Từ nay đến 2015 chỉ có 150 đầu mối được phép xuất khẩu gạo, sau năm 2015 tùy theo tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ, Bộ Công thương sẽ điều chỉnh lại số lượng đầu mối và địa bàn hoạt động.
Bộ Công thương vừa có Quyết định phê duyệt Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1101/TTg-KTTH ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28 tháng 8 năm 2013.
Nội dung chính của bản Quy hoạch là xác định mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015 kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân, đảm bảo tối đa 150 đầu mối. Phê duyệt cũng chỉ rõ địa bàn hoạt động với các vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn của 150 đầu mối được phê duyệt; từng bước củng cố, phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh của đội ngũ thương nhân.
Tối đa 150 đầu mối sẽ được cấp Giấy chứng nhận nếu đạt đủ 3 tiêu chí về kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo phải nằm trên địa bàn các địa phương trong quy hoạch (trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và vùng ĐBSCL, TP.HCM, Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh) và ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa. Để được ưu tiên, thương nhân phải được Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận bằng văn bản về việc có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.
Khi đạt được giấy chứng nhận, theo định kỳ, Bộ Công thương cũng sẽ xét duyệt tiêu chí để đầu mối xuất khẩu gạo duy trì được Giấy chứng nhận này. Đó là thành tích xuất khẩu và vùng nguyên liệu, hợp tác, liên kết, đặt hàng với người sản xuất lúa. Cụ thể, thương nhân phải đạt thành tích xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn gạo/năm. Kỳ hạn xét thành tích xuất khẩu để thu hồi Giấy chứng nhận là 2 năm liên tiếp xuất khẩu không đạt số lượng trên. Cơ sở xét thành tích là số liệu thống kê của cơ quan Hải quan và việc xét duyệt của Bộ Công thương phối hợp cùng các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan.
Điều kiện thứ hai đề duy trì Giấy chứng nhận là thương nhân phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
150 đầu mối đủ điều kiện sẽ được phê duyệt xuất khẩu gạo (Ảnh: Dân Việt)
Về quy trình cấp Giấy chứng nhận theo Quy hoạch được phê duyệt, Bộ Công thương cho hay, Bộ đã có công văn số 7783/BCT-XNK ngày 29 tháng 8 năm 2013 gửi Sở Công Thương các địa phương liên quan đề nghị tiến hành kiểm tra, xác nhận cho tất cả các thương nhân theo quy định của Thông tư số 12/2013/TT-BNNPTNT ngày 6 tháng 2 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay, xát thóc gạo, kể cả các thương nhân đã gửi hồ sơ về Bộ trước đó.
Trên cơ sở tổng hợp số lượng hồ sơ nhận được, Bộ Công Thương xem xét, phân loại cấp Giấy chứng nhận cho các thương nhân theo các tiêu chí quy hoạch. Trường hợp số lượng hồ sơ hợp lệ vượt quá số chỉ tiêu được cấp thì công bố và thực hiện cấp theo thứ tự trên cơ sở các tiêu chí ưu tiên (vùng nguyên liệu, liên kết với người sản xuất, kinh nghiệm xuất khẩu...).
Trong trường hợp đã cấp đủ số lượng 150 đầu mối theo Quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ tạm dừng việc xem xét hồ sơ đề nghị của thương nhân. Khi có thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận, Bộ Công Thương sẽ xem xét, cấp Giấy chứng nhận cho thương nhân có hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, đáp ứng các tiêu chí.
Từ sau năm 2015, Bộ Công thương sẽ điều chỉnh số lượng đầu mối và địa bàn hoạt động phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo và diễn biến tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Công thương, quan điểm để Bộ đưa ra bản Phê duyệt này dựa trên 3 nguyên tắc chính: Xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề có điều kiện và là ngành ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực quốc gia, lợi ích của người tiêu dùng gạo trong nước và người nông dân trồng lúa; Quy hoạch nhằm đảm bảo sự ổn định, bền vững cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, gắn hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo với phát triển sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua, tạm trữ, chế biến, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa; Nhà nước kiểm soát, định hướng phát triển đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thương mại gạo quốc tế, phù hợp với thực tiễn tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trong nước từng thời kỳ.