Là mẹ của 3 đứa con nhỏ nhưng người phụ nữ này không bao giờ quên được hành trình mang bầu, đi đẻ khi sinh con thứ 2.
Trong chương trình “Chat với mẹ bỉm sữa”, Thủy Thương, bà mẹ 3 con (1 bé 7 tuổi, 1 bé 4 tuổi, 1 bé gần 2 tuổi) đã trải lòng về hành trình 3 lần mang thai và đi đẻ khác biệt của mình. Theo chị Thương, mỗi lần mang bầu, đi sinh là những cảm xúc và hành trình quá đỗi khác biệt.
Được biết, lúc 2 vợ chồng vừa cưới 1 tháng và chưa có ý định sinh con thì chị Thương bất ngờ đón nhận tin vui có em bé: “Lần ấy, 2 vợ chồng đi ăn đám cưới người em họ. Khi nhà hàng họ mang món dê hấp tía tô lên là bỗng dưng em cứ thấy buồn nôn, hơi khó chịu. Cảm giác này em cũng thấy lạ nhưng sau đó về nhà cũng quên đi. Sau đó 1 tháng thì em đi khám đã có bầu”.
Thủy Thương, bà mẹ 3 con kể về hành trình 3 lần mang thai và đi đẻ khác biệt của mình.
Dù lúc đó 28 tuổi nhưng đang tuổi ăn chơi nên chị Thương chưa sẵn sàng có bầu. Tuy nhiên tin vui đó chị cũng sẵn sàng đón nhận, nhất là anh xã rất vui với việc sắp được lên chức bố.
Suốt thời kỳ mang thai, dù chồng đi làm xa 2-3 tháng mới về 1 lần, chị Thương vừa đi làm văn phòng vẫn tự chăm sóc tốt cho bản thân. Do bị hẹp khung xương chậu nên bác sĩ khuyên vợ chồng chị chọn ngày đẻ mổ. Vì thế đến ngày giờ 2 vợ chồng chỉ việc xách làn đi viện và em bé chào đời rất suôn sẻ.
Sau sinh con thứ 2, vợ chồng chị kế hoạch bằng biện pháp sử dụng bao cao su. Tuy nhiên một ngày chị Thương lại bị mất kinh nguyệt. Lo sợ bị rối loạn nguyệt san, chị đi khám thì lại phát hiện có bầu lần 2.
Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu này luôn ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và thăm khám theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thế nhưng vào ngày mùng 6 Tết, khi đang ở 34 tuần 5 ngày, chị Thương cảm thấy bị đau bụng. Lo lắng nên anh xã đưa vợ vào viện gần nhà kiểm tra xem thì đã mở 2 phân.
“Vào viện gần nhà, bác sĩ cũng bảo lần đầu sinh mổ rồi thì lần 2 mổ luôn đi nhưng em không muốn bé sinh non, muốn con ở trong bụng thêm ít ngày nữa cho cứng cáp. Vì thế em chuyển qua Từ Dũ thăm khám lại. Bác sĩ cũng nói đã mở 5 phân, không giữ con trong bụng được nữa phải sinh ngay. Và em bé đã chào đời nặng 2.7kg”, mẹ bỉm kể lại.
Sóng gió bắt đầu từ khi con trai thứ 2 chào đời.
Khi con trai chào đời, chị Thương để ý con không khóc. Các bác sĩ đỡ đẻ và hộ lý thì thầm trao đổi điều gì đó khiến sản phụ rất lo lắng. Sau đó, họ gọi chồng chị qua nói chuyện. Nằm trên bàn đẻ, chị Thương vẫn loáng thoáng nghe được bác sĩ lo ngại con trai bị hội chứng down nên yêu cầu đưa bé đi kiểm tra.
Nghe được như vậy mà chị Thương như rơi từ vực thẳm xuống vì đi khám thai kỳ hoàn toàn bình thường. Sau 1 loạt các xét nghiệm bác sĩ kết luận con bị tim bẩm sinh, tắc ruột, sinh non, bé tím tái khó thở nên được chuyển viện gấp qua viện Nhi Đồng 2 chăm sóc đặc biệt.
“Em ám ảnh nhất hôm tất cả các mẹ nhập viện đi đẻ cùng ngày đều được bế con ra viện. Chỉ riêng mình em xách cái giỏ không đi ra mà không có con nên không biết phải đi đâu. Em tới thẳng viện Nhi Đồng 2 để nhìn con nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Em không tin con bị hội chứng down, không chấp nhận được sự thật đó nên vẫn nuôi hy vọng bác sĩ có sự nhầm lẫn nào đó. Em còn yêu cầu làm làm xét nghiệm cuối cùng là xét nghiệm máu cho con. Khi bác sĩ gửi kết luận em mới buộc phải tin đó là kết quả chính xác", chị Thương vẫn rớt nước mắt nhớ về ngày khủng khiếp.
Vợ chồng chị Thương bên các con.
6 tháng đầu sau sinh, vợ chồng chị Thương ra vào viện liên tục để chăm con rất vất vả vì con phải mổ tới 3 lần. May mắn được bà ngoại chăm kỹ càng và bé mới được xuất viện về nhà. Suốt 6 tháng đó, chị Thương cũng rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh, không ngủ được, đầu óc căng thẳng đến nỗi chồng chị phải đưa đến viện tâm thần thì được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn lo âu.
Đến khi con 10 tháng tuổi, mẹ bỉm mới tự điều chỉnh được giấc ngủ của mình và tự vực dậy để chăm con.
“Thời kỳ đó, em nuôi con trong trạng thái lo sợ, không biết ngày mai con sẽ thế nào. Con bị mềm cơ nên phải thuê cô giáo tập vật lý trị liệu trong nhiều tháng liền. Nhưng 3 lần phẫu thuật, ý chí của con rất mạnh mẽ để giành sự sống nên nhìn lại bản thân mình em thấy có lỗi với con khi tinh thần đã không mạnh mẽ được như vậy”, chị Thương chia sẻ.
Quá ám ảnh với lần mang bầu và sinh con lần 2 bị hội chứng down nên lần nhỡ có bầu thứ 3, mẹ bỉm này hết sức lo lắng. Đặc biệt trong thai kỳ, chị đã làm hết các xét nghiệm để loại trừ con thứ 3 bị hội chứng này nhưng vẫn sợ có sơ suất. Chỉ khi ôm con thứ 3 trong tay khỏe mạnh, chị Thương mới thở phào nhẹ nhõm.
Gia đình hạnh phúc của chị Thương.
Trải qua 3 lần sinh nở đầy cảm xúc thăng trầm khác nhau, mẹ bỉm 3 con này luôn cám ơn chồng và mẹ đẻ đã ở bên chăm sóc, đồng hành lúc chị khủng hoảng tinh thần nhất.
“Em chưa có điều gì không hài lòng về chồng. Anh luôn ở bên cạnh vợ con chăm sóc cho mẹ con em lúc khủng hoảng nhất. Em cũng mong những mẹ bỉm khác nếu chẳng may có hoàn cảnh giống em thì đừng đau buồn và tuyệt vọng, mọi khó khăn sẽ qua, điều tuyệt vời sẽ ở phía trước các mẹ ạ”, chị Thương khẳng định.