Không chậm trễ không phải nhà ở xã hội

Ngày 14/04/2014 12:28 PM (GMT+7)

Việc triển khai các dự án nhà ở xã hội được trông đợi nhiều nhất thời điểm này, tuy nhiên, không chậm trễ thì không phải nhà ở xã hội.

Nhiều dự án quỹ đất 20% để xây dựng nhà xã hội hiện nay vẫn đang để hoang, làm lãng phí tài nguyên đất, trong khi đó nguồn cung nhà xã hội hiện đang thiếu trầm trọng…

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 cho phép các dự án nhà ở thương mại được phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội, để được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, nhằm “phá băng” thị trường bất động sản.

Thực hiện nghị quyết 02, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, trên địa bàn cả nước, hiện đã có 57 dự án nhà ở thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội, với quy mô 34.837 căn, trong đó Hà Nội có 21 dự án đăng ký, quy mô 11.408 căn.

Cũng theo Bộ Xây dựng, Hà Nội đã thẩm định 40 dự án, trong đó 15 dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội, với tổng số 10.587 căn hộ (đã chấp thuận chủ trương 6 dự án, đang xem xét 6 dự án, không đủ điều kiện chuyển đổi 3 dự án).

Tại cuộc họp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường BĐS với lãnh đạo TP Hà Nội vào tháng 1 vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương và lãnh đạo TP đã nhất trí thành lập Đoàn công tác kiểm tra các dự án nhà ở có quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội. Bởi tại nhiều dự án quỹ đất 20% để xây dựng nhà xã hội hiện nay vẫn đang để hoang, làm lãng phí tài nguyên đất, trong khi đó nguồn cung nhà xã hội hiện vẫn còn thiếu.

Không chậm trễ không phải nhà ở xã hội - 1

Dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm cũng nằm trong danh sách bị kiểm tra vì triển khai với tốc độ "rùa" sau gần 1 năm động thổ. Ảnh: Minh Thư

Đáng chú ý, trong đợt kiểm tra đó, có tới 12 dự án được liệt vào danh sách kiểm tra gồm: Dự án Cầu Bươu tại Thanh Trì do Công ty kinh doanh phát triển nhà HN đầu tư; Dự án Hạ Đình tại Thanh Xuân do Công ty xây dựng lắp máy điện nước đầu tư; Dự án Cầu Diễn thuộc dự án thành phố giao lưu do Tổng Công ty CP ĐTXD Vigeba đầu tư; Dự án Tây Nam Linh Đàm do HUD đầu tư, Dự án Giang Biên tại Việt Hưng, Long Biên do Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng đầu tư.

Dự án khu nhà ở Cầu Diễn do CTCP tư vấn và đầu tư xây dựng phát triển đô thị HN đầu tư; Dự án Trung Văn (Từ Liêm) do CTCP Đầu tư xây dựng HN đầu tư; Dự án Đại Kim mở rộng do Công ty kinh doanh phát triển nhà HN đầu tư; Dự án Sài Đồng (Long Biên) của Hanco3; Dự án Cổ Nhuế do Nam Cường đầu tư; Dự án Việt Hưng do HUD đầu tư; Dự án Bắc An Khánh của Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh.

Trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Trung Tuyến, Vụ trưởng – Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cho hay: Hiện văn phòng đang tổng hợp các kết quả trong đợt kiểm tra thực tế đó để báo cáo lên Thủ tướng nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.

Khảo sát thực tế, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội thì... không chậm trễ không phải nhà ở xã hội.

Cách đây vài tháng, khách mua nhà của Hanco 3 từng nhiều lần phải kéo nhau truy tìm chủ đầu tư chỉ để mong có được cam kết chính xác khi nào giao nhà, khi công ty này thất hẹn hơn nửa năm.

Dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Tây Nam – Linh Đàm (Hoàng Mai- Hà Nội) do Công ty cổ phần Phát triển nhà xã hội HUD.VN và Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư đã động thổ rầm rộ từ cuối tháng 5/2013.

Đây là một trong những dự án đầu tiên thực hiện Nghị quyết 02 về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu… . Thế nhưng, đến nay hầu hết các vị trí dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc sau gần 1 năm động thổ. 

Duy chỉ có 1 tòa nhà đầu tiên của chủ đầu tư BIC Việt Nam đang khoan cọc móng.

Không chỉ có ở Hà Nội, gần đây báo chí cũng đưa tin nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Đồng Nai đã và đang ngừng xây dựng vì thiếu vốn.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng công bố mục tiêu chiến lược phát triển nhà ở xã hội đến năm 2015, cả nước đạt 10 triệu m2 và giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 12,5 triệu m2… Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong thời gian từ nay đến năm 2020, tức chỉ còn chưa đầy 7 năm nữa thì nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp trên cả nước cần tới nửa triệu căn hộ.

Mục tiêu và nhu cầu khá rõ ràng, thế nhưng việc xây dựng nhà ở xã hội ở tốc độ “rùa” như hiện nay thì liệu có đạt được mục tiêu đề ra?

Hơn nữa, một trong những nguyên nhân gây “ách tắc” trong việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ được Bộ trưởng Bộ Xây dựng lý giải do thiếu nguồn cung nhà giá rẻ. Do vậy, việc chậm triển khai những dự án nhà ở xã hội không chỉ khiến người dân có nhu cầu dài cổ chờ đợi, mà nó còn đang là tác nhân cản trở việc thực thi chính sách an sinh xã hội.

Theo Minh Thư (Infonet.vn)

Tin liên quan