Sau vài năm kể từ khi truyền hình thực tế "đổ bộ" màn ảnh nhỏ, dường như nó đã trở thành một "món ăn" kém chất, chóng chán đối với khán giả Việt.
Dường như những lùm xùm đã trở thành một "truyền thống" của truyền hình thực tế khi bất cứ chương trình nào cũng dính phải những scandal lớn nhỏ khác nhau. Những scandal điển hình của truyền hình thực tế Việt Nam hiện nay là dàn xếp kết quả, sự cố sân khấu, thí sinh bỏ thi... Mới đầu, những scandal này như một thứ "kích thích" khiến khán giả tò mò, giúp chương trình có lượng người xem đông đảo hơn. Nhưng bắt đầu vài năm trở lại đây khi những scandal trở nên tràn lan, các khán giả gần như đã bị "bội thực".
Những chương trình truyền hình thực tế được chú ý hiện nay được làm ra với mục đích tìm kiếm những tài năng còn giấu mặt cho showbiz Việt, nhưng đáng tiếc thay, cái được gọi là chất lượng chưa được đưa ra làm tiêu chí hàng đầu, trong khi những scandal hay "chiêu trò" lại được quan tâm và chú ý nhiều hơn hết thảy.
Sự cố uống nhầm axit trên Vietnam's Got Talent khiến nhiều người nghĩ đây chỉ là một "chiêu trò" nhằm "vớt vát" một mùa ế ẩm của chương trình.
Nhiều khán giả cho rằng các nhà sản xuất Việt Nam dường như quá "bỏ bê" đứa con tinh thần, khiến chúng mang những "hạt sạn" khó có thể chấp nhận được. Những sự cố truyền hình thực tế "nức tiếng" của năm 2014 vừa qua như uống nhầm axit của Vietnam's Got Talent và ăn mặc phản cảm của The X-Factor khiến các khán giả "ngán ngẩm", đồng thời cũng khiến những chương trình này bị mất uy tín.
Hay như chương trình đang "hot" nhất hiện nay là The Remix cũng vướng nhiều lỗi âm thanh mặc dù mục đích của chương trình là đề cao "hòa âm". Các khán giả cũng như các nghệ sĩ tham gia đã tỏ ra vô cùng khó chịu khi không nghe thấy ca sĩ hát do micro bị trục trặc, bên cạnh đó những người biên tập còn tự ý thêm vào những tiếng vỗ tay "giả" rất vô duyên đè lên cả tiếng ca sĩ hát.
Mặc nhầm khăn piêu làm khố trên The X Factor.
Một điều khiến truyền hình thực tế "ăn điểm" là phương thức tìm người thắng cuộc đều phụ thuộc vào các tin nhắn bình chọn của khán giả. Tuy nhiên khi những scandal dàn xếp kết quả nổ ra, từ vị trí là người quyết định, các khán giả theo dõi bỗng có cảm giác mình trở thành những "con rối bị giật dây" bởi nhà sản xuất. Do đó, những scandal như vậy thường bị người hâm mộ phản ứng dữ dội đến mức đánh mất lòng tin của họ ở nhà sản xuất.
Scandal như một con dao hai lưỡi, nó có thể là "chiêu trò" giúp chương trình thu hút được đông đảo khán giả hơn vì tò mò, nhưng đồng thời có thể khiến người xem "quay lưng" lại với các chương trình đấy. The Remix bị nhiều người đánh giá là một "quả bom xịt" khi chất lượng âm thanh và ánh sáng không được đầu tư kĩ càng như tiêu chý ban đầu của cuộc thi, thể lệ thi lủng củng và bất hợp lý cộng với những tin đồn thiên vị, "dìm hàng" các thí sinh khiến The Remix dường như bị phần lớn khán giả "ngó lơ" dù đã "chiêu mộ" rất nhiều ngôi sao của showbiz Việt.
The Remix không tạo được tiếng vang như mong đợi.
Sự việc khiến nhiều người quan tâm nhất gần đây chính là việc Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định tạm dừng cấp Giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết cho VTV với hai công ty Cát Tiên Sa và BHD. Đây là hai công ty chủ quản của một loạt các chương trình truyền hình thực tế hot nhất hiện nay. Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông được đưa ra sau hàng loạt những sai phạm liên quan tới thuần phong mỹ tục, sử dụng ngôn ngữ hình ảnh phản cảm, hoặc sai phạm về quảng cáo. Đây được xem là một cử chỉ "mạnh tay" của nhà quản lý nhằm chấn chỉnh nội dung của các chương trình này.
Sau khi quyết định này được đưa ra, nhiều "số phận" chương trình đang phải chờ đợi, trong đó có Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol. Hiện tại, các chương trình thực tế đang phát sóng đều đang phải chỉnh sửa lại và chú ý về mặt nội dung để tránh sai phạm. Dường như các cơ quan quản lý đã quá "nuông chiều" truyền hình thực tế khiến những chương trình này có được quá nhiều sự "tự do".
Số phận của Việt Nam Idol vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Với thời điểm truyền hình thực tế bùng nổ như hiện nay, những biện pháp mạnh tay của các cơ quan quản lý được xem là hoàn toàn đúng đắn. Nhiều người hi vọng rằng sự khắt khe này sẽ giúp cho truyền hình thực tế trở lại với mục đích ban đầu của mình, là "món ăn ngon - bổ - rẻ" đầy chất lượng dành cho khán giả Việt.