Do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao trong dịp Tết, việc buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn trở nên rầm rộ, tinh vi.
Từ tháng 12-2016 đến nay, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hàng chục vụ vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn đưa đi tiêu thụ trong dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu.
Liên tục phát hiện, bắt giữ
Mới đây, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh kiểm tra một xe khách trên Quốc lộ 1 (đoạn qua phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh). Lực lượng chức năng đã phát hiện 14 thùng xốp chứa chân, đuôi trâu, bò có trọng lượng hơn 1 tấn, bốc mùi hôi thối.
Lực lượng CSGT Thanh Hóa bắt giữ một vụ vận chuyển thực phẩm bẩn vào ngày 5-1Ảnh: THANH TUẤN
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Hồ Văn Sáng (trú xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan. Tài xế Sáng thừa nhận đã vận chuyển thuê số thực phẩm bẩn này cho một người dân ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào phía Nam tiêu thụ.
Trước đó không lâu, lực lượng chức năng thị xã Thái Hòa và thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cũng bắt giữ một xe tải và một xe khách do vận chuyển trên 4 tấn mỡ bò, da trâu, nội tạng động vật bốc mùi đi tiêu thụ.
Tại Thanh Hóa, tình trạng buôn bán thực phẩm bẩn vào dịp cuối năm cũng diễn biến phức tạp không kém. Ngày 29-12-2016, Tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT đường Hồ Chí Minh Phòng CSGT Công an Thanh Hóa đã phát hiện, bắt giữ xe tải vận chuyển hơn 11 tấn da trâu, bò không rõ nguồn gốc vào phía Nam. Trạm CSGT Quốc lộ 1 ở tỉnh này cũng đã bắt 3 vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối, thu giữ 885 kg thịt động vật...
Ở Quảng Ninh, trong một hội nghị tổ chức giữa tuần qua, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh cho biết trong những tháng cuối năm và dịp Tết sắp tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn, phát sinh diễn biến phức tạp.
Trong năm 2016, các lực lượng chức năng Quảng Ninh đã phát hiện 677 mẫu thực phẩm không đạt vệ sinh an toàn; 3.120 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý 690 vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc... Đó là chưa kể đến hàng loạt loại bệnh nguy hiểm gia tăng mà nguyên nhân xuất phát từ những độc tố tích tụ do dùng thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại.
Khó truy ra tận nguồn
Theo trung tá Lê Khắc Khanh, Đội phó Đội CSGT đường Hồ Chí Minh Phòng CSGT Công an Thanh Hóa, những đối tượng buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc thường vận chuyển hàng trên xe tải nhỏ, xe khách và taxi. Để qua mắt công an, thực phẩm bẩn thường được ngụy trang rất tinh vi hoặc chở lẫn với các loại hàng hóa khác nên trong quá trình tuần tra, nếu lực lượng chức năng không nhạy bén sẽ bị qua mặt.
“Xe chở thực phẩm bẩn thường đi vào ban đêm, lúc rạng sáng hoặc trên những tuyến đường ít có lực lượng CSGT tuần tra vì đây là thời điểm vắng lực lượng chức năng hoặc thời điểm giao ca” - trung tá Khanh dẫn chứng.
Trước tình hình buôn lậu, vận chuyển thực phẩm bẩn có xu hướng tăng cao vào dịp cận Tết, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu các lực lượng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát tuyến vận tải biển, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới…; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; phối hợp với cơ quan chức năng nhanh chóng khởi tố, xét xử các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Quảng Ninh, khẳng định dịp Tết nguyên đán hằng năm luôn là thời điểm mà những đối tượng lợi dụng thị trường có nhu cầu, đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn vào tiêu thụ. Đối tượng buôn lậu cũng dùng nhiều thủ đoạn để nhập lậu các sản phẩm không bảo đảm vào địa bàn tỉnh rồi tuồn đi khắp nơi tiêu thụ.
Một cán bộ Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo để thực hiện hiệu quả việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội mùa Xuân, người dân nên chủ động phòng ngừa cho mình và người thân bằng cách từ bỏ thói quen sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm ở các cơ sở không bảo đảm an toàn. Ngày Tết không nên mua thực phẩm quá nhiều để lưu trữ lâu; bảo quản thực phẩm phải đúng cách. Khi thực phẩm đưa từ tủ lạnh ra chế biến phải được nấu chín kỹ trước khi ăn..
Mua động vật hoang dã ăn Tết Ngày 3-1, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng ngụ tỉnh Kon Tum và Quảng Bình do buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Trước đó, vào tối 28-12-2016, trong lúc 4 đối tượng này dùng xe khách vận chuyển 12 con voọc đông lạnh với tổng trọng lượng 71 kg trên Quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Kỳ Anh) thì bị lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ. Cũng trong ngày 28-12-2016, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an và Kiểm lâm huyện Hương Sơn bất ngờ kiểm tra nhà ông Nguyễn Xuân Quân tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn; thu giữ 7 con khỉ, 2 con heo rừng, 6 con chồn, 4 con kỳ đà, 1 con trăn… - tổng trọng lượng gần 200 kg. Quân khai đã thu mua số động vật hoang dã này từ Lào và các địa phương lân cận về bán lại cho người dân có nhu cầu sử dụng trong dịp Tết. |