Khi mang thai và sau sinh, người mẹ cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề tự chăm sóc bản thân để có sức khỏe tốt cho cả mẹ và con.
Tự chăm sóc bản thân khi mang thai
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, khi mang thai, người phụ nữ cần chú ý tự chăm sóc bản thân bằng cách vệ sinh thân thể hàng ngày, đặc biệt bộ phận sinh dục và núm vú. Mặc quần áo rộng, thoáng, đi dép thấp, ngủ, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường. Tránh tiếp xúc với người ốm, lao động nhẹ, phù hợp với điều kiện của mình, chỉ dùng thuốc khi cán bộ y tế chỉ định, không uống rượu và hút thuốc và hãy tránh môi trường độc hại
Những điều sau đều ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi nên mẹ bầu cần tránh: Không nên sơn móng tay vì mùi sơn móng tay khá nồng thường khiến mẹ bị nghén nhiều hơn, hóa chất phthalates cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ. Không tẩy trắng răng và làm các thủ thuật liên quan đến răng miệng. Không leo trèo cao, việc leo trèo rất nguy hiểm cho thai nhi, do đó mẹ bầu không được leo lên cao lấy vật dụng, hạn chế leo cầu thang.
Phụ nữ mang thai cần biết tự chăm sóc bản thân mình để có thai kỳ khỏe mạnh.
Chú ý đến thực phẩm hàng ngày, 3 tháng đầu là giai đoạn khá nhạy cảm, vì thế mẹ bầu hãy lưu ý hơn trong chọn thực phẩm. Cần hạn chế những thực phẩm không tốt như: Đồ tái sống: thịt, cá, trứng, sữa chưa tiệt trùng,… Thức ăn có hàm lượng thủy ngân cao: các loại cá biển như cá thu, cá kiếm, cá mập… Thực phẩm gây co thắt tử cung: rau ngót, dứa, rau răm,… Đồ uống có cồn, caffein ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
Thuốc điều trị dùng trong thai kỳ cần rất cẩn trọng, tránh thành phần gây ảnh hưởng đến thai nhi. Kể cả với thuốc bổ, mẹ bầu cũng nên trao đổi với bác sĩ sản khoa để được tư vấn. Vì thế, mẹ bầu không đươc tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi chưa ổn định. Vì thế, tốt nhất là mẹ bầu không nên quan hệ bởi có thể gây động thai, sảy thai. Ngoài ra, do hoạt động tuần hoàn máu trong những tháng đầu này chưa ổn định nên mẹ bầu cần lưu ý không nên làm việc gắng sức, đi giày cao gót, mang vác, leo trèo,…
Hút thuốc lá, dùng đồ uống có cồn: Hút thuốc lá trực tiếp hay thụ động đều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Ngoài ra mẹ bầu nên tránh xa đồ uống có cồn như bia rượu, đồ uống có ga như các loại nước ngọt đóng chai.
Căng thẳng, làm việc quá sức:
Ổn định tinh thần, ngủ sớm, ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng với thai phụ để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh nhất. Đặc biệt 3 tháng đầu mang thai mẹ bầu không nên cố quá sức để làm việc hay tham công tiếc việc. Dẫn tới cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược.
Tự chăm sóc bản thân sau khi sinh
Điều chỉnh cuộc sống hàng ngày sau khi sinh có thể là thách thức đối với bà mẹ, đặc biệt nếu bạn lần đầu tiên sinh con. Mặc dù chăm sóc em bé là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, nhưng bạn cũng cần phải chăm sóc cho chính bản thân mình.
Hầu hết các bà mẹ mới sinh sẽ không trở lại làm việc trong ít nhất sáu tuần đầu tiên sau khi sinh. Khoảng thời gian này cho phép cơ thể thích nghi và hồi phục. Do em bé phải được cho ăn và thường xuyên thay đổi thói quen sinh hoạt nên bạn có thể bị mất ngủ về đêm. Điều này có thể khiến bạn bực bội và mệt mỏi. Tuy nhiên, bạn yên tâm rằng sau này các thói quen sinh hoạt của trẻ sẽ được hình thành và bạn cũng sẽ quen với thời gian sinh hoạt của trẻ.
Sau sinh, sản phụ có thể đi lại, làm vệ sinh chăm sóc bản thân và chăm sóc con, tránh hoạt động mạnh... Hãy tắm gội khi bạn thấy thích hợp, dùng nước ấm và sạch, ở nơi kín gió, vệ sinh bộ phận sinh dục và thay băng vệ sinh thường xuyên. Có thể sinh hoạt vợ chồng sau khi sinh 6 tuần nếu bạn thấy bạn khỏe. Nên ăn các loại thức ăn khác nhau, đủ chất.
Cùng với những thay đổi về cảm xúc, bạn sẽ gặp phải những thay đổi về cơ thể sau khi sinh, chẳng hạn như tăng cân. Vì vậy việc giảm cân không xảy ra trong một sớm một chiều, vì vậy bạn hãy kiên nhẫn. Khi bác sĩ cho biết thời điểm và các loại bài tập mà bạn có thể thực hiện, hãy bắt đầu với cường độ vừa phải vài phút mỗi ngày và tăng dần thời lượng và cường độ tập luyện của bạn. Các loại bài tập mà bạn có thể thực hiện sau sinh như đi bộ, bơi lội hoặc tham gia một lớp thể dục nhịp điệu.
Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có thắc mắc hoặc lo lắng về những thay đổi của cơ thể trong thời kỳ hậu sản.
Ngực của bạn sẽ đầy sữa sau khi sinh vài ngày. Đây là một quá trình bình thường, nhưng sưng (căng sữa) có thể gây khó chịu. Để giảm bớt sự khó chịu, bạn có thể chườm ấm hoặc chườm lạnh lên ngực. Núm vú bị đau do cho con bú thường sẽ biến mất khi cơ thể bạn thích nghi được thói quen cho trẻ bú. Bạn có thể dùng kem thoa núm vú để làm dịu vết nứt và giảm đau.
Nên ăn thực phẩm giàu chất xơ để kích thích nhu động ruột, đồng thời uống nhiều nước. Bạn có thể hỏi bác sĩ về các loại thuốc an toàn để điều trị nếu bạn bị táo bón lâu. Chất xơ cũng có thể làm giảm bệnh trĩ cũng như các loại thuốc bôi dạng kem không kê đơn hoặc ngâm mông trong bồn tắm. Uống nước giúp giảm bớt vấn đề đi tiểu sau khi sinh. Nếu bạn bị tiểu tiện không tự chủ, các bài tập Kegel có thể tăng cường cơ vùng chậu và điều trị chứng tiểu tiện không tự chủ này.
Chăm sóc sức khỏe sau sinh là cơ hội để phụ nữ giải quyết các biến chứng và các vấn đề y tế phát triển sau thai kỳ, được chuyên gia y tế đánh giá sức khỏe tinh thần và thể chất, từ đó tối ưu hóa sức khỏe trong suốt cuộc đời. Hầu hết mọi người chỉ tập trung vào sức khỏe của em bé, nhưng để các bà mẹ chú trọng việc chăm sóc bản thân cũng là một điều có ý nghĩa và rất cần thiết.