Áp trần giá sữa: Doanh nghiệp có nhiều chiêu lách luật

Ngày 27/05/2014 00:01 AM (GMT+7)

Nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng với quy định mới, từ ngày 1-6, giá sữa trên thị trường sẽ giảm, trong khi đó các doanh nghiệp sữa tỏ ra không đồng tình với chủ trương này và tìm cách lách luật.

ộ Tài chính vừa có quyết định về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, quy định mức giá tối đa trong khâu bán buôn đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Với quy định này, lần đầu tiên mặt hàng sữa, cả nội lẫn ngoại, bị áp giá trần từ ngày 1-6 với mức giảm khoảng 15%-20% so với mức các doanh nghiệp (DN) sữa kê khai.

Chưa có dấu hiệu giảm giá

Tại TP HCM, sáng 24-5, khu vực bán sữa bột ở Lotte Mart khá vắng vẻ. Mời chúng tôi tham khảo các mặt hàng sữa đang khuyến mãi nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, cô nhân viên tiếp thị tại đây cho biết chưa nghe thông báo giảm giá sữa theo quy định giá trần. Tương tự, tại Co.opmart Cống Quỳnh, nhân viên bán hàng ngơ ngác trước câu hỏi về khả năng giá sữa Abbott Grow 3 (1 trong 25 sản phẩm áp giá trần) sẽ giảm từ đầu tháng 6 tới.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết 5 DN sữa có sản phẩm bị áp giá trần vừa thông báo là đang làm việc lại với Bộ Tài chính về quy định mới nên tạm thời chưa có chủ trương điều chỉnh giá bán.

Trước khi áp trần giá sữa, một số DN đã có động thái “lách” quy định để tăng giá bán. Công ty Mead Johnson đã thay đổi bao bì, mẫu mã một số sản phẩm dòng sữa Enfa và tăng giá bán từ 7%-11%. Lấy lý do “chuẩn hóa trọng lượng đóng gói tại các thị trường trong khu vực”, hãng Abbott giảm trọng lượng sữa Pediasure B/A, Ensure Gold từ 900 g/hộp xuống còn 850 g/hộp và giữ nguyên giá bán.

Một số đại lý sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) cho biết có thông tin sắp tới, các hãng sữa không tăng giá nhưng sẽ giảm trọng lượng. Đây là một trong những chiêu lách luật để tăng giá bán. “Áp giá trần chỉ là biện pháp hành chính. Quan trọng là cùng với giá trần, Bộ Tài chính phải kiểm soát và xử lý nghiêm những DN cố tình lách luật để tăng giá sữa. Như vậy, người tiêu dùng mới có cơ hội mua sữa đúng giá, nếu không, thiệt thòi luôn thuộc về người tiêu dùng” - chị Nguyễn Thị Hồng, khách hàng của hãng sữa Abbott, đề xuất.

Không công bằng giữa các DN

Theo lý giải của Bộ Tài chính, giá trần được xây dựng theo giá thành sản phẩm và lợi nhuận hợp lý của DN.

Áp trần giá sữa: Doanh nghiệp có nhiều chiêu lách luật - 1

Giá sữa chưa được quản lý tốt trong thời gian qua Ảnh: Hồng Thúy

Tuy nhiên, theo các DN, việc áp giá trần là chưa phù hợp, không công bằng và không bảo đảm lợi nhuận cơ bản cho DN. Đại diện một công ty sữa lớn ở TP HCM cho biết nếu tuân thủ quy định về giá trần, DN sẽ lỗ. Hiện DN này đang làm việc với Bộ Tài chính và sẽ sớm có thông tin chính thức về giá sữa đến người tiêu dùng. “Các DN trong nước tuân thủ nghiêm túc quy định về chi phí quảng cáo, tiếp thị, trong khi một số DN nước ngoài vi phạm quy định này, có chi phí cho tiếp thị, quảng cáo vượt xa mức cho phép. Như vậy, khi quyết định áp giá trần, Bộ Tài chính đã cân nhắc đến sự bất hợp lý trong chi phí, lợi nhuận của các DN chưa? Vì sao Bộ Tài chính quyết định áp giá trần nhưng vẫn cho phép một DN sữa ngoại tăng giá từ ngày 1-6?” - vị đại diện này đặt vấn đề.

Bà Gift Samabhandhu, Tổng Giám đốc Mead Johnson Nutrition Vietnam - đơn vị có 5 sản phẩm sữa bị áp giá trần, cho biết việc áp giá trần sẽ tạo gánh nặng đáng kể cho các nhà phân phối đang lưu kho một lượng lớn sản phẩm sữa của Mead Johnson với mức giá tại thời điểm mua hàng. Như vậy, sau ngày 1-6, họ sẽ bị lỗ. Mead Johnson đang tìm kiếm cơ hội đối thoại với Bộ Tài chính để hiểu hơn về cơ sở tính giá trần, việc thực thi sẽ được thực hiện như thế nào nhằm tránh tác động tiêu cực đối với các đơn vị kinh doanh.

Một số hãng sữa cho hay trước mắt chưa có quyết định gì liên quan đến áp trần giá sữa. Tuy nhiên, nếu giá trần vẫn được duy trì, DN bị lỗ sẽ tìm cách “lách” hoặc ngưng sản xuất những mặt hàng bị áp giá trần. Khi đó, người tiêu dùng sẽ bị giảm cơ hội lựa chọn.

Sẽ có nhiều chiêu lách luật

Chị Hồng Thi, chủ một đại lý sữa trên đường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội), cho biết không có văn bản nhưng nhà phân phối đã thông báo các hãng sữa sẽ thay đổi bao bì, mẫu mã. “Do hàng cũ chưa bán hết nên tôi chưa nhập hàng mẫu mã mới. Hiện nay, giá bán các dòng sữa vẫn như cũ. Đến ngày 1-6, giá mỗi hộp sữa có thể thấp hơn hiện nay từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng. Nếu bán theo giá trần đối với các lô hàng cũ, đại lý sẽ lỗ nặng” - chị Thi nói.

Bà Hải, chủ đại lý sữa trên phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết đang tư vấn khách hàng nhanh tay mua các sản phẩm sữa cũ trước khi nhà nước áp giá trần. Bởi theo bà, các DN sữa sẽ lách quy định giá trần nên khách hàng không mua được sữa rẻ hơn, thậm chí các chiêu giảm trọng lượng hay đưa ra sản phẩm mới thay thế hoàn toàn các dòng sữa cũ sẽ khiến giá sữa tăng chứ không giảm.

Ph.Nhung

Theo Thanh Nhân (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan