lao nhăng nhít yêu cầu các bậc tiền bối tự "Google search" khi được hỏi những câu về thành tích, kinh nghiệm trong quá khứ thì làm sao có đáp án tử tế hay chỉ là hàng loạt scandal không mấy tốt đẹp? Về phía Mai Ngô, cô giải thích vì bản thân từng thi thố quá nhiều nên khó lòng liệt kê hết được trong một tờ giấy. Thay vào đó, cô chọn phương án nhờ giám khảo "Google" nếu muốn biết thêm về mình.
Ngược lại, về phía ban giám khảo lại tỏ ra không hài lòng vì hành động có phần thiếu tôn trọng và tự tin thái quá của Mai Ngô. Điều này tạo ra một cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Nhiều khán giả cũng ngán ngẩm cho rằng, một chương trình mang tính "câu view" nên đừng đòi hỏi những phiên bản sạch sẽ, văn minh. Bởi, xét cho cùng, không chỉ giám khảo mà cả Mai Ngô cũng là nạn nhân của thứ truyền hình thực tế đang tràn lan trên màn ảnh nhỏ.
Mai Ngô yêu cầu ban giám khảo tìm thông tin của cô trên Google.
Thay vì chú trọng yếu tố chuyên môn hay thực lực người chơi, các chương trình truyền hình thực tế hiện nay còn thường xuyên mang đời tư của thí sinh ra khai thác để thu hút người xem. Ðáng chú ý phải kể đến Hoa hậu Hoàn vũ với việc sở hữu những câu chuyện "cảm động" gây chú ý nhất. Trong đó có chuyện công ty của bố mẹ thí sinh Nguyễn Thị Anh bị cháy được phơi bày, chuyện Lê Thị Mỹ Hạnh muốn "mượn" những cuộc thi để tìm lại nguồn cội, tìm lại bố, rồi chuyện tình cảm, tình bạn nhiều đau buồn của Tiêu Ngọc Linh… Bên cạnh đó, chương trình liên tiếp có sự xuất hiện của những thí sinh "bá đạo", điển hình là Nguyễn Thị Huyền Trang với với phát ngôn về sự nổi tiếng, thu nhập thật cao như Phạm Hương, hay Huỳnh Thị Kim Thùy nói SEA Games là một hoạt động thể thao của toàn thế giới trong khi đây là đại hội của Đông Nam Á...
Phát biểu nhận nhiều ý kiến tranh cãi của Huyền Trang
Nhận là fan bóng đá song Kim Thùy không hiểu biết gì về SEA Games.
Rõ ràng, nhu cầu được gần gũi, chia sẻ với công chúng những góc khuất của cuộc đời người xuất hiện trong chương trình là bình thường. Nhiều chương trình truyền hình thực tế hoàn toàn có thể khéo léo khai thác những câu chuyện đó để mang đến xúc cảm thiêng liêng cho người xem về sự hy sinh cho lao động nghệ thuật hay những trân quý trong tình cảm giữa người với người. Có điều, những phát ngôn dở tệ, ngây ngô mới đang là chất liệu để truyền hình thực tế khai thác.
Trước thực trạng các chương trình truyền hình thực tế để lộ quá nhiều "con át chủ bài" như hiện nay, nhiều người xem tự hỏi liệu những nhà sản xuất có đang tự cứu lấy mình trước làn sóng dần thoái trào hay không?
Nhiều nghệ sĩ bức xúc chia sẻ: Hiện nay, mỗi tác phẩm sân khấu muốn ra mắt công chúng đều phải qua sự kiểm duyệt nội dung, nghệ thuật gắt gao. Vậy tại sao những chương trình truyền hình thực tế phát sóng cho cả nước xem lại không được kiểm duyệt nội dung kỹ càng. Hơn nữa, hầu hết các gameshow đều không phải trực tiếp.
Thí sinh thi nhau bật khóc với những câu chuyện đời tư trên truyền hình thực tế
Vậy lý do gì một chương trình thực hiện vài tiếng đồng hồ khi được biên tập thành vài chục phút vẫn lọt sạn? Việc nhà sản xuất tìm mọi cách, kể cả lợi dụng những chiêu trò, yếu tố gây sốc để nâng cao hiệu suất khán giả theo dõi, hút nhiều quảng cáo nhằm bảo đảm bài toán lợi nhuận cũng là điều không khó lý giải.
Bên cạnh đó, cách làm kiểu "bán tháo", nửa đầu thì hot, nửa sau thì nhạt chính là kẽ hở để các nhà sản xuất tìm mọi cách "câu" khán giả bất chấp chiêu trò. Trong bối cảnh còn nhiều bất cập của truyền hình thực tế, các nghệ sĩ khi tham gia cũng phải thật tỉnh táo, giữ một "cái đầu lạnh" để giữ mình, cũng để giữ tự trọng với nghề.
>> Xem tiếp: BẤT NGỜ VỚI HÌNH ẢNH 'NGỐ TÀU' CỦA SAO VIỆT ĐI THI TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ LÚC CÒN ĐÔI MƯƠI