Dưới dây là một số bí quyết để giúp bạn ứng xử và “chinh phục” sếp nữ khó tính, hãy cùng tham khảo nhé!
Hiện nay, nhiều nhân viên thích làm việc với sếp nữ và xem đó là điều may mắn. Lí do là sếp nữ có những thế mạnh riêng, đặc biệt là sự mềm mỏng và thấu hiểu tốt hơn so với sếp nam. Tuy nhiên, dù là nam hay nữ thì cũng có những vị sếp rất cầu toàn, khó tính khiến nhân viên cảm thấy khá áp lực khi làm việc dưới quyền của họ.
Làm nhiều hơn nói
Trong công việc, thay vì nói quá nhiều về bản thân mình, hay trình bày về vô số ý tưởng bạn đang nghĩ, hãy ít nói lại và cụ thể hơn trong hành động để “ghi điểm” trong mắt sếp nữ. Đồng thời đừng thể hiện “quá” về những gì mình có thể làm hay những thành tích bạn đã giành được trong quá khứ. Hãy bắt tay vào việc và chứng minh năng lực của bạn bằng kết quả cụ thể. Một người sếp khó tính, đặc biệt là sếp nữ, thường khá “dị ứng” với những nhân viên thích ba hoa và đánh giá cao hành động hơn lời nói. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên chỉ chăm chăm làm việc của mình mà không chú ý giao tiếp, vì sự thân thiện, cởi mở bao giờ cũng dễ gây thiện cảm hơn.
Cẩn thận trong công việc
Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, đây chính là phương châm bạn phải nhớ “nằm lòng” khi làm việc với sếp nữ khó tính. Chú ý lắng nghe khi sếp giao việc để không phải hỏi đi hỏi lại quá nhiều lần hoặc hiểu sai ý sếp. Luôn có một cuốn sổ tay để ghi lại những yêu cầu hay ý kiến của sếp để tránh quên lãng. Khi làm việc, bạn cần chú ý đến từng chi tiết nhỏ, lên kế hoạch cụ thể tỉ mỉ và đảm bảo tính an toàn tối đa. Khi sếp yêu cầu trình bày, bạn phải chắc chắn nắm rõ mọi vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, dự án đang thực hiện và báo cáo một cách rõ ràng, đầy đủ, kể cả những phương án dự phòng.
Cư xử chuyên nghiệp ở nơi làm việc
Đây cũng là một trong những quy tắc bạn cần nhớ khi làm việc dưới quyền một sếp nữ cầu toàn và kỹ tính. Bởi vì những vị sếp này sẽ không chỉ chú ý đến phong cách làm việc của bạn mà còn để ý cả tác phong, thái độ của bạn ở văn phòng.
Nói chuyện điện thoại oang oang, đùa giỡn ồn ào trong giờ làm việc, luôn than vãn, thích buôn chuyện, ăn mặc luộm thuộm cẩu thả… là những thói quen xấu bạn cần chấn chỉnh ngay nếu không muốn bị sếp cho vào “danh sách đen”, bất kể năng lực chuyên môn của bạn thế nào.
Hiểu nguyên tắc làm việc của sếp
Sếp nữ cầu toàn và kỹ tính thường có nguyên tắc làm việc khá rõ ràng và họ cũng không dễ thay đổi nguyên tắc. Bạn nên chịu khó để ý quan sát, lắng nghe sếp phát biểu trong lúc họp hành, trao đổi hay xử lý các tình huống… để hiểu hơn về nguyên tắc làm việc của họ. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng giải quyết công việc “đúng ý” sếp. Ngoài ra, việc quan sát, lắng nghe để hiểu sếp cũng giúp bạn có cách tiếp cận với cấp trên của mình hiệu quả hơn. Bạn sẽ biết khi nào nên đưa ra ý kiến hay đề xuất công việc, cũng như cách đưa ra như thế nào để được sếp chú ý, hỗ trợ và đánh giá cao hơn.
Nhìn vào mặt tốt của vấn đề
Làm việc với sếp nữ khó tính là điều không dễ dàng đối với bất kỳ nhân viên nào. Có lẽ bạn sẽ thấy áp lực và đôi lúc có cảm giác như sếp đối xử bất công hoặc cố tình bắt bẻ mình. Nhưng bạn cần bình tĩnh và phải hiểu rằng, đó chính là cá tính của sếp và cũng có thể do áp lực công việc. Sếp khó tính cũng có mặt tích cực là sẽ khiến bạn nỗ lực làm việc tốt hơn. Do vậy thay vì bất mãn hay có thái độ buông xuôi, bạn hãy kiên nhẫn, cố gắng hiểu và thông cảm với sếp. Đồng thời, bạn nên tìm cách cải thiện phương pháp và hiệu quả công việc của mình để đáp ứng yêu cầu “khắt khe” của sếp.
Là phụ nữ, chắc chắn với sự nhạy cảm và trí thông minh cảm xúc cao, sếp của bạn sẽ hiểu ai là nhân viên có “tâm” và có năng lực trong công việc. Vì vậy đừng vội nản lòng mà hãy đợi một thời gian nhé. Một khi sếp đã đánh giá cao và tin tưởng bạn, điều đó cũng có nghĩa là bạn rất “cừ”, và tương lai nghề nghiệp của bạn được đảm bảo khá an toàn rồi đấy.
Tìm việc làm nhanh và hiệu quả tại careerlink.vn